06/12/2020 20:38 GMT+7

COVID-19 khiến nhiều 'ông lớn' ngành đồ uống 'xuống đường'

BÔNG MAI - NGUYỄN TRÍ
BÔNG MAI - NGUYỄN TRÍ

TTO - Dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp ngành đồ uống đổ xô vào mô hình kinh doanh cửa hàng lưu động, kiôt bán hàng mang đi để giảm chi phí và tăng nhận diện thương hiệu.

COVID-19 khiến nhiều ông lớn ngành đồ uống xuống đường - Ảnh 1.

Một kiôt cà phê thương hiệu Highlands tại khu vực gần ngõ 4 Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận) - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Mức vốn đầu tư thấp, dễ mở, thu lợi nhanh là những ưu điểm của mô hình bán hàng mang đi (take away). Nhiều doanh nghiệp khẳng định sau thời gian thí điểm sẽ tiếp tục mở rộng mô hình kinh doanh này.

Chuỗi cà phê, đồ uống liên tục "xuống đường"

Thời gian gần đây, người dân góc ngã từ Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận) dần quen thuộc với quầy cà phê nhỏ có tên Highlands Coffee.

Khoảng 6h30 đến gần trưa, quầy cà phê nhỏ phục vụ cà phê với mức giá 24.000 - 35.000 đồng/ly tùy kích cỡ, thấp hơn 4.000 - 5.000 đồng so với sản phẩm tại nhà hàng của thương hiệu này. Đại diện kiôt này cho biết quán duy trì nhiều quá tháng qua và thu hút lượng lớn khách hàng.

Tương tự, thị trường cà phê mang đi cũng xuất hiện nhiều thương hiệu mới. Điển hình như chuỗi cà phê Ông Bầu. Để hút khách, nhiều quầy cà phê lề đường của chuỗi này còn tung ưu đãi mua 1 tăng 1 khi mới ra mắt.

Theo tìm hiểu, chuỗi Ông Bầu đang kêu gọi nhượng quyền thương hiệu mô hình quầy bar di động diện tích từ 2 - 5m2 với ngân sách từ 98 triệu đồng, giá trên chưa bao gồm thuế VAT và chi phí thi công.

Được biết, hệ thống này hiện có khoảng 39 điểm bán take away. Những xe cà phê này chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ…

Bên cạnh đó, nhiều chuỗi khác như Laha Café cũng đặt quầy bán take away trước quán, cho nhân viên ra ngoài đường mời mua cà phê.

Nhiều thương hiệu chuỗi trà sữa hiện nay cho biết thay vì chỉ "chơi" với cửa hàng lớn như trước, hiện các đơn vị mở rộng thí điểm nhượng quyền thương hiệu đối với mô hình kinh doanh kiôt, xe lưu động để tận dụng nguồn khách hàng trẻ dồi dào.

"Vô tình lượm được bí kíp" nhờ dịch COVID-19

Từ đầu năm 2020 đến nay, TP.HCM đã chịu ảnh hưởng 3 lần dịch COVID-19 xuất hiện, dẫn đến doanh thu của nhiều hàng quán ăn uống, đặc biệt là các quán cà phê ngồi tại chỗ, bị sụt giảm mạnh. Nhiều đơn vị chọn cách đóng cửa nhà hàng và bù vào bằng cách "xuống đường".

"Thông thường quán cà phê ngồi tại chỗ sẽ có lợi nhuận cao, tuy nhiên năm nay quán hoạt động được ít thời gian nhưng chi phí trả tiền mặt bằng lại lớn. Có thể nói năm nay khoảng 70% chủ kinh doanh quán cà phê thua lỗ", ông Hoàng Văn Tiễn - giám đốc điều hành chuỗi cà phê Coffee Bike - chia sẻ.

Theo ông Tiễn, trước dịch hệ thống Coffee Bike có 15 điểm bán ngồi tại chỗ thưởng thức, nhưng do dịch nên đã đóng bớt 10 điểm, đổi lại bằng việc mở rộng, phát triển 35 điểm bán cà phê máy ngay bên đường.

Có lợi thế 5 năm mang chuỗi cà phê pha máy xuống phố nên việc buôn bán của các xe cà phê trở nên thuận lợi. Ngoài TP.HCM thì hiện thương hiệu này còn có mặt ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Hà Nội…

"Số lượng người uống cà phê pha máy ở TP.HCM hiện tại đang có xu hướng tăng, người ta tận dụng khai thác luôn. Cứ thấy một cửa hàng, quán nhậu xuất hiện thêm xe cà phê thì biết họ đang kinh doanh khó khăn, cần kiếm nguồn doanh thu buổi sáng để lấy chi phí trang trải phí mặt bằng", ông Tiễn nhận định.

COVID-19 khiến nhiều ông lớn ngành đồ uống xuống đường - Ảnh 2.

Một điểm bán take away thương hiệu Ông Bầu tại TP.HCM - Ảnh: NHẬT THỊNH

Tương tự, nhiều người chạy theo mô hình này thừa nhận những ưu điểm lớn như chi phí rẻ, dễ bán.

Theo một cá nhân tham gia chuỗi cà phê take away tại TP.HCM, chi phí thấp nhất để mở một cửa hàng cà phê pha máy ngồi lại khoảng 350 triệu, nhưng chỉ cần đầu tư 50 triệu đã có thể bán cà phê pha máy mang đi trên vỉa hè bài bản, chi phí rẻ, sản phẩm cũng chỉ từ 13.000 - 15.000 đồng/ly nên dễ tiếp cận khách.

"Ở TP.HCM, quán cà phê ngồi tại chỗ phải mất phí mặt bằng khoảng 30 triệu đồng/tháng, thì mặt bằng xe cà phê chỉ khoảng 5 triệu đồng, chưa kể chỉ cần 2 nhân viên đã hoạt động trơn tru", vị này nhẩm tính.

Khi mới ra mắt vào khoảng giữa năm nay, cà phê Ông Bầu đặt mục tiêu đạt 1.000 điểm bán vào cuối năm nay, đến cuối năm 2022 kỳ vọng có 10.000 điểm bán trên toàn quốc. Để hợp tác cùng có lợi, chuỗi này bắt tay với chuỗi nhà hàng Ba Gác Nướng và Bia để mở điểm.

Theo tìm hiểu, trung bình mỗi ngày các quầy/xe bán cà phê mang đi bán từ 100 - 150 ly, giá trung bình 15.000 đồng/ly, tức doanh thu dao động 1,5 triệu đến 2,25 triệu đồng, lợi nhuận bình quân tháng khoảng 15 triệu đồng.

Cần chú trọng an toàn thực phẩm, nâng cấp chất lượng

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đồ uống, về lâu dài, để duy trì và phát triển, mô hình kiôt, xe lưu động cần liên tục nâng cấp về chất lượng sản phẩm, đặc biệt chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn khu vực giao thông đông đúc.

Mang chai nhựa, giày dép hỏng… đến quán cà phê tái chế ở TP.HCM Mang chai nhựa, giày dép hỏng… đến quán cà phê tái chế ở TP.HCM

TTO - Chỉ cần đem chai nhựa, ly nhựa, giày dép hỏng đã qua sử dụng đến quán, khách hàng sẽ được giảm giá nước là cách làm độc đáo của quán cà phê tái chế nằm trên đường Thân Văn Nhiếp ở Q.2, TP.HCM.

BÔNG MAI - NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: take away Cà phê