24/11/2022 16:22 GMT+7

Da bong tróc toàn thân vì sử dụng thuốc trị vảy nến mua trên mạng

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Sau khi dùng thuốc mua trên mạng, vảy nến bùng hết lớp này đến lớp khác, rụng nhiều đến nỗi mỗi ngày gom được cả chén vảy, da mưng mủ...


Da bong tróc toàn thân vì sử dụng thuốc trị vảy nến mua trên mạng - Ảnh 1.

Bác sĩ đang điều trị cho một bệnh nhân mắc bệnh vảy nến bị biến chứng - Hình: BVCC

Theo thông tin từ Bệnh viện Da liễu TP.HCM, bệnh viện này đã tiếp nhận nhiều trường hợp vảy nến bị biến chứng nặng do tự ý mua thuốc trên mạng để điều trị bệnh.

Ông P.N.T., 64 tuổi, ngụ tại Phú Yên, nhập viện Bệnh viện Da liễu TP.HCM trong tình trạng da toàn thân bong tróc, rỉ dịch ở hai chân, các khớp ngón tay, ngón chân, mắt cá, khớp gối… sưng to và đau nhức nhiều khiến bệnh nhân đi lại khó.

Nhiều năm nay, bệnh nhân mắc bệnh vảy nến nhưng chỉ bị khô và tróc vảy nhẹ một ít ở đầu ngón tay, ngón chân và gót chân.

Khoảng 8 tháng trước, ông T. lên mạng đọc thấy thông tin có loại thuốc "trong uống ngoài bôi" chấm dứt vảy nến, ông T. đặt mua và sử dụng.

"Hai mươi ngày đầu uống thấy bình thường, đến ngày 21 thì vảy nến bùng phát từng mảng, rỉ dịch, các khớp gối, khớp ngón tay ngón chân và mắt cá chân sưng to đau nhức, đi lại khó khăn.
Lo sợ tôi gọi điện cho người bán thì họ bảo sau khi sử dụng, vảy nến bùng lên thì mới tốt nên tôi tiếp tục dùng. 

Tuy nhiên, vảy nến bùng hết lớp này đến lớp khác, rụng nhiều đến nỗi mỗi ngày gom được cả chén vảy, da mưng mủ, rỉ dịch rất tanh, tiếp đó các khớp tay, chân, gối… đỏ gây đau nhức, đi lại khó khăn, chịu không nổi nên tôi mới ngưng sử dụng và được người nhà đưa đến bệnh viện địa phương điều trị và sau đó được chuyển lên Bệnh viện Da liễu TP.HCM" - ông T. kể lại.

Còn anh L.H.N., 18 tuổi, ngụ tại Bình Chánh, nhập viện trong tình trạng da đỏ và tróc vảy toàn thân, da vùng lưng rạn nứt, người mệt mỏi, ớn lạnh… Khoảng một năm nay, anh phát hiện mình bị bệnh vảy nến. Khoảng một tháng rưỡi trước đó, anh xem quảng cáo trên mạng và thấy có loại thuốc trị dứt bệnh vảy nến nên đặt mua 3 hộp (650.000 đồng/hộp).

Sau khi sử dụng hết 3 hộp thì tình trạng vảy nến giảm khoảng 60%. Nhưng sau khi ngưng thuốc được 5 ngày thì vảy nến bùng phát dữ dội, da bong tróc toàn thân, vùng lưng bắt đầu rạn nứt, người ngứa ngáy, mệt, ớn lạnh…

BSCK2 Nguyễn Vũ Hoàng - trưởng khoa lâm sàng 2, Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết thời gian gần đây khoa tiếp nhận nhiều trường hợp bị vảy nến nặng. Nguyên nhân do người bệnh tự ý sử dụng các loại thuốc được quảng cáo trị dứt điểm vảy nến ở trên mạng.

"Đa phần các loại thuốc uống, thuốc thoa này có chứa thành phần kháng viêm như corticosteroid nên khi mới sử dụng da sẽ láng mịn, do đó bệnh nhân sẽ tin tưởng và tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên khi ngưng thuốc thì bệnh sẽ diễn tiến nặng lên dần thành đỏ da, toàn thân tróc vảy, có thể đi kèm với mụn mủ, sưng đau các khớp tay chân gây biến dạng, không hồi phục được, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh" - bác sĩ Hoàng nói.

Cũng may, bệnh nhân P.N.T. đã ngưng sử dụng thuốc sớm, nhập viện tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM kịp thời nên các tổn thương trên da giảm nhiều, các khớp tay, chân, đầu gối đang cải thiện dần.

Theo các chứng cứ khoa học cho đến nay, bệnh vảy nến hiện chưa có thuốc điều trị khỏi hẳn, nên những quảng cáo nói có thuốc điều trị hết bệnh vảy nến đều là quảng cáo sai sự thật.

Tuy nhiên, hiện y học có nhiều loại thuốc uống, thuốc thoa giúp cải thiện tình trạng bệnh đáng kể. Đặc biệt, thuốc sinh học có khả năng khống chế được bệnh vảy nến gần như hoàn toàn. Nếu được sử dụng thuốc sinh học, bệnh nhân có cuộc sống gần như người bình thường.

Theo thống kê, mỗi năm Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám và điều trị cho hơn 52.000 lượt bệnh nhân vảy nến, trong đó có rất nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị do sử dụng các loại thuốc uống, thuốc thoa, thuốc tiêm không rõ nguồn gốc.

Để điều trị bệnh vảy nến đúng cách, tránh các tai biến xảy ra, bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng khuyến cáo người bệnh vảy nến không nên nghe theo những lời quảng cáo "có cánh", tự ý mua và sử dụng các loại thuốc uống, thuốc bôi không rõ nguồn gốc, không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu vì sẽ khiến cho bệnh vảy nến nặng lên, và thậm chí nếu da tổn thương quá nhiều có thể gây ra nhiễm trùng huyết với nguy cơ tử vong cao.

 "Tốt nhất là bệnh nhân vảy nến cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu, tái khám thường xuyên. Khi đó, bác sĩ sẽ kiểm soát, ngăn chặn tiến độ của bệnh, giúp bệnh nhân có thể sống và sinh hoạt bình thường", bác sĩ Hoàng khuyên.

Theo TS Nguyễn Trọng Hào - giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, hiện có nhiều phương pháp điều trị vảy nến, tuy nhiên vẫn chưa có cách nào điều trị khỏi hẳn bệnh. 

Gia đình quân nhân nhà giàn kiệt quệ chữa bệnh vảy nến mãn tính cho con Gia đình quân nhân nhà giàn kiệt quệ chữa bệnh vảy nến mãn tính cho con

TTO - Ngày 18-12, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết vừa hỗ trợ hơn 140 triệu đồng để điều trị bệnh vảy nến cho em Nguyễn Xuân An (22 tuổi), con trai trung tá Nguyễn Xuân Hà đang công tác tại nhà giàn thuộc tiểu đoàn DK1, giúp anh yên tâm bám biển.


THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên