24/11/2023 10:10 GMT+7

Cùng hành động ngăn bạo lực gia đình

Trên 300.000 vụ bạo lực gia đình giai đoạn 2009 - 2018, tức trung bình trên 30.000 vụ/năm. Dẫu con số này giảm dần và đến năm 2022 chỉ còn trên 4.000 vụ nhưng bạo lực gia đình vẫn là câu chuyện nhức nhối, nhiều vụ chưa bị phát hiện.

Trang bị kỹ năng ứng xử cần thiết, xây dựng hạnh phúc để giảm tình trạng bạo lực gia đình - Ảnh: Q.ĐỊNH

Trang bị kỹ năng ứng xử cần thiết, xây dựng hạnh phúc để giảm tình trạng bạo lực gia đình - Ảnh: Q.ĐỊNH

Dư luận gần như hằng ngày vẫn đọc được nhiều thông tin bức xúc, những sự việc đau lòng chồng giết vợ, vợ giết chồng, mẹ hờ hành hạ con 8 tuổi, bố hờ ghim đinh vào đầu đứa con 3 tuổi...

Trao đổi cùng Tuổi Trẻ, ông Khuất Văn Quý - phó vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - nói cần nhiều giải pháp để kéo giảm tình trạng bạo lực gia đình.

Không phải cứ phạt nặng là giảm

Cùng hành động ngăn bạo lực gia đình- Ảnh 2.

* Nhiều vụ bạo lực gia đình rúng động dư luận, ông cho rằng nguyên nhân do đâu?

- Có nhiều nguyên nhân mà bất bình đẳng giới, ảnh hưởng của tệ nạn xã hội (cờ bạc, rượu chè, ma túy, ngoại tình) trực tiếp dẫn tới tình trạng này. Mặt khác, cũng do hiểu biết hạn chế mà nhiều trường hợp người chồng nghĩ rằng có quyền dạy vợ con bằng đòn roi hoặc các hình thức bạo lực khác. Cũng có nguyên nhân từ một bộ phận đồng bào dân tộc duy trì hủ tục lạc hậu, tính gia trưởng.

Dịch COVID-19 đi qua khiến thu nhập, việc làm của nhiều người giảm cũng dẫn tới mâu thuẫn gia đình. Nhiều vợ chồng trẻ có quan niệm hôn nhân cởi mở, hiện đại nên họ đến với nhau không có tình yêu, kết hôn rồi ly hôn rất chóng vánh, ít coi trọng sự thiêng liêng của tình yêu. Gia đình mà không gắn với tình yêu thiêng liêng, quan điểm quá thoáng, nảy sinh tình cảm ngoài luồng đều là nguồn cơn của bạo lực gia đình.

* Ngoài giáo dục, cần xử phạt ra sao để ngăn chặn tình trạng trên, thưa ông?

- Sau khi Luật Phòng chống bạo lực gia đình có hiệu lực, đã có ba nghị định xử phạt trong phòng chống bạo lực gia đình mà mức phạt cao nhất là 30 triệu đồng/hành vi. Điều này thể hiện tính nghiêm khắc của pháp luật. Và khi hành vi bạo lực gây tổn hại nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng phải điều tra, xét xử.

Thông lệ quốc tế cũng có các biện pháp xử lý như ở ta nhưng họ coi yếu tố pháp luật cao hơn tình cảm. Xuất phát từ truyền thống văn hóa, chúng ta xử lý nhưng vẫn giữ mái ấm gia đình. Xử phạt kèm giáo dục, răn đe chứ không phải cứ phạt nặng là chấm dứt bạo lực gia đình vì thực tế phạt tiền đôi khi hiệu quả thấp.

Nhiều địa chỉ cần biết khi có bạo lực

* Mới đây, một số chủ tịch tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính về bạo lực gia đình mức 15 triệu đồng/vụ. Có ý kiến cho rằng chưa đủ răn đe?

- Nghị định 144/2021 nêu rõ thẩm quyền xử phạt hành chính theo cấp xã, huyện, tỉnh. Việc các chủ tịch tỉnh xử phạt vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình là đúng thẩm quyền. Nếu trường hợp gây ra thương tật 11% trở lên hoặc các trường hợp khác theo quy định sẽ chuyển cơ quan điều tra, truy tố xét xử theo quy định.

Tuy nhiên không phải cứ bạo lực gia đình về thể chất là bị phạt tù mà phải theo pháp luật. Việc xử lý vi phạm kết hợp răn đe, động viên, giáo dục, thuyết phục, hòa giải. Cũng có thể xử lý vi phạm như góp ý, phê bình trong cộng đồng, dân cư, thậm chí cấm tiếp xúc, xử lý hành chính, xử lý hình sự...

Mục đích xử phạt là để giữ hạnh phúc chứ không làm tan vỡ gia đình bởi mục tiêu mong muốn là các thành viên trong gia đình ngày càng yêu thương gắn kết, được sống hạnh phúc, nhất là đối với người cao tuổi và trẻ em.

* Nạn nhân bị bạo lực có thể liên hệ ở đâu để được hỗ trợ?

- Có nhiều địa chỉ mà khi bạo lực xảy ra, nạn nhân có thể tìm đến như UBND xã, đồn biên phòng, trụ sở công an nơi gần nhất hay trưởng thôn, tổ dân phố, trưởng ban mặt trận nơi xảy ra bạo lực.

Cũng có thể là cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực đang học, tìm đến người đứng đầu Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, cả tổng đài điện thoại quốc gia. Theo quy định, sau khi nhận thông tin, theo thẩm quyền các nơi trên phải giải quyết ngay hoặc báo cho chủ tịch UBND xã nơi xảy ra vụ việc để được chỉ đạo, giải quyết kịp thời.

Việt Nam hiện có khoảng 60% trong số gần 27 triệu hộ gia đình có từ 1 - 2 thế hệ. Việc gia đình không có nhiều thế hệ chung sống khiến mối quan hệ ràng buộc giữa các thành viên bớt chặt chẽ nhưng đây là xu hướng chung.

Do vậy, cần tiếp tục tuyên truyền về giá trị đạo đức, đề cao tình cảm gia đình, xây dựng hạnh phúc, giáo dục kỹ năng ứng xử, kỹ năng làm cha mẹ, vợ chồng, chú ý trang bị cho các bạn trẻ.

Không đáp trả bằng bạo lực

Trường hợp thành viên trong gia đình có hành vi cố ý gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình, chúng ta cần mạnh mẽ lên tiếng để bảo vệ bản thân, người thân và cảnh tỉnh họ.

Cần khéo léo thể hiện thái độ không đồng tình, nói cho họ biết về tính nghiêm trọng của hành vi này. Bởi bạo lực gia đình là hành vi không chỉ vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội mà còn vi phạm pháp luật, nhẹ có thể bị xử phạt hành chính, kỷ luật, bồi thường, nghiêm trọng hơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Không phản ứng gay gắt hoặc trực tiếp đáp trả bằng bạo lực. Điều này chỉ làm leo thang thái độ tiêu cực và hành vi bạo lực của người khác. Cần tách người thân, đặc biệt là trẻ em ra khỏi tình huống bạo lực, tránh tổn hại lây lan và bảo vệ an toàn cho trẻ.

Trong trường hợp không thể giải quyết ôn hòa, hãy nhờ sự trợ giúp của cơ quan chức năng, chuyên viên công tác xã hội, tâm lý để giải quyết vấn đề một cách triệt để và hợp lý hơn.

Thạc sĩ tâm lý LÊ MINH HUÂN

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Bạo lực học đường có nguyên nhân từ bạo lực gia đình, phim ảnhBộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Bạo lực học đường có nguyên nhân từ bạo lực gia đình, phim ảnh

Trả lời chất vấn chiều 7-11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định việc có đến 70-80% vụ ly hôn liên quan bạo lực gia đình là môi trường dễ dẫn đến học sinh liên quan bạo lực học đường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên