25/08/2012 04:00 GMT+7

Đại chiến Apple và Samsung: "cả hai đều có tội"

THANH TRỰC (Theo Bloomberg, Reuters, DailyMail)
THANH TRỰC (Theo Bloomberg, Reuters, DailyMail)

TTO - Sau cuộc thương thảo bất thành giữa hai CEO Apple và Samsung từ cuộc chiến pháp lý kéo dài tại Mỹ, tòa án Hàn Quốc đã có phán quyết "Cả hai cùng vi phạm bằng sáng chế của nhau" cùng lệnh cấm ngặt nghèo.

* Apple iPhone 4 và Samsung Galaxy S2 bị cấm bán

Apple, Samsung đụng độ nảy lửa trước tòaĐại chiến Apple - Samsung

klUdKmIt.jpgPhóng to
Cuộc chiến pháp lý liên quan đến bằng sáng chế (patent) đã bùng nổ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Vụ kiện tụng giữa Apple và Samsung được cho là nóng và đắt giá nhất hiện nay - Ảnh minh họa: Internet

Đôi bên cùng thiệt hại

Theo phán quyết từ tòa án quận trung tâm Seoul (Hàn Quốc), Apple vi phạm hai bản quyền phát minh của Samsung liên quan đến công nghệ truyền tải dữ liệu di động. Về phía Samsung, hãng này vi phạm một bản quyền phát minh của Apple liên quan đến một tính năng phản hồi khi cuộn trên màn hình cảm ứng. Và cũng theo phán quyết, Hãng Samsung không sao chép thiết kế của iPhone.

Song song với phán quyết, tòa án Seoul đưa ra lệnh cấm bán một số sản phẩm chủ chốt của cả hai bên tại thị trường Hàn Quốc. Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức. Cụ thể, Apple không thể tiếp tục bán ra iPhone 4, iPhone 3GS, iPad 1 và iPad 2 tại Hàn Quốc, trong khi Samsung buộc phải ngưng bán đến 12 sản phẩm bao gồm hai dòng smartphone Galaxy S, Galaxy S II và máy tính bảng Galaxy Tab ngay trên sân nhà.

Lệnh cấm không bao gồm các dòng sản phẩm "đinh" mới nhất của cả hai bên như Apple iPhone 4S, iPad thế hệ thứ ba (new iPad) và Samsung Galaxy S III do các sản phẩm này ra mắt thị trường sau thời điểm các vụ kiện đã được đệ trình.

9Sk5qfTK.jpgPhóng to
Hai nhân vật chính Apple iPhone 4 (trái) và Samsung Galaxy S2 (phải) đều bị cấm bán tại Hàn Quốc theo phán quyết của tòa vào ngày 24-8 - Ảnh: DailyMail

Apple buộc phải trả Samsung 40 triệu won (tương đương 35.000 USD), đồng thời hãng điện tử xứ Hàn cũng phải trả cho đối thủ Hoa Kỳ 25 triệu won.

Các cuộc kiện tụng giữa hai công ty hàng đầu trong ngành công nghệ tại 9 quốc gia ở bốn châu lục đã trở thành đại chiến tranh chấp phát minh công nghệ lớn nhất trong lịch sử, với những cáo buộc sao chép các sản phẩm iPhone và iPad, thiết kế và công nghệ của Apple đối với Samsung và buộc hãng này phải trả 2,5 tỉ USD. Một cuộc chiến nhằm thống trị thị trường smartphone với trị giá 219 tỉ USD theo ước tính từ Bloomberg Industries.

"Phán quyết vào ngày hôm nay cũng khẳng định một công ty đơn lẻ không thể độc quyền các tính năng thiết kế chung chung" - trích thông cáo của Samsung.

Cổ phiếu Samsung giảm 0,9% vào thời điểm đóng cửa giao dịch thị trường chứng khoán Seoul. Apple rớt 0,5% tại Frankfurt (Đức) trong khi Nokia lại leo lên 2,3% tại thị trường chứng khoán Helsinki (Phần Lan).

Theo Bloomberg, tính đến hết quý 2, 39% doanh thu của Samsung đến từ sân nhà Hàn Quốc. Cùng giai đoạn, công ty giá trị nhất thế giới Apple thu về 23% doanh số bán hàng của mình từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

"Chúng tôi hoan nghênh phán quyết vào ngày hôm nay, khẳng định vị trí của chúng tôi rằng Apple đã sử dụng các tiêu chuẩn viễn thông di động thuộc bằng sáng chế của chúng tôi mà không có giấy phép cần thiết", theo thông cáo của Samsung sau phán quyết của tòa án.

Đại diện Apple tại Seoul từ chối đưa ra bình luận về phán quyết trên.

Hồi hộp chờ phán quyết từ tòa án Hoa Kỳ

Ngày 30-7, hai gã khổng lồ hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động đã bắt đầu phiên tòa bồi thẩm đoàn tại tòa án liên bang Mỹ ở San Jose, bang California để xem xét những cáo buộc của Apple cho rằng Samsung đã sao chép thiết kế iPad và iPhone cũng như cáo buộc vi phạm bằng phát minh từ phía Samsung đối với Apple. Đây cũng là phiên tòa bồi thẩm đoàn đầu tiên của vụ tranh chấp này (Xem "Apple, Samsung đụng độ nảy lửa trước tòa").

Apple muốn Samsung trả 2,5 - 2,75 tỉ USD chi phí thiệt hại cho việc Samsung vi phạm bằng sáng chế của mình. "Quả táo" còn đưa ra yêu cầu cho lệnh cấm bán một dòng máy tính bảng của Samsung tại Mỹ và sau đó mở rộng sang các dòng smartphone.

Samsung muốn Apple trả 421,8 triệu USD tiền bản quyền hai bằng sáng chế về tiêu chuẩn công nghệ di động và ba bằng sáng chế tiện ích mà Apple vi phạm.

Nhà quản lý quỹ đầu tư Shinhan BNP Paribas Asset Management Co. Im Jeong Jae nhận định "điều quan trọng là phán quyết tại Mỹ sẽ ảnh hưởng đến các cuộc kiện tụng giữa hai bên đang diễn ra tại những nơi như châu Âu và châu Úc". Còn chuyên gia phân tích và nghiên cứu Mark Newman tại Sanford C. Bernstein cho rằng phán quyết của tòa án Hàn Quốc sẽ ít nhiều tác động đến các phiên tòa đang phân xử, đặc biệt là phiên tòa tại Hoa Kỳ sẽ tiếp tục vào cuối tháng 8.

Cả hai bên đều có những chiến thắng pháp lý. Ngày 29-6 vừa qua, Apple đã đạt được lệnh cấm bán Samsung Galaxy Nexus, dòng smartphone đầu tiên sử dụng hệ điều hành Android 4.0 (ICS). Tuy vậy, sản phẩm này vẫn còn trên thị trường vì Samsung tiếp tục kháng án.

Tháng 11-2011, Samsung chiến thắng tại Úc sau khi tòa án từ chối lệnh cấm bán máy tính bảng Galaxy Tab.

gbyHCKxb.jpgPhóng to
Các dòng smartphone có liên quan đến vụ kiện tụng phát minh công nghệ: iPhone, Google Nexus và Galaxy S2 - Ảnh: Android Police

Nghịch lý từ cuộc chiến

Bên lề cuộc chiến đang rất khốc liệt cạnh tranh vị trí hàng đầu trên thị trường smartphone và tablet, hai công ty này cũng là đối tác hàng đầu của nhau. Samsung là nhà sản xuất chip nhớ và màn hình tinh thể lỏng (LCD) lớn nhất thế giới, cung cấp nhiều thành phần linh kiện quan trọng cho các sản phẩm bán chạy nhất của Apple.

Theo ước tính của Hãng nghiên cứu thị trường Gartner, trong năm nay Apple đã chi ra 7,5 tỉ USD mua chip xử lý Samsung trang bị cho các dòng điện thoại và máy tính bảng của mình, tăng 60% so với năm 2011. Các phân tích về ngành cung ứng từ Bloomberg cũng cho thấy Apple là khách hàng lớn nhất của Samsung, 9% doanh thu của Samsung đến từ Apple.

Trong quý 2, Hãng điện tử Samsung nắm giữ 35% thị trường smartphone toàn cầu, Apple theo sau với 18%. Số liệu từ Hãng nghiên cứu thị trường Strategy Analytics.

THANH TRỰC (Theo Bloomberg, Reuters, DailyMail)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên