Country bất tử!

MẠNH KIM 28/06/2007 16:06 GMT+7

TTCT - Ngay ở thời điểm rap và hip-hop lên ngôi và đè bẹp dòng pop chính thống, country vẫn sừng sững trong nền văn hóa đương đại Mỹ.

Phóng to
Tam ca Dixie Chicks

Chương trình festival nhạc đồng quê do Hiệp hội Âm nhạc country (CMA Music Festival) tổ chức từ ngày 7 đến 10-6-2007 đã thu hút hàng trăm ngàn người từ hầu hết các tiểu bang Mỹ cũng như từ 25 quốc gia (hội tụ tại Nashville, bang Tennessee).

Country cũng đã chiến thắng “oanh liệt” tại Grammy 2007 khi giật ba hạng mục lớn nhất trong hệ thống Grammy (ghi âm trong năm, album trong năm và ca khúc trong năm; chưa kể hạng mục gương mặt mới cũng thuộc về nữ ca sĩ country Carrie Underwood).

Không dòng nhạc nào tại Mỹ được lên sóng phát thanh nhiều như country (đến với 77,3 triệu thính giả - gần 40% dân số Mỹ) và cũng không chương trình đại nhạc hội nào tổ chức hằng năm tại Mỹ lại xôm tụ bằng country. Chương trình CMA Music Festival 2007 được thực hiện với 90 giờ biểu diễn tại hơn 10 sân khấu và 30 giờ ký tên tặng khán giả, với sự góp mặt của những gương mặt lừng lẫy thuộc nhiều thế hệ (Brooks & Dunn, Billy Currington, Sara Evans, Alan Jackson, Martina McBride, Reba McEntire, Montgomery Gentry, Brad Paisley, Sugarland, Gretchen Wilson, The Wreckers, Charlie Louvin, Carrie Underwood, ca sĩ Canada Terri Clark...).

Nghe country, người ta dễ dàng liên tưởng đến những đồng cỏ Viễn Tây bạt ngàn, những xa lộ vắng tanh dài hun hút và những gã lãng tử với cây guitar cạnh bên. Country là nhạc của tự do và lãng mạn, dễ nghe và phổ biến, với một phong cách đặc biệt không nhầm lẫn, tượng trưng cho một thứ “văn hóa cao bồi” mà không nơi nào khác ngoài Mỹ có được.

Dân nhập cư Anh, Ái Nhĩ Lan và Tô Cách Lan mang đến vùng núi Appalachian ở miền Nam Mỹ vào thế kỷ 18 và 19 những ca khúc ballad Celtic theo kiểu kể chuyện mộc mạc, bình dân, được thể hiện bằng nhạc cụ dây. Loại nhạc này ban đầu chỉ xuất hiện ở các cộng đồng làng quê và phát triển như một thứ nhạc nhảy trong lễ hội mừng vụ mùa. Đầu thập niên 1920, đĩa nhạc country đầu tiên ra đời và những nghệ sĩ nổi tiếng thời đó là nhóm Carter Family - tam ca từ vùng quê Virginia; và Jimmie Rodgers từ Mississippi.

Phóng to
Carrie Underwood
Thập niên 1930-1940, country du nhập vào thành thị, bắt nguồn từ những quán rượu lề đường tại Texas và Oklahoma. Người ta gọi loại “country thị thành” này là nhạc honky-tonk, với những ngôi sao Al Dexter và Ernest Tubb (Honky Tonk Blues của Al Dexter là ca khúc đầu tiên dùng thuật từ honky-tonk). Thập niên 1930-1940, các bộ phim về cao bồi Viễn Tây đã làm bùng lên làn sóng “nhạc Viễn Tây”, ảnh hưởng từ thể loại country vùng núi Appalachian. Điển hình của dòng nhạc này là Roy Rogers và Gene Autry, vừa diễn xuất vừa hát trong các phim cao bồi.

Sau Thế chiến thứ hai, công nghiệp ghi âm bùng nổ và radio lên ngôi. Nashville trở thành cái nôi của country, khi Đài phát thanh WSM lần đầu tiên thực hiện chương trình biểu diễn và phát sóng mang tên “Nashville Barn Dance” (chương trình này sau đó đổi thành “Grand Ole Opry”). Tuy nhiên, đến cuối thập niên 1960 country mới thật sự tung hoành, với khởi xướng của Bob Dylan, Gram Parsons và The Byrds.

Giữa thập niên 1970, country rock bắt đầu hình thành và thật sự lan rộng đầu những năm 1990 với đóng góp của Garth Brooks, Clint Black, Reba McIntire, Trisha Yearwood, Billy Ray Cyrus, Travis Tritt, Sheryl Crow... Chất tự sự đầy tình cảm của country có lẽ thích hợp với phái nữ.

Patsy Montana trở thành ca sĩ nữ đầu tiên có đĩa hát bán được hơn 1 triệu bản vào những năm 1930 và đến nay người ta vẫn chưa thể quên những giọng nữ country thời thập niên 1970 như Loretta Lynn, Tammy Wynette (đều tự viết hầu hết ca khúc mình thể hiện) và đặc biệt Dolly Parton (người được Viện hàn lâm nhạc country vinh danh trong buổi lễ tại Viện bảo tàng bang Tennessee vào ngày 20-6-2007 với những đóng góp không mệt mỏi cho country), Patty Loveless, Mary Chapin Carpenter, Shania Twain, LeAnn Rimes... những năm 1990 và Carrie Underwood những năm đầu thế kỷ 21...

Sức sống bền bỉ của country có lẽ bởi nó là biến thể của dân ca mà dân ca thì luôn trong sáng. Country “đẹp” không chỉ bởi chất nhạc mà còn bởi ca từ. Điều đó có lẽ còn bởi vì country - dân ca hiện đại - song hành cùng thời cuộc. Sau vụ 11-9-2001, không dòng nhạc nào tại Mỹ bày tỏ sự phẫn nộ bằng country (chẳng hạn trong ca khúc Courtesy of the red, white and blue của Toby Keith).

Rồi cuộc chiến Iraq kéo dài cũng đồng thời nảy sinh u uất trong những bộc bạch thể hiện ở country. Điển hình là ca khúc Letters from home của John Michael Montgomery. Và sau thái độ bất mãn (với cuộc chiến Iraq) là sự mất niềm tin. Chẳng ca khúc nào tuyệt vời hơn để làm dẫn chứng bằng bài hát lên top Jesus take the wheel của Carrie Underwood (vốn thành danh từ cuộc thi American Idol) - về tâm sự chán chường và mệt mỏi của một phụ nữ khi chở đứa con đến nhà bố mẹ dự lễ giáng sinh mà không có chồng đi cùng; mới đi được vài chục kilômet, “cô ấy bắt đầu hết xăng và hết cả... niềm tin”; bị rối bời bởi muôn vàn lo lắng, cô trượt tay lái trên mặt đường băng và suýt giết chính mình lẫn đứa con; buồn nản tột cùng, cô đưa tay lên trời và chỉ mong mỏi mỗi điều là được “Chúa cầm vôlăng” để “cứu con khỏi con đường mà con đang đi”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận