10/02/2017 09:22 GMT+7

Cứ rời rạc là còn khó

TRUNG HÀ
TRUNG HÀ

TTO - Gian lận bảo hiểm y tế nhiều nơi; nông dân lao đao vì heo nuôi rớt giá; rau quả ùn ứ ở biên giới, hoa tươi bỏ đi dịp tết... là những “quả đắng” diễn ra nhiều năm qua.

Có nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng vẫn là do con người với cách làm thiếu nối kết, không chấp nhận liên kết với nhau nên khó phát hiện sai phạm, khó gắn kết với thị trường, khó đàm phán và cùng giữ lợi ích.

Cuộc sống đa dạng với nhiều loại liên kết: liên kết với nhau, liên kết với thị trường và liên kết với các tổ chức xã hội...

Giá thịt heo giảm, bán không ai mua đã được cảnh báo từ lâu. Khi Trung Quốc tăng thu mua, nhiều người đua nhau tăng đàn.

Cơ quan chức năng khuyến cáo cũng không ai nghe vì lợi trước mắt rất rõ: tăng đàn, bán sẽ lãi ngay.

Tuy nhiên do thiếu điều phối, liên kết nên dẫn đến hậu quả heo không bán được, giá lao dốc, lãi cũ chưa chắc bù hết được khoản lỗ mới.

Câu chuyện thương nhân Trung Quốc ép giá có lẽ là rất bình thường, bởi kinh doanh là phải tối đa hóa lợi nhuận. Vấn đề ở chỗ là đừng để họ ép giá.

Nếu nhà sản xuất có liên kết mạnh, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ cùng tổ chức thành một nhóm lớn vẫn có thể ngả giá với bên mua.

Nếu có sự hỗ trợ của hiệp hội, điều phối được lượng cung thì chắc chắn phía đối tác không thể muốn làm gì thì làm, không thể ép giá thế nào cũng được.

Nhưng việc liên kết, cùng chấp hành điều phối chung ở VN còn quá khó. Nói dễ hiểu là chỉ vì lợi ích riêng, bỏ qua quyền lợi chung nên chẳng mấy ai chịu nghe ai. Thương nhân Trung Quốc và những đối tác làm ăn với phía VN hơn ai hết hiểu điều này.

Ở biên giới phía Bắc, thương lái Trung Quốc nhiều khi chỉ cần “nháy” nhau chậm mua một vài tiếng, tự khắc có thương nhân VN tìm đến giảm giá để bán được nhiều, nhanh hơn người khác.

Chỉ cần thế là diễn ra những cuộc đua giảm giá theo kiểu “miễn sao ta sống là được rồi”, còn lại “sống chết mặc bay” nhưng thực chất là “ta hại mình”, phía đối tác ngồi ung dung hưởng lợi.

Tương tự, quỹ bảo hiểm y tế là tài sản của mọi người trong xã hội, ở nhiều thế hệ, không thể chấp nhận quỹ cứ bị lạm dụng. Nạn trục lợi quỹ cũng có lý do là thiếu và không kết nối thông tin giữa các cơ sở khám chữa bệnh.

Một chương trình kết nối, lập sổ khám chữa bệnh điện tử cho toàn dân đã được thí điểm. Ngoài việc tăng khả năng phát hiện bệnh sớm, giảm chi phí chữa trị, còn giúp giảm được tình trạng gian lận bảo hiểm nhiều nơi.

Khi thông tin khám chữa bệnh từ các cơ sở y tế được kết nối, ai bệnh, khám ở đâu, dùng thuốc gì... đều có thể truy xuất. Mọi gian lận của cộng đồng sẽ bị phát hiện, ngăn chặn.

Để bớt gian lận, “đi đêm”, thiệt hại từ mặt trái của thị trường, người nông dân nuôi heo cũng như rất nhiều ngành khác thay vì tự bơi, “đánh cược” với thị trường, đã đến lúc cần liên kết lại với nhau và tăng liên kết với thị trường qua các hợp đồng.

Chuyển sang làm ăn bài bản là xu hướng tất yếu, dù sớm hay muộn. Không thể cứ mãi vì lợi ích trước mắt của bản thân, chạy theo phong trào, đến khi thiệt hại thì kêu và đòi phải được hỗ trợ.

Tất nhiên, để người dân làm được điều này, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội là rất lớn, trong việc dẫn dắt tạo dựng một “lối chơi” mới.

Không chấp nhận dồn sức cho một lối chơi mới, từ bỏ thói quen làm “tranh thủ”, biết mình mà chẳng quan tâm đến người thì những thiệt hại cũ sẽ vẫn tới hẹn lại lên.

TRUNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên