27/07/2023 16:51 GMT+7

Cứu sống em bé bệnh nặng, người nhà đã tính xin cho về

Tình trạng bệnh nhi nặng, người nhà sợ không đủ chi phí lo cho bé nên tính xin cho về. Tuy nhiên, các bác sĩ cố gắng giữ lại, hỗ trợ kinh phí và điều trị cho bệnh nhi thành công.

Sau phẫu thuật, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, chỉ số sinh tồn ổn định - Ảnh: AN BÌNH

Sau phẫu thuật, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, chỉ số sinh tồn ổn định - Ảnh: AN BÌNH

Ngày 27-7, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay vừa điều trị thành công cho bệnh nhi bị tụ khối mủ "khủng" trong não trên nền bệnh tim bẩm sinh.

Trước đó, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi N.Đ.K. (12 tuổi, ngụ huyện Tân Phú) nhập viện trong tình trạng sốt co giật, lơ mơ, tim bẩm sinh (tứ chứng fallot).

Qua thăm khám, chụp CT scanner, bác sĩ phát hiện ổ mủ "khủng" to như quả trứng gà nằm ở bán cầu não phải (kích thước 4 x 5cm). Ổ mủ này gây chèn ép não đẩy lệch não qua trái, có nguy cơ vỡ vào não thất.

Bác sĩ nhận định đây là bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao, thời gian điều trị kéo dài, nguy cơ tái phát cao. Đặc biệt, khối áp xe có thể bị vỡ bất cứ lúc nào gây nguy hiếm đến tính mạng của bệnh nhi. Do đó, bác sĩ chỉ định phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp bệnh nhi.

Tuy nhiên, trước tình trạng bệnh nhi quá nặng, người nhà sợ bé đau đớn, trong khi gia đình lo không đủ khả năng chi trả nên tính xin cho bé về nhà.

Với tinh thần "còn nước còn tát", các bác sĩ trực cấp cứu và lãnh đạo bệnh viện đã xin cho bệnh nhi ở lại. Đồng thời, tìm giải pháp hỗ trợ kinh phí điều trị cho bệnh nhi. Sau đó, người nhà bệnh nhi đã đồng ý cho bé ở lại điều trị.

Ngay trong đêm, các bác sĩ đã phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi. Kíp mổ đã mở nắp sọ, sử dụng máy siêu âm định vị khối áp xe và thực hiện dẫn lưu mủ ra ngoài. Tuy nhiên, do bé mắc tim bẩm sinh nặng nên quá trình gây mê rất khó khăn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Toàn, khoa chấn thương chỉnh hình - bỏng, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho hay: "Sau khởi mê bé có biểu hiện tím tái, buộc ca mổ đã phải điều chỉnh các thông số thì bé mới tạm ổn. 

Quá trình phẫu thuật cũng diễn ra hết sức khẩn trương, các bác sĩ mở nắp sọ, sử dụng máy siêu âm định vị khối áp xe, thực hiện dẫn lưu hết mủ ra ngoài. Sau hơn một giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm".

Theo bác sĩ Toàn, do bệnh nhi bị áp xe rất lớn nên không thể điều trị bằng thuốc, cũng không thể bóc tách khối áp xe do mất nhiều thời gian, bệnh nhi có nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ hoặc sẽ để lại di chứng. Vì vậy, các bác sĩ đã thực hiện mổ để dẫn lưu mủ ra ngoài. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, bệnh nhi có nguy cơ tử vong trong thời gian rất ngắn.

Sau mổ cấp cứu, bệnh nhi tiếp tục được điều trị kháng sinh thêm 6 tuần. Hiện bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, chỉ số sinh tồn ổn định, sức khỏe hồi phục và xuất viện.

Ngoài ra, phòng công tác xã hội của bệnh viện cũng hỗ trợ viện phí cho gia đình bệnh nhi. Qua đó giúp gia đình giảm bớt một phần khó khăn. Cha mẹ bé rất vui và nhiều lần cảm ơn các y bác sĩ.

Trẻ viêm mô tế bào, áp xe vì đắp "thuốc" lá lên vết thươngTrẻ viêm mô tế bào, áp xe vì đắp 'thuốc' lá lên vết thương

TTO - Bác sĩ Nguyễn Diệu Vinh - khoa nội tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho biết thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện vì viêm mô tế bào, áp xe da vì đắp "thuốc" lá lên vết thương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên