20/04/2024 10:35 GMT+7

Cống ngăn mặn - 'pháo đài' bảo vệ vùng cây trái miền Tây

Nhiều công trình cống ngăn mặn tại khu vực ĐBSCL đã bảo vệ hàng trăm ngàn héc ta đất nông nghiệp và dự trữ được nguồn nước ngọt thô để phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu. Hệ thống cống ngăn mặn đã phát huy hiệu quả.

Cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành (tỉnh Tiền Giang) được vận hành tạm trong mùa khô 2024 và tiết kiệm được 10 tỉ đồng cho địa phương (vì không cần đắp đập tạm) và đã phát huy hiệu quả - Ảnh: M.TRƯỜNG

Cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành (tỉnh Tiền Giang) được vận hành tạm trong mùa khô 2024 và tiết kiệm được 10 tỉ đồng cho địa phương (vì không cần đắp đập tạm) và đã phát huy hiệu quả - Ảnh: M.TRƯỜNG

Ngày 19-4, ông Bùi Duy Liệu, phó trưởng Ban điều hành công trình cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành (tỉnh Tiền Giang), cho biết cống ngăn mặn này đã đóng hơn một tháng qua để ngăn mặn từ ngoài sông xâm nhập vào nội đồng.

Hệ thống cống ngăn mặn phát huy hiệu quả

Cống được khởi công vào cuối năm 2022, hiện nay tuy chưa hoàn thành nhưng vẫn đảm bảo chức năng ngăn mặn, trữ ngọt và đảm bảo nguồn nước thô cho Nhà máy nước BOO Đồng Tâm - một trong những nhà máy nước lớn nhất của tỉnh Tiền Giang.

Cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành nằm trên kênh Xáng, nằm cách sông Tiền khoảng hơn 400m và cách cửa sông Tiền khoảng hơn 50km. Trước đây, khi chưa đầu tư xây dựng cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành, tỉnh Tiền Giang phải chi hơn 10 tỉ đồng làm đập thép trên kênh Xáng để ngăn mặn.

"Tuy nhiên, hạn chế của đập thép là thi công chậm, mỗi năm phải bỏ ra số tiền hơn 10 tỉ đồng để làm đập tạm (sau đó dỡ bỏ khi nước ngọt trở lại) và quan trọng nhất là không linh động tháo đóng được nên gây ô nhiễm môi trường", ông Liệu nói. Năm nay, cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành được đưa vào vận hành tạm đã giải quyết được toàn bộ những nhược điểm của đập thép trước đây, có thể chủ động đóng - mở để giải quyết ô nhiễm môi trường, lưu thông hàng hóa...

Cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành với vốn đầu tư khoảng 518 tỉ đồng là một trong chín cống ngăn mặn dọc theo sông Tiền phía tỉnh Tiền Giang. Hệ thống cống ngăn mặn này được ví như hệ thống "pháo đài" kiên cố ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất cho vùng chuyên canh cây ăn trái của tỉnh Tiền Giang.

Chỉ tính riêng kênh Nguyễn Tấn Thành, với chiều dài khoảng 19km, chiều rộng bình quân mặt cắt khoảng 65m, khi được đóng để giữ nguồn nước cho hệ thống thủy lợi Bảo Định (phía bờ đông) sẽ cung cấp nguồn nước chính cho vùng sản xuất nông nghiệp của huyện Châu Thành, huyện Tân Phước (phía bờ tây) với diện tích gần 80.000ha và tạo nguồn cấp nước phục vụ sinh hoạt cho trên 800.000 dân thuộc một phần huyện Châu Thành, TP Mỹ Tho và các huyện phía đông của tỉnh Tiền Giang (Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông, thị xã Gò Công).

Không còn phải lo đi đắp đập tạm

Cống Cái Lớn - Cái Bé được xem là hệ thống cống ngăn mặn lớn nhất khu vực miền Tây tính đến thời điểm hiện tại và cũng đang mang lại những hiệu quả to lớn.

Ông Lê Tự Do, giám đốc chi nhánh ĐBSCL thuộc Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi miền Nam, cho biết nắng hạn kéo dài, nồng độ mặn 1‰ có thời điểm lấn sâu vào nội đồng. Việc vận hành đóng cống Cái Lớn - Cái Bé phù hợp góp phần kiểm soát mặn, giúp người dân ở Kiên Giang, Hậu Giang... ổn định sản xuất nông nghiệp trồng lúa và nuôi thủy sản.

"Tùy vào từng đợt, tùy vào nồng độ mặn đơn vị sẽ có kế hoạch vận hành đóng 7-9 cửa van hoặc đóng hoàn toàn 11 cửa van cống Cái Lớn để kiểm soát mặn và kéo mặn giảm xuống, không ảnh hưởng đến đời sống người dân", ông Do nói.

Từ khi vận hành cống Cái Lớn - Cái Bé cho đến nay cơ bản mang lại hiệu quả tích cực, kiểm soát mặn tốt. Một số khu vực ở Kiên Giang, Hậu Giang... không còn đắp đập tạm chống hạn, mặn. Người dân địa phương mua bán vận chuyển nông sản bằng đường thủy dễ dàng thuận tiện; môi trường nước ổn định, không bị ô nhiễm. Đặc biệt, lúa đông xuân 2023 - 2024 của người dân ở Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu... không bị ảnh hưởng đến năng suất mùa vụ.

Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi miền Nam cho biết để khai thác hiệu quả cống Cái Lớn - Cái Bé và kiểm soát mặn tốt, cần phải xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cống dọc theo ven biển An Minh - An Biên để đảm bảo khép kín và đồng bộ.

Lúc đó, địa phương sẽ chủ động giữ ngọt, pha loãng mặn, kiểm soát được mặn tốt hơn. Người dân sống ngoài khu vực ven đê biển Tây sẽ thuận lợi trồng lúa, nuôi tôm sú, cua biển.

Cần thêm vốn xây cống kiểm soát mặn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết mùa khô 2023 - 2024, mặn đến sớm hơn nửa tháng và xâm nhập sâu vào nội đồng (nồng độ mặn 1,2‰ lấn vào đến cầu Cái Tư - đoạn giáp Hậu Giang và Kiên Giang). Cống Cái Lớn - Cái Bé được vận hành kịp thời nên kiểm soát mặn tốt, nông dân sản xuất nông nghiệp địa phương không bị ảnh hưởng.

Ông Lê Hữu Toàn, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho biết hiện Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang phối hợp Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi miền Nam xây dựng kế hoạch vận hành cống Cái Lớn - Cái Bé, cống Xẻo Rô phù hợp để kiểm soát mặn, bảo vệ mùa vụ cho người dân.

Đơn vị cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang sớm trình trung ương bố trí vốn đầu tư Dự án đầu tư xây dựng hệ thống chín cống dọc theo sông cái Cái Lớn (đoạn từ Xẻo Rô đến Biển Tây thuộc huyện An Biên - An Minh) để khép kín toàn bộ, người dân yên tâm trồng lúa, nuôi tôm sú, cua biển phát triển kinh tế gia đình.

Vì sao chưa vận hành cống âu thuyền Vàm Bà Lịch để ngăn mặn?Vì sao chưa vận hành cống âu thuyền Vàm Bà Lịch để ngăn mặn?

UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu vận hành cống âu thuyền Vàm Bà Lịch để ngăn mặn. Tuy nhiên, vì sao chủ đầu tư dự án này chưa vận hành cống?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên