25/09/2015 06:00 GMT+7

Cư dân TP.HCM uống nước thừa lẫn thiếu hóa chất diệt khuẩn clor

VÕ HƯƠNG - QUANG KHẢI - MẠNH KHANG
VÕ HƯƠNG - QUANG KHẢI - MẠNH KHANG

TTO - Hàm lượng clor trong nước sinh hoạt tại TP.HCM nhiều nơi vượt mức quy định. Ngược lại, mẫu nước ở vài nơi khác gần như không tồn tại loại hóa chất diệt khuẩn này.

Nước máy ở nhà người dân -Ảnh: Hữu Khoa

Đó là kết quả của đoàn kiểm tra liên ngành do Cục quản lý môi trường Y tế và Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Sawaco) phối hợp thực hiện tại các nhà máy nước và trạm cấp nước tập trung.

Theo đó, để đảm bảo hàm lượng clor cuối nguồn luôn đạt 0,3-0,5mg/l theo đúng quy chuẩn, Sawaco đã châm lượng clor dư cao (0,9-1,1mg/l) tại đầu nguồn. Tuy nhiên, dù vậy, ở một chung cư, hàm lượng chất này chỉ đạt 0,06mg/l.

Vẫn còn hôi và có cặn

Phản ánh với TTO, nhiều bạn đọc tại khu vực Q.Thủ Đức cho biết, dù là nước máy nhưng nhiều lúc xả ra vẫn có cặn màu đen, nhỏ li ti vì vậy họ chỉ dám dùng để tắm rửa còn nấu ăn thì phải mua nước đóng bình.

Bạn T. - sinh viên trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết, nguồn nước uống dành cho sinh viên của trường có mùi clor rất nặng. Dù vậy, sinh viên không còn lựa chọn nào khác.

Chị Thúy Vy (Q.Bình Thạnh) cho hay: “Nước xả vào thùng, để lâu sẽ có cặn màu vàng. Còn mùi clor thì thỉnh thoảng lại xuất hiện một lần”.

“Nước xả ra ban đầu tình bình thường nhưng để lâu thì đóng thành từng bợn, nhớt. Mình phải lau chùi đồ đạc thường xuyên, nếu không là bị đóng đen hết”, anh Hữu Đạt (Q.9) bức xúc.

Tại Q.11, anh Tuấn Huy (ngụ phường 5) cho biết nước xả ra sạch và trong, không mùi. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện nhiều đợt nước có hạt nhỏ lợn cợn.

Có thể ảnh hướng sức khỏe thần kinh

Các bác sĩ cảnh báo tình trạng nơi thừa, nơi thiếu hóa chất diệt khuẩn clor trong nước đều có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng.

Theo bác sĩ Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM), clor trong đường ống nước khó có khả năng hao tổn nếu không có nước hòa thêm vào hoặc không xảy ra rò rỉ vì bản thân chất này rất lâu mới hóa biến.

Clor dùng để tiệt trùng nước. Khi hàm lượng clor rất nhiều thì có thể làm bỏng vì có tính axit. Tuy nhiên, tương tự như với clo trong muối ăn (NaCl), cơ thể có khả năng thải clor ra bên ngoài nếu thận còn hoạt động tốt.

Trường hợp suy thận, lượng clor nhiều có thể gây rối loạn cơ thể và với cơ địa dễ bị sạn thận thì điều này sẽ tạo điều kiện hình thành sạn.

“Thiếu clor trong nước sinh hoạt không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Tuy nhiên, đây là điều kiện cho vi khuẩn phát triển làm nguồn nước không đảm bảo”, bà Thủy cho hay.

Bác sĩ Lâm Hữu Tài (chuyên khoa tâm thần, Trung tâm Y tế dự phòng Q.1, TP.HCM) cho rằng, hàm lượng clor dư gấp vài ba lần mức quy định có thể ảnh hưởng sức khỏe thần kinh.

Lượng này tương đương với hàm lượng clor dùng trong xử lý các hồ bơi. Ông Tài dẫn chứng trường hợp clor có tình khử trùng nên khi có hàm lượng cao sẽ tác động vào da người bơi làm cháy sạm hoặc có thể ngộ độc (nếu họ uống nước).

Ở các khu vực đầu nguồn, nhiều người xả nước ra có mùi nồng (mùi clor). Nếu dùng nước này để rửa rau củ thì không ảnh hưởng, nếu đun sôi nước này để uống cũng không sao.

Nhưng nếu uống trực tiếp nước này trong thời gian dài có khả năng gây ngộ độc mà triệu chứng nhẹ là thần kinh lơ mơ, cảm giác buồn ngủ, nói năng lộn xộn, trí nhớ sa sút hoặc nặng thì co giật, hôn mê, mất tri giác.

“Nước nặng mùi clor không hoàn toàn sạch vì vẫn có một số loại vi khuẩn mà chất này không thể khử”, ông Tài khẳng định.

Phải đảm bảo đúng mức quy định

Bác sĩ Trần Văn Ký (phụ trách văn phòng phía Nam, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN) cho biết: “Clor là cách rẻ nhất để khử trùng nước. Hiện nay, ở VN đang áp dụng hình thức châm clor cao ở đầu nguồn để về cuối nguồn giảm dần tới mức tiêu chuẩn”.

Tuy nhiên, ông Ký khẳng định, nhà cung cấp nước phải làm sao để hàm lượng clor đầu và cuối nguồn cân bằng. Nếu cứ bù như hiện này thì người đầu nguồn bị ảnh hưởng rất nhiều.

Hạn chế của ta hiện này là chưa thể tăng áp ở mọi vị trí vì vậy buộc các chung cư phải xây bồn nước ở dưới rồi bơm lên làm lượng clor không còn.

Trên thế giới, nhiều nước không dùng clor để xử lý vì có hại cho sức khỏe, phá hủy đường ống, ảnh hưởng dụng cụ và máy móc. Thay vào đó, họ dùng hệ thống thẩm thấu ngược và xử lý lọc.

Hệ thống đường ống từ nhà máy đến người tiêu dùng được đảm bảo kín, hệ thống tăng áp được kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, người tiêu dùng có thể mở vòi uống ngay.

“Quan trọng hơn,  khu vực lấy nước của họ được bảo vệ, kiểm tra nghiêm ngặt để tránh bị ô nhiễm”, ông Ký nói.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long - viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam chia sẻ: “Sông Đồng Nai và sông Sài Gòn ngày càng ô nhiễm do các khu công nghiệp, khu dân cư và các dự án như lấn sông Đồng Nai khiến lượng nước không thoát được làm tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

Khi đầu vào bị ô nhiễm nặng thì càng phải đảm bảo hàm lượng clor theo đúng tiêu chuẩn để vừa đảm bảo chất lượng nước sạch vừa không ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của người sử dụng”.

Đang tìm giải pháp lâu dài

Đại diện Sawaco cho biết, do đặc thù của mạng lưới của đơn vị này nên để lượng clor cuối nguồn được đảm bảo thì đầu nguồn phải được châm cao hơn mức quy định. Tuy nhiên, trước khi châm, đơn vị đã có tham khảo tiêu chuẩn của các nước trên thế giới.

Về lâu dài, Sawaco cho biết đang tìm giải pháp, phối hợp với các nhà cung cấp thiết bị để bổ sung clor ở một số nơi trên mạng lưới nhằm đảm bảo an toàn cho khu dân cư. Đồng thời có hướng hợp tác với các chung cư để đảm bảo hàm lượng clor cuối nguồn.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu:

>> Bạn T.

>> Chị Thúy Vy

>> Anh Hữu Đạt

>> BS Đào Thị Yến Thủy

>> BS Lâm Hữu Tài

>> BS Trần Văn Ký

>> TS Vũ Ngọc Long

VÕ HƯƠNG - QUANG KHẢI - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên