04/08/2021 10:31 GMT+7

Cuộc đua huy chương Olympic: Vì sao đoàn Mỹ chậm chạp?

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Đã 2 tuần kể từ khi Tokyo 2020 bước vào giai đoạn thi đấu nhưng đoàn thể thao Mỹ vẫn chưa thể đuổi kịp Trung Quốc trong cuộc đua huy chương.

Cuộc đua huy chương Olympic: Vì sao đoàn Mỹ chậm chạp? - Ảnh 1.

Benjamin (trái, Mỹ) bị Clement của Na Uy đánh bại trong tích tắc ở cự ly 400m rào - Ảnh: AFP

Vì sao người Mỹ lại chậm chạp đến vậy?

Thất bại của đội bơi nữ

Trước thềm Tokyo 2020, nữ kình ngư Lilly King của Mỹ tuyên bố: "Tôi nghĩ các cô gái Mỹ có thể giành chiến thắng trong mọi cuộc đua mà chúng tôi tham dự". Vài ngày sau đó, King lên tiếng đính chính lời phát biểu của mình chỉ nhằm thể hiện niềm tin dành cho toàn đội.

May cho King là cô đã kịp thời "hạ nhiệt" trước khi Tokyo 2020 bắt đầu. Nếu không, đó sẽ trở thành một trong những câu phát biểu "hớ" nhất lịch sử thể thao. Ở Olympic 2016, đội bơi nữ của Mỹ giành 8 HCV, riêng King góp công trong 2 HCV (100m ếch và tiếp sức 4x100m hỗn hợp). Nhưng tại Tokyo 2020, các nữ kình ngư Mỹ chỉ đoạt 3 HCV.

Sự sa sút của đội bơi nữ Mỹ tạo nên khác biệt chính. Tại 2 kỳ Olympic gần nhất, Mỹ đều giành được 16 HCV bơi lội. Nhưng ở Tokyo 2020, Mỹ chỉ có 11 HCV từ môn thể thao sở trường nhất của mình. Dù vẫn giữ được vị trí số 1 nhưng cuộc chiến trên đường đua xanh đã cân bằng hơn rất nhiều với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Úc, Anh và cả Trung Quốc.

Các nữ kình ngư Úc thắng lớn ở Tokyo 2020 với 8 HCV, trong đó 6 HCV cá nhân chia đều cho Titmus, McKeon và McKeown. Chính sự xuất sắc đó đã giúp Úc thắng Mỹ ở 2 nội dung bơi tiếp sức 4x100m tự do và 4x100m hỗn hợp. Ở nội dung tiếp sức 4x200m tự do, Mỹ còn thua đau trước Trung Quốc.

Thua vì không nắm rõ đối thủ?

Phát biểu "ngông cuồng" của Lilly King trước thềm Olympic cho thấy Mỹ quá chủ quan khi không nắm được sự tiến bộ đáng sợ của đội bơi Úc. Sau hơn một năm bị đình trệ vì đại dịch, nhiều giải đấu phải hủy bỏ, việc thẩm định đối thủ trở nên khó khăn hơn. Đội bơi nữ Mỹ không hẳn yếu đi, mà các đối thủ của họ lại mạnh hơn nhiều.

Trong 8 HCV của đội bơi nữ Úc, có đến 5 kỷ lục Olympic và 1 kỷ lục thế giới bị phá vỡ. Katie Ledecky đã bơi 400m tự do trong vòng 3 phút 57,36 giây. Với thành tích đó, cô dư sức đoạt cả HCV Olympic 2016 lẫn Giải vô địch thế giới 2019. Vấn đề là Titmus đã tạo nên kỷ lục với 3 phút 56,69 giây.

Đội bơi nữ khiến đoàn Mỹ hụt đi 5 HCV so với Olympic 2016, và thể dục dụng cụ (TDDC) cùng điền kinh cũng có dấu hiệu nối bước. Việc "nữ hoàng TDDC" từng giành đến 4 HCV ở Olympic 2016 Simone Biles bất ngờ rút lui khỏi 4 cuộc thi chung kết cá nhân là một cú sốc thực sự với Mỹ.

Mỹ cũng liên tục thất bại trong những ngày đầu của điền kinh - "kho HCV" lớn thứ hai của họ. Ở Olympic 2016, các VĐV điền kinh Mỹ đoạt 13 HCV. Nhưng thành tích tương tự khó lòng tái hiện ở Tokyo 2020 do những đối thủ ngày càng mạnh hơn.

Thật vậy, ở Olympic 2016, Kerron Clement đoạt HCV 400m rào với thành tích 47,73 giây. Đến Tokyo 2020, Rai Benjamin còn làm tốt hơn với 46,17 giây, nhưng VĐV Na Uy Karsten Warholm còn xuất sắc hơn với 45,94 giây.

Trên đường đua tốc độ, tưởng chừng việc Usain Bolt giải nghệ sẽ nhường lại sân chơi cho các chân chạy người Mỹ. Nhưng Marcell Jacobs của Ý đã bất ngờ giành chiến thắng. Đau ở chỗ, Jacobs là người Ý... gốc Mỹ.

Sau ngày thi đấu 3-8, Trung Quốc tiếp tục gia tăng cách biệt với Mỹ khi giành thêm 3 HCV - 1 ở môn nhảy cầu và 2 ở thể dục dụng cụ. Trong khi đó, Mỹ chỉ có thêm 2 HCV ở ngày thi đấu này nhờ công của Athing Mu (chạy 800m nữ) và nữ VĐV vật hạng cân -68kg Mensah Stock.

Với kết quả này, Trung Quốc giữ chắc ngôi đầu toàn đoàn với 32 HCV, trong khi Mỹ mới có 24 HCV.

Nội dung thi đấu đáng chú ý nhất của môn điền kinh ngày 3-8 là chạy 200m nữ, một lần nữa không thể thoát khỏi tay "tia chớp nữ" Thompson-Herah. Nữ VĐV người Jamaica đã giành cú đúp HCV cự ly tốc độ của môn điền kinh (100m và 200m) ở Tokyo 2020, tương đương với thành tích của cô ở Rio de Janeiro 2016.

Sinh viên Mỹ - Sinh viên Mỹ - 'đặc sản' ở Olympic

TTO - Tại Olympic 2016, truyền thông phương Tây từng đưa ra một chi tiết rất ấn tượng về đoàn thể thao Mỹ: 80% VĐV của họ đều đang học hoặc đã tốt nghiệp các trường đại học.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên