02/12/2019 18:21 GMT+7

Cử tri quận 11 không đồng tình việc kéo dài tuổi lao động

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Đó là ý kiến của cử tri nêu ra tại buổi tiếp xúc cử tri ở quận 11 của tổ ĐBQH đơn vị 4 chiều 2-12.

Cử tri quận 11 không đồng tình việc kéo dài tuổi lao động - Ảnh 1.

Ông Lê Minh Trí trả lời thắc mắc, ý kiến của cử tri - Ảnh: TUYẾT MAI

Chiều 2-12, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM gồm ông Lê Minh Trí - viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ông Huỳnh Thành Đạt - giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM và ông Phạm Phú Quốc - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận 11.

Cử tri Đoàn Văn Phúc (phường 5) cho rằng theo quy định mới, việc kéo dài độ tuổi lao động nam thêm 2 năm, nữ thêm 5 năm là chưa hợp lý, bởi hiện tỉ lệ lao động cao nhưng người lao động có trình độ, tay nghề không nhiều, chủ yếu là người lao động chân tay. 

"Trước đây, độ tuổi lao động giữa nam và nữ vẫn cách nhau 5 năm. Người phụ nữ ai cũng rất vất vả, phải sinh con, chăm sóc gia đình mà phải làm thêm 5 năm nữa mới về hưu. Chỉ các đồng chí ở cương vị lãnh đạo cấp cao hoặc các vị có công nghệ, kỹ thuật cao, trả lương thưởng cao thì mới thêm nam 2 năm, nữ 5 năm. Còn hầu hết muốn về hưu theo chế độ lao động cũ" - ông Phúc nêu.

Cử tri Trần Lương Lai (phường 15) cho rằng lập pháp là xương sống để phát triển xã hội, đất nước. Quốc hội muốn thực sự mạnh để điều hành đất nước hiệu quả thì phải làm tròn trách nhiệm chức năng của mình là lập pháp.

Như hiện nay, các bộ, ngành soạn thảo luật, Quốc hội thông qua ĐBQH kiêm nhiệm có nghĩa vừa lập pháp vừa hành pháp, “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Sự phi lý này tồn tại trong Quốc hội nhiều năm nay, sẽ tạo ra sự thiếu khách quan khi soạn luật, cũng tạo nên tư duy "ta làm luật, ta đứng trên luật", tạo ra sự xung đột tự nhiên giữa ĐBQH chuyên trách và ĐBQH kiêm nhiệm.

Trả lời ý kiến của cử tri, đại biểu Lê Minh Trí cho rằng Bộ luật lao động được ban hành trên cơ sở quyết định của đa số. Khi được đưa ra bàn thì có nhiều ý kiến phân tích tất cả các mặt được và không được, trong đó có vấn đề về thời gian lao động và đã được giao cho Chính phủ có hướng dẫn lộ trình thực hiện, làm sao để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, doanh nghiệp, đảm bảo tăng trưởng kinh tế.

"Về mở rộng thời gian làm thêm tối đa mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam, nữ thêm 4 tháng, mặc dù luật ban hành rồi nhưng cử tri góp ý thì chúng tôi cũng trao đổi lại với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ý kiến của cử tri" - ông Trí nói.

Ông Trí cũng thông tin thêm: "Luật lao động còn liên quan đến tuổi, giờ lao động, liên quan đến chuyện cân đối trình độ phát triển nền kinh tế của nước ta hiện nay. Có nhiều nước giờ lao động giảm xuống thấp nhưng vẫn phát triển bởi áp dụng công nghệ cao, xã hội phát triển, năng suất lao động cao. Giảm giờ lao động nhưng vẫn đảm bảo năng suất, đảm bảo sự tăng trưởng. Còn nền kinh tế của chúng ta hiện nay đang trong cuộc chạy đua để phát triển, năng suất lao động để đảm bảo cạnh tranh ngay trong khối ASEAN cũng đã khó khăn".

Ông Trí cũng cho biết sẽ tiếp thu, ghi nhận ý kiến của cử tri và báo cáo với cấp có thẩm quyền xem xét.

Bộ luật lao động sửa đổi 2019 mới như thế nào? Bộ luật lao động sửa đổi 2019 mới như thế nào?

TTO - Bộ luật lao động sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua có 10 điểm mới đối với người lao động và 6 điểm mới đối với người sử dụng lao động.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên