27/10/2023 11:21 GMT+7

Đại biểu Quốc hội: 'U70 canh gác ban đêm, điều tiết giao thông thì làm sao làm được'

Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất cần quy định tuổi người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở, song có ý kiến cho rằng quy định cứng sẽ khó tuyển chọn người.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ảnh: GIA HÂN

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ảnh: GIA HÂN

"U70 làm sao đi điều tiết giao thông"

Sáng 27-10, Quốc hội thảo luận dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Một trong các nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu là về độ tuổi của người tham gia lực lượng này.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho hay về tiêu chuẩn của người tham gia lực lượng này, ông vẫn bảo lưu quan điểm liên quan vấn đề tuổi đời.

Theo ông Hòa, trong các việc hỗ trợ có đi tuần tra, canh gác ban đêm, với tính chất công việc như vậy mà dự thảo luật không có quy định cụ thể về độ tuổi là chưa hợp lý.

"U70 nếu đi tuần tra, canh gác ban đêm thì làm sao làm được. Bên cạnh đó, theo dự thảo lực lượng này phối hợp công an xã, phường điều tiết giao thông. Ví dụ U70 ra điều tiết giao thông rất không ổn.

Lực lượng này không phải già làng, trưởng bản, không phải bí thư chi bộ thôn... Nếu trưởng thôn, trưởng ấp lớn tuổi tôi đồng ý vì cần là người có uy tín.

Còn riêng lực lượng này, giống như công an xã rồi, nếu không quy định tuổi đời tôi thấy không hợp lý. U70 làm sao đi điều tiết giao thông", ông Hòa nói thêm và đề nghị cần quy định chặt chẽ thêm nội dung này.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) chỉ rõ dự thảo luật quy định tiêu chuẩn tham gia là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng chưa đưa ra giới hạn tối đa tham gia lực lượng này.

Do vậy bà Lam đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định về độ tuổi tối đa, vì hiện nay có nhiều tội phạm liều lĩnh, manh động, chống người thi hành công vụ, dễ gây thương tích cho người thực hiện nhiệm vụ.

Với người lớn tuổi có thể thiếu nhanh nhẹn, khó hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh.

Quy định cứng độ tuổi tham gia sẽ rất khó trong việc tuyển người

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) nhấn mạnh để đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở không nhất thiết phải chạy theo số lượng cho đủ mà cần quan tâm đến chất lượng thành viên của lực lượng ngay từ khâu tuyển chọn.

Về độ tuổi tham gia lực lượng, ông đề nghị bổ sung quy định độ tuổi tối đa của thành viên tham gia lực lượng này, có thể ấn định tối đa 65 tuổi.

Đồng thời chỉ trong trường hợp đặc biệt cần thiết và theo yêu cầu của công việc, địa phương có thể kéo dài độ tuổi người tham gia nhưng không quá 68 tuổi.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng phát biểu dự luật đã có những quy định cụ thể về sức khỏe.

Bà chỉ rõ nhiệm vụ của lực lượng này theo dự thảo không chỉ hỗ trợ lực lượng công an xã trong các sự vụ cụ thể như chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, tuần tra đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông..., mà còn hỗ trợ công an xã nắm tình hình an ninh trật tự, hỗ trợ vận động, giáo dục những người có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở, hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc...

Đây là những nhiệm vụ có ý nghĩa then chốt và phòng ngừa tội phạm từ sớm, từ xa nên cần lực lượng tại chỗ.

Đặc biệt với một số địa bàn như miền núi, Tây Nguyên - nơi có đông đồng bảo dân tộc thiểu số sinh sống, địa bàn rộng thì vai trò nắm tình hình, vận động quần chúng nhân dân của những người có uy tín trong cộng đồng, thường là các bậc cao niên, già làng, trưởng bản... vô cùng quan trọng.

"Nếu quy định cứng độ tuổi tham gia sẽ rất khó khăn trong việc tuyển chọn người có đủ uy tín, hiểu biết ở cộng đồng vào lực lượng", bà Nga nêu.

Cần có số liệu cụ thể về Cần có số liệu cụ thể về 'không tăng biên chế và ngân sách' cho lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở

Theo Chính phủ, tổng kinh phí cần chi để đảm bảo thực hiện theo quy định của dự thảo luật đối với lực lượng an ninh cơ sở cả nước khoảng 3.500 tỉ đồng/năm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên