03/09/2021 08:26 GMT+7

Dám nghĩ lớn cho tương lai rực rỡ

MI LY - C.KHUÊ
MI LY - C.KHUÊ

TTO - Phan Khương, Đặng Ngọc Trà, Guillaume Rondan, nhóm các bạn sinh viên từ các trường đại học Việt Nam và quốc tế... Họ là những người dám nghĩ lớn vì một tương lai rực rỡ của thành phố...

Dám nghĩ lớn cho tương lai rực rỡ - Ảnh 1.

“Tìm lại chính mình ở thời 4.0 vững bền” của nhóm tác giả Công ty TNHH SPG Industrial Development khá hay, không hẳn xác định mục tiêu cụ thể, nhưng lại đặt ra phương pháp, cách nhìn vấn đề và câu trả lời cho tương lai.

“Trung tâm sáng tạo vì xã hội” của nhóm các bạn sinh viên cũng hay vì nói thẳng đến yếu tố con người, một yếu tố đặc biệt của thành phố, cũng như tính sáng tạo của cái “tâm” thành phố. Ngoài ra, tôi cũng quan tâm đến những bài nói về không gian xanh, tăng mức độ sử dụng con sông Sài Gòn và các mối liên kết với những nước đang phát triển trong khu vực.

Ông Dominic Scriven (chủ tịch quỹ đầu tư Dragon Capital) - cố vấn ban giám khảo

Cuộc thi hiến kế “TP.HCM nâng tầm quốc tế” thu hút đông đảo người trẻ có lẽ bởi tính chất hướng tới tương lai, cần áp dụng những kiến thức và công nghệ hiện đại. Cũng có một số bạn đọc lớn tuổi tham gia và đoạt giải, thể hiện tâm huyết với tương lai của thành phố mến yêu.

“Tôi mơ tuổi trẻ của mình được thấy TP.HCM vươn tầm quốc tế”

Nếu có điều ước, tôi ước tuổi trẻ mình được chứng kiến TP.HCM phát triển thịnh vượng, hiện đại, tầm cỡ thế giới; thương hiệu “Người Sài Gòn” ngày càng tạo dựng được lòng tin và chiếm lấy tình cảm từ bạn bè, đối tác quốc tế.

Phan Khương


anh box 3

Phan Khương (giải nhất)

Phan Khương, chàng trai 29 tuổi, đoạt giải nhất cá nhân, hiện làm tại Zalo, từng là đại sứ môi trường trẻ UNEP (Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc) tại Đức, là đại biểu Việt Nam tham gia các Học bổng giao lưu văn hóa Việt Nam - Indonesia, đại diện Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh dân chủ Bali (Indonesia) năm 2017, đại diện thanh niên Việt Nam tại các diễn đàn thanh niên quốc tế về các vấn đề môi trường, văn hóa và gắn kết thanh niên...

Về công việc đặc biệt của mình, Phan Khương cho biết vai trò của anh là mang đến hạnh phúc cho người lao động (People Happiness Lead).

Phan Khương chia sẻ: “Tôi rất vui khi biết được những hiến kế của mình dành cho thành phố được ban tổ chức ghi nhận và đánh giá cao. Việc này làm tôi nhớ lại những tháng ngày tình nguyện làm đẹp thành phố, khi thì ngâm mình trong bùn đen để làm sạch kênh rạch, lúc thì sáng tạo những mảng thảo dược phủ xanh đô thị và giáo dục sức khỏe cho học sinh trong các chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, Hoa phượng đỏ.

Và đến hôm nay, vào bệnh viện dã chiến, đến khu phố tham gia chống dịch để thành phố sớm hồi sinh sức sống mới”.

Qua những trải nghiệm đó, Phan Khương đã yêu và thương Sài Gòn từ lúc nào, mong muốn trở thành một phần có giá trị cho lịch sử phát triển của thành phố. Phan Khương hy vọng qua diễn đàn hiến kế của báo Tuổi Trẻ, những ý tưởng của anh và của những cô chú, anh chị khác đã chấp bút đầy tâm huyết gửi đến cuộc thi sẽ sớm trở thành hiện thực.

anh box 2

Kiều Minh Trang (giải nhì)

Kiều Minh Trang, tác giả đoạt giải nhì với bài viết “Thành phố ý tưởng - Think city”, chia sẻ: “Để tìm kiếm một ý tưởng thiết thực, có khả năng cạnh tranh và phù hợp với hiện trạng TP.HCM quả thật không dễ dàng.

Nhiều người trẻ TP.HCM đang không ngừng nỗ lực cống hiến, bằng cách kết nối những sáng kiến quốc tế với hiện thực TP.HCM và đem trí tuệ, khát vọng từ TP.HCM ra cọ xát với môi trường bên ngoài.

Từ đây, tôi nhận thấy đặc trưng “hội tụ những ý tưởng hàng đầu” có thể trở thành lợi thế cạnh tranh cho TP.HCM.

Những ý tưởng như “urban solution”, “urban policy thinking” là tài nguyên vô giá, giúp tri thức có thể lưu chuyển bằng nhiều công cụ hoặc trên nhiều không gian, dễ dàng chia sẻ thông qua mạng lưới quốc gia/đô thị bất kể sự khác biệt về trình độ phát triển.

Nên, tôi hy vọng “thành phố ý tưởng - think city” sẽ trở thành chủ đề thảo luận sắp tới của chúng ta khi nghĩ về một tương lai mang tầm vóc năm châu bốn biển của Sài Gòn - TP.HCM”.

Nhóm sinh viên Đại học Fulbright Việt Nam, Đại học Sciences Po (Pháp), Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Hoa Sen, Đại học Kiến trúc: “TP.HCM không chỉ là đầu tàu kinh tế đất nước, mà còn là cái nôi của sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam, đứng thứ ba tại Đông Nam Á với 1.000 startup công nghệ và 400 triệu USD đầu tư mạo hiểm.

Nhóm sinh viên tác giả ý tưởng "Trung tâm sáng tạo vì xã hội"

Dám nghĩ lớn cho tương lai rực rỡ - Ảnh 10.

NHÓM UG18 (giải ba tập thể)

Ý tưởng “Trung tâm sáng tạo vì xã hội” - đoạt giải 3 tập thể - là công trình của nhóm 6 sinh viên: Phan Hoàng Dũng và Hoàng Ngọc Gia Hương - Đại học Fulbright Việt Nam, Nguyễn Kỳ Nam - Đại học Sciences Po (Pháp), Bùi Lê Mai Anh - Đại học Kinh tế TP.HCM, Trương Thanh Khoa - Đại học Hoa Sen và Nguyễn Thùy Dung - Đại học Kiến trúc.

Trong thời giãn cách, các bạn trẻ đã cùng thảo luận trực tuyến để xây dựng ý tưởng với video giới thiệu hấp dẫn và bản thiết kế công phu. Đại diện nhóm, anh Phan Hoàng Dũng cho biết: “Xin cảm ơn ban tổ chức vì đã tạo ra cuộc thi này cho nhóm được hiến kế cho thành phố”.

Thu hút người Việt ở nước ngoài, người nước ngoài ở Việt Nam

Sài Gòn - TP.HCM cần một cú hích nâng tầm vị thế trong khu vực và quốc tế nhằm mang lại những lợi ích trong kết nối ngoại giao lâu dài và bền vững.

Đặng Ngọc Trà


anh box 5

Đặng Ngọc Trà (giải khuyến khích)

Cuộc thi có những tác giả người Việt ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam đều có chung mối quan tâm đến sự phát triển của thành phố.

Một trong những tác giả đoạt giải khuyến khích, cô gái Đặng Ngọc Trà là người Việt đang sống tại Derby, Anh.

Công việc của cô là làm hành chính tại ký túc xá Đại học Nottingham Trent. Khi còn ở Việt Nam, cô là quản lý tiếp thị tại khách sạn Renaissance Riverside Saigon. Rời TP.HCM sang sống nơi đất khách, Ngọc Trà vẫn luôn nhớ và yêu thành phố.

Cuộc thi hiến kế “TP.HCM nâng tầm quốc tế” là cơ hội để cô bày tỏ tình cảm. Ngọc Trà kể: “Trong một lần tham quan Saigon Water Bus - tàu thủy đường sông độc nhất của TP.HCM, tôi ngây người khi ngắm Sài Gòn từ sông.

Sài Gòn có những điểm nổi bật và riêng biệt không lẫn vào bất cứ thành phố nào của những nước mà tôi đã từng đi qua. Tôi nhận thấy Sài Gòn - TP.HCM cần một cú hích nâng tầm vị thế trong khu vực và quốc tế nhằm mang lại những lợi ích trong kết nối ngoại giao lâu dài và bền vững”.

“Dù đang sống và làm việc ở Anh, tôi vẫn luôn hướng về Sài Gòn. Qua cuộc thi này, tôi muốn được đóng góp xây dựng thành phố với ý tưởng định vị rõ nét hình ảnh và biểu tượng riêng biệt của Sài Gòn - TP.HCM trong quan hệ ngoại giao với bạn bè quốc tế.

Tôi tin rằng những bước chuẩn bị sớm sẽ góp phần bắt kịp đà phục hồi kinh tế, ngoại giao ngay khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh” - cô nói.

anh box 4

Guillaume Rondan (giải khuyến khích)

Còn với những người nước ngoài đang gắn bó với thành phố, chọn nơi đây làm chốn an cư lập nghiệp sau khi rời quê nhà, TP.HCM lại càng có vị trí đặc biệt.

Một ví dụ tiêu biểu là anh Guillaume Rondan - giải khuyến khích - doanh nhân kiêm nhà đầu tư người Pháp sống tại Việt Nam, là nhà sáng lập trang web movetoasia.com.

Trang web của Guillaume Rondan được lập ra để giúp những người nước ngoài tìm kiếm cơ hội công việc, kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Do đó, trong cuộc thi, anh đưa ra những góp ý sát sườn về mặt chính sách visa, thủ tục hành chính và thu hút lao động.

Guillaume Rondan nhận định: “Trong thời điểm hiện nay, việc cố gắng giữ tinh thần lạc quan và ngẩng cao đầu là điều rất quan trọng, đặc biệt là khi bạn đang sống xa quê nhà.

Không phải ý tưởng nào cũng sẽ được thực hiện, ưu tiên hàng đầu lúc này là giữ cho mọi người được an toàn và khỏe mạnh, nhưng tôi vẫn biết ơn báo Tuổi Trẻ đã tổ chức cuộc thi này để mọi người nói lên suy nghĩ và đóng góp vào sự phát triển của thành phố chúng tôi yêu quý”.

Đại dịch rồi sẽ qua đi và thành phố sẽ trỗi dậy

anh box 1

Nguyễn Thiện (giải khuyến khích)

Trong số các tác giả đoạt giải khuyến khích, tác giả Nguyễn Thiện là người lớn tuổi nhất, ý tưởng “Quảng bá qua quan hệ kết nghĩa” của ông cũng mang tầm vĩ mô, vượt ra ngoài phạm vi TP.HCM và biên giới Việt Nam.

Ông chia sẻ: “Đại dịch rồi sẽ qua đi. TP.HCM phải tiếp tục phát huy truyền thống năng động để nhanh chóng trở thành một thành phố hiện đại, văn minh ở châu Á. Mong sao, ý tưởng và các giải pháp tôi hiến kế sẽ sớm thành hiện thực”.

Bên cạnh văn hóa, ẩm thực là chủ đề được nhiều người dự thi lựa chọn. Bài dự thi của anh Phạm Trọng Chinh đã vượt qua nhiều bài về ẩm thực khác để đồng đoạt giải khuyến khích. Hiện anh là nhân viên quản lý tại một doanh nghiệp nước ngoài. Ý tưởng của anh là “Hương vị Việt, bếp ăn thế giới”.

Bài thi khiến ban giám khảo tranh luận khá nhiều vì ẩm thực là chủ đề quá phổ biến ở khắp mọi nơi chứ không riêng gì cuộc thi, nhưng lại hiếm có những bài viết đạt tầm hiến kế, chiến lược. Nét riêng mà anh Chinh muốn thể hiện chính là sự hào sảng, đón nhận mọi con người, mọi xu hướng của mảnh đất phương Nam này chứ không chỉ riêng các món ăn và hương vị.

Tôi mong ban tổ chức sẽ tổng hợp hết các ý kiến từ bạn đọc để hình thành nên một đề xuất tổng thể, coi như tiếng nói, nỗi lòng của những người yêu TP.HCM.

Phạm Trọng Chinh

anh box 6

Phạm Trọng Chinh (giải khuyến khích)

Có 20 năm sống và làm việc ở TP.HCM, anh Chinh coi đây là mảnh đất cưu mang mình. Với anh, Sài Gòn - TP.HCM không khác gì máu thịt: “Yêu cầu 1.000 chữ chưa đủ để thể hiện hết tất cả những gì tôi muốn nói.

Tôi quyết định làm một bài PowerPoint để trình bày. Một động lực khác nữa là cuộc thi diễn ra giữa lúc TP.HCM đang gồng mình chống chọi với COVID-19.

Chúng ta tạm thời không đón tiếp được bạn bè quốc tế, cho nên tôi đặt mục tiêu định hướng tham gia với ý tưởng làm thế nào để Sài Gòn sẽ quay trở lại đón du khách với sự sôi động, rực rỡ sau dịch, thể hiện tình cảm mến khách và hào sảng phương Nam”.

Phan Khương - chàng trai với công việc đặc biệt “People Happiness Lead”. Đặng Ngọc Trà - cô gái sống ở Anh nhưng luôn hướng về Sài Gòn. Anh Guillaume Rondan - người Pháp sống tại Việt Nam. Nhóm các bạn sinh viên từ các trường đại học Việt Nam và quốc tế... Họ là những người dám nghĩ lớn vì một tương lai rực rỡ của thành phố.


Cuộc thi hiến kế “TP.HCM nâng tầm quốc tế” dành cho bạn đọc đóng góp ý tưởng và giải pháp nâng cao vị thế quốc tế của Sài Gòn - TP.HCM do báo Tuổi Trẻ cùng Sở Ngoại vụ TP.HCM, với sự đồng hành của Vietnam Signature và Global Embassy, tổ chức.

Cuộc thi kéo dài trong 2 tháng, đã nhận được hơn 420 ý tưởng hiến kế. Ban giám khảo gồm: nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ; bà Phạm Trần Thanh Thảo - phó giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM; bà Tôn Nữ Thị Ninh - cựu đại sứ Việt Nam tại Bỉ và EU, cựu phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; ông Phạm Phú Ngọc Trai - chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu GIBC; ông Trần Hoàng Ngân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và cố vấn ban giám khảo: ông Dominic Scriven - chủ tịch điều hành Công ty quản lý Quỹ Dragon Capital.

Tọa đàm hiến kế “TP.HCM nâng tầm quốc tế” và lễ trao giải dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 9, khi thành phố của chúng ta đã đẩy lùi được dịch bệnh COVID-19.

Dám nghĩ lớn cho tương lai rực rỡ - Ảnh 24.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Công bố giải thưởng hiến kế Công bố giải thưởng hiến kế 'TP.HCM nâng tầm quốc tế'

TTO - Trong 2 tháng, cuộc thi hiến kế "TP.HCM nâng tầm quốc tế" đã nhận hơn 420 bài dự thi, trong đó có 55 bài vào chung khảo với chất lượng tốt. Các bài đoạt giải cao nhất đều đạt được sự đồng thuận cao của ban giám khảo.

MI LY - C.KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên