29/12/2016 17:00 GMT+7

​Dâm bụt cũng là vị thuốc

 Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Dâm bụt hay bông bụp (Hibiscus rosa-sinensis L.) thuộc họ Bông (Malvaceae), được trồng làm cảnh ở rất nhiều nơi vì hoa đẹp và có nhiều màu sắc như vàng, cam, hồng, đỏ.

Theo y học cổ truyền, rễ dâm bụt có vị ngọt, tính bình, có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, điều kinh. Lá có vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng tiêu viêm, chỉ huyết, cố tinh, sát trùng. Hoa có vị ngọt, tính bình, tác dụng tiêu viêm, cầm máu, chống sưng, nhuận tràng.

Theo y học truyền thống Ấn Độ, một vài loài Hibiscus, đặc biệt là trắng và đỏ, rễ được dùng nấu như trà uống mỗi ngày, có tác dụng chữa ho. Nhiều người còn lấy hoa dâm bụt đun trong dầu để bôi cho mượt tóc, ngăn chặn tóc gãy rụng và làm cho tóc thêm óng ả. Lấy bột lá và hoa nghiền mịn trộn chung ít nước xà phòng sẽ là một loại dầu gội tốt cho tóc.

Năm 2008, một nhóm nghiên cứu ở Mỹ cho thấy dùng trà được bào chế từ các loài Hibiscus có tác dụng làm hạ huyết áp và giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn nếu những người có bệnh huyết áp mỗi ngày uống 3 tách trà Hibiscus.

Ở Jamaica và vài quần đảo khác trong vùng biển Caribbean, Hibiscus khá phổ biến vào các dịp lễ Giáng sinh. Rễ nó được pha chế như một loại nước giải khát chung với các loại thảo mộc khác, vài loại gia vị và sau cùng được làm ngọt bằng đường mía. Thông thường nó được pha với rượu rum Jamaica. Tuy nhiên cần chú ý nên đun nấu chúng trong nồi tráng men vì nếu đun trong dụng cụ kim loại từ nhôm, thép hoặc đồng sẽ phá hủy các khoáng chất tự nhiên và sinh tố. Uống trà Hibiscus còn có tác dụng như một loại thuốc lợi tiểu nhẹ. 

Tại Việt Nam, dân gian hay dùng dâm bụt để chữa các bệnh sau đây:

1. Rễ dùng chữa: viêm tuyến mang tai, viêm kết mạc cấp, viêm khí quản, viêm đường tiết niệu, kinh nguyệt không đều, mất kinh, vỏ rễ chữa mất ngủ và tiêu chảy.

2. Hoa dùng chữa kinh nguyệt không đều, khó ngủ, hồi hộp, tiểu đỏ, ngứa lở ngoài da, bí tiểu.

3. Lá dùng chữa viêm niêm mạc dạ dày, ruột, đại tiện ra máu, kiết lỵ, mụn nhọt, ghẻ lở, di mộng tinh, phụ nữ khí hư bạch đới.

4. Quả chữa ho khò khè, đau đầu.

Cách dùng: dùng rễ và lá 15-30g, hoa tươi 30g, dạng thuốc sắc, thuốc hãm. Lá và hoa thường dùng ngoài trị mụn nhọt, viêm mủ da, viêm vú, viêm hạch bạch huyết. Dùng tươi giã nhỏ, trộn tí muối đắp ngay lên mụn nhọt đang mưng mủ hoặc trên chỗ sưng viêm, mụn sẽ vỡ và bớt đau nhức.

- Viêm tuyến mang tai: lá hoặc hoa tươi 30g sắc uống; cũng dùng lá và hoa tươi, cùng với lá phù dung giã nát đắp ngoài.

- Viêm kết mạc cấp: rễ dâm bụt 30g sắc uống.

- Kinh nguyệt không đều, thấy sớm kỳ, ngắn vòng, hay ra nhiều máu, rong huyết thì lấy vỏ rễ dâm bụt, lá huyết dụ mỗi vị 30g sắc uống.

Tuy nhiên trong lá và thân dâm bụt có nhiều chất nhày nên dùng nhiều có thể làm nhuận tràng và đi xổ nhiều. Chú ý không nên dùng cho phụ nữ đang có thai.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: dâm bụt vị thuốc