21/11/2023 16:56 GMT+7

Đại biểu nghẹn lại khi tranh luận với Chánh án Nguyễn Hòa Bình về vụ Vũ 'nhôm', Trần Văn Minh

Trả lời phần trao đổi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay nếu đại biểu quan tâm sẽ mời tới Tòa án nhân dân tối cao để bàn trình tự tố tụng, nội dung vụ án.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Ảnh: GIA HÂN

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Ảnh: GIA HÂN

Chiều 21-11, phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đã trao đổi lại với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình về nội dung trả lời ngày 20-11 liên quan xác định hậu quả phạm tội tại 2 vụ án Vũ "nhôm" và Trần Văn Minh xảy ra tại Đà Nẵng.

Phát biểu hoàn toàn phù hợp với chức năng giám sát

Theo bà Thúy, trong trả lời, chánh án khẳng định về hành lang pháp lý, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có nghị quyết hướng dẫn xác định hậu quả tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội.

Cùng với đó, những vụ án xảy ra trước khi có nghị quyết trên mà trái với nghị quyết, không đúng sẽ phải xem xét lại.

"Tôi tin chắc cử tri nghe những lời khẳng định của chánh án sẽ giải tỏa bức xúc bấy lâu nay, thêm tin tưởng vào sự công minh, khách quan trong xét xử", bà Thúy nói.

Tuy nhiên, bà cho hay không hiểu ý chánh án trong phần cuối của lời giải đáp.

"Đại biểu có đề nghị là tòa án phải làm cái này, cái khác. Xem xét lại một vụ án có điều kiện và điều kiện đó được ghi trong luật.

Muốn xem xét lại đề nghị đại biểu làm đúng quy định như vậy, còn chúng tôi không thể căn cứ vào ý kiến phát biểu tại hội trường hay là của ai đó mà xem xét lại, việc này không đúng trình tự tố tụng", bà Thúy dẫn lại phần trả lời của ông Bình.

Bà Thúy nhấn mạnh trong phát biểu không can thiệp vào trình tự tố tụng của tòa án và "đề nghị tòa án phải làm cái này, cái khác".

"Tôi chỉ phản ánh ý kiến của cử tri về việc áp dụng pháp luật thiếu thống nhất trong xét xử hai vụ án cùng liên quan 3 tài sản nhà nước tại Đà Nẵng", bà Thúy nói và nhắc lại 3 câu hỏi đã nêu ra tại phiên thảo luận ngày 20-11.

Bà cho rằng hoàn toàn chia sẻ với chánh án là việc xem xét lại các vụ án đã có bản án phải theo đúng trình tự pháp luật.

Tuy nhiên, trong vụ án Trần Văn Minh cùng đồng phạm, các bị cáo và người nhà đã gửi đơn theo đúng trình tự pháp luật nhưng đều nhận được câu trả lời đã xử đúng pháp luật.

"Tôi khẳng định ý kiến phát biểu của tôi hoàn toàn phù hợp với chức năng giám sát của đại biểu Quốc hội và chủ đề phiên thảo luận", bà Thúy nêu và giọng có phần nghẹn lại.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: GIA HÂN

Chánh án Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: GIA HÂN

Tất cả các bản án không đúng sẽ xem xét lại đúng trình tự

Giải trình sau đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết đại biểu Thúy có nêu 2 vụ án có thời điểm xác định thiệt hại khác nhau. Ông nói hai vụ án này khó có thể bàn nếu không có hồ sơ và việc xem xét lại phải theo đúng trình tự.

Ông cho hay đại biểu có viện dẫn quy định có quyền phản ánh với các cơ quan khi bản án có vấn đề.

Nhưng theo ông Bình, luật còn quy định cụ thể việc phản ánh cho ai, với mục đích gì. Theo đó, phải phản ánh với cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền là viện kiểm sát, tòa án và phản ánh bằng văn bản, lời nói.

Luật cũng quy định rõ cách thức phản ánh bằng văn bản, lời nói và nội dung phản ánh theo trình tự tái thẩm hay giám đốc thẩm phải đảm bảo các điều kiện. Bên cạnh đó, luật cũng quy định thời hiệu có đúng không.

"Khi có đủ các điều kiện này thì viện kiểm sát hoặc tòa án sẽ kháng nghị. Trên cơ sở kháng nghị thì Hội đồng thẩm phán sẽ xem xét các kháng nghị theo đúng trình tự", ông Bình nói và nhắc lại nếu 2 vụ án có vấn đề thì việc xem xét sẽ theo trình tự.

Ông nhấn mạnh không chỉ đại biểu, mà toàn dân đều có quyền phát hiện, kiến nghị nhưng phải đúng trình tự.

Ông đề nghị đây là câu chuyện tố tụng cần sâu, nếu đại biểu quan tâm sẽ mời tới Tòa án nhân dân tối cao nhằm bàn trình tự tố tụng, nội dung vụ án "để đỡ mất thời gian của đại biểu Quốc hội".

"Tất cả các bản án không đúng sẽ xem xét lại đúng trình tự", ông Bình tái khẳng định.

Tất cả tài sản vi phạm sẽ bị tịch thu

Ông Bình nêu rõ khi xây dựng nghị quyết 03, đã lấy ý kiến các bên liên quan và nêu rõ thời điểm xác định thiệt hại. Với vụ án không xác định được thời điểm thì áp dụng thời điểm khởi tố.

Ông nhắc lại với vụ án Phan Văn Anh Vũ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí có băn khoăn có nhiều tài sản và việc xác định tài sản chỉ bằng 1/10 hiện nay, nếu để cho giữ tài sản đó, bán đi sẽ có lời. Ông Bình khẳng định không có chuyện đó.

Theo ông, xác định thời điểm phạm tội là thời điểm xảy ra phạm tội, nhưng khi tòa tuyên thì tất cả bất động sản của Phan Văn Anh Vũ vi phạm bị tịch thu.

"Nên không có chuyện giữ lại tài sản nào để bán đi có lời. Dù là thời điểm phạm tội hay khởi tố thì tất cả các bất động sản đều tịch thu.

Các vụ án thực tế không phụ thuộc vào giá cả", ông Bình nói và nêu sẽ rà soát các nội dung, nếu nghị quyết 03 chưa bao quát hết, có thể bổ sung thêm.

Xác định hậu quả phạm tội tại thời điểm xảy ra, không phải thời điểm phát hiệnXác định hậu quả phạm tội tại thời điểm xảy ra, không phải thời điểm phát hiện

Ngày 20-11, phát biểu tại kỳ họp Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nói về lý do phải xác định hậu quả thiệt hại của hành vi phạm tội tại thời điểm xảy ra, thay vì xác định hậu quả tại thời điểm phát hiện vụ việc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên