04/03/2024 15:06 GMT+7

Cụ ông vẫn sống khỏe sau 7 năm mắc ung thư phổi đã di căn

Năm 2016, ông H.N.K. (78 tuổi) phát hiện mình mắc ung thư phổi giai đoạn muộn đã di căn não. Tưởng chừng cơ hội sống đã khép lại, thế nhưng ông K. đã được các y bác sĩ điều trị ổn định suốt 7 năm qua.

Ung thư phổi có tỉ lệ tử vong cao nhất hiện nay - Ảnh minh họa

Ung thư phổi có tỉ lệ tử vong cao nhất hiện nay - Ảnh minh họa

Theo GS.TS Mai Trọng Khoa - Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến thứ 2 trên thế giới và cả Việt Nam.

"Đây là một trong những loại ung thư có tỉ lệ tử vong cao nhất. Trong đó ung thư phổi không tế bào nhỏ là loại ung thư phổi thường gặp nhất, chiếm khoảng 80% tổng số ung thư phổi. Ở nước ta hiện nay, rất nhiều bệnh nhân ung thư phổi được chẩn đoán khi đã ở giai đoạn muộn", ông Khoa chia sẻ.

PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ về trường hợp bệnh nhân mắc ung thư phổi giai đoạn muộn đã di căn não được điều trị ổn định hơn 7 năm.

Bệnh nhân là ông H.N.K. (78 tuổi) đến viện tháng 4-2016 trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, yếu hai chi dưới. Sau khi thực hiện chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính phát hiện ông K. có tổn thưởng ở não và u thùy dưới phổi.

Ông K. được chẩn đoán mắc ung thư phổi phải di căn não giai đoạn muộn. Sau khi hội chẩn, ông được bác sĩ chỉ định phẫu thuật và điều trị hóa chất.

Sau 3 tháng điều trị, ông K. đáp ứng tốt với điều trị, khối u phổi thu nhỏ kích thước, không còn tổn thương não, được chỉ định tiếp tục duy trì điều trị liệu pháp toàn thân.

Một năm sau khi điều trị theo phác đồ, ông K. đã hết đau đầu, hết yếu hai chi dưới, không ho, không khó thở, không đau tức ngực, ăn uống vận động và sinh hoạt bình thường.

"Đặc biệt nồng độ chất chỉ điểm khối u (CEA và Cyfra 21-1) giảm dần sau điều trị và sau 7 năm vẫn ở trong giới hạn bình thường. Như vậy, sau 7 năm điều trị, bệnh nhân vẫn đạt được đáp ứng tốt về cả lâm sàng và cận lâm sàng", bác sĩ Phương chia sẻ.

Theo các bác sĩ, cách đây khoảng 10 năm về trước, ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư có tiên lượng xấu, đứng hàng đầu về tỉ lệ tử vong do ung thư.

Bệnh nhân thường được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn với thời gian sống còn ngắn. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển của sinh học phân tử trong chẩn đoán và các bước đột phá với liệu pháp điều trị đích, hóa trị, xạ trị đã mang đến sự cải thiện đáng kể về hiệu quả điều trị ở bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn tiến xa.

"Như trường hợp ông K., hiện tại sau hơn 7 năm điều trị, ông vẫn có thể trạng tốt, có thể lao động và sinh hoạt bình thường và cuộc chiến với căn bệnh ung thư phổi vẫn còn phía trước.

Trong thời gian sắp tới, bệnh nhân vẫn được tái khám định kỳ để đánh giá và phát hiện các thay đổi bất thường để từ đó có kế hoạch điều trị sớm, hiệu quả và chúng ta hy vọng bệnh nhân sẽ có thời gian ổn định lâu dài hơn", bác sĩ Phương chia sẻ.

Bác sĩ Phương cũng cho hay ngoài các phương pháp điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ như phẫu thuật, hóa chất, xạ trị thì các phương pháp điều trị mới như điều trị nhắm trúng đích, điều trị miễn dịch, liệu pháp sinh học… đang mở ra những cơ hội mới cho các bệnh nhân mắc bệnh giai đoạn muộn có thêm cơ hội sống.

80-90% người bị ung thư phổi do hút thuốc lá, số còn lại do đâu?80-90% người bị ung thư phổi do hút thuốc lá, số còn lại do đâu?

Nhiều người dù không hút thuốc lá nhưng vẫn được chẩn đoán mắc ung thư phổi. Vậy nguyên nhân là do đâu?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên