25/08/2016 10:04 GMT+7

Dân... cắt cỏ

ĐOÀN KHẢI AN
ĐOÀN KHẢI AN

TTO - Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh tại TP.HCM, ruộng đồng, bãi hoang nhường chỗ cho nhà cao tầng nên cỏ trâu bò ăn được giá. Nhiều chợ cỏ mọc lên tại các vùng ngoại ô và nghề cắt cỏ đã giúp một bộ phận người nghèo có cơm áo.

Hai người cắt cỏ mưu sinh - Ảnh: K.A.
Hai người cắt cỏ mưu sinh - Ảnh: K.A.

“Cực khổ, xấu xí vậy chứ ngày nào không ngâm nước, tay ráo mủ cỏ là lo trăm bề. Tụi tui chỉ mong có việc làm, có cỏ để cắt và có người mua cỏ

Chị Thạch Ba La

Mặt trời xế bóng, con rạch chảy qua cầu Bà Năm (xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP.HCM) lục bình đã phủ xanh. Dưới chân cầu, một nhóm người đang ra sức chất cỏ từ dưới ghe lên bờ. Cỏ trên ghe được cột thành từng bó, mỗi bó dài gần 1m, to vừa một vòng ôm.

Anh Thạch Bé Cường - quê Sóc Trăng, trưởng nhóm trên ghe - tay quệt mồ hôi đã ướt cả khuôn mặt gầy gò và đen sạm, nở nụ cười khoe: “Hôm nay coi như khá, đám cỏ này phải trên 1.500 bó (mỗi bó 4-5kg), trừ các chi phí, mỗi anh em cũng được hơn 250.000 đồng”.

Nghề mưu sinh

Qua câu chuyện, anh Cường cho biết nhóm của anh gồm năm người, bắt đầu lên ghe đi cắt cỏ tận quận 2 từ 1g đêm, đến tận 4g chiều mới về tới nhà. Khi chúng tôi đến, mọi người đang nhanh tay chất cỏ lên bờ để về cơm nước, chuẩn bị ngày làm việc mới vào 12g đêm nay.

“Nghề này sống với con nước, nước lớn là giong ghe đi, đến bãi đợi nước giật mới cắt, rồi đợi nước lớn lại quay ngược về. Bởi vậy nên chẳng có giờ giấc gì, có hôm đi từ sớm đến chiều tối, hôm khác lại từ giữa trưa đến giữa đêm” - anh Lâm Dung, người cắt cỏ, góp chuyện.

Cách cầu Bà Năm khoảng 800m, hai nhóm cắt cỏ khác của anh Hoàng Em, chú Tư Lâm cũng vừa cập bến, ghe nào cũng chất đầy cỏ. Hầu hết họ là những người cắt cỏ thuê cho các chủ ghe, mỗi bó chủ bán lại cho các hộ nuôi bò sữa từ 1.350-1.500 đồng, thợ cỏ được chia 900 đồng.

Trung bình một thợ cỏ một ngày có thể cắt khoảng 200 bó, thu nhập 180.000 đồng/ngày, riêng những “cây liềm vàng” có thể cắt 250-300 bó/ngày nếu gặp bãi cỏ dày. Tuy nhiên để kiếm được từng ấy tiền, thợ cỏ phải dầm mình dưới nước 3-5 tiếng.

“Muốn cắt được cỏ nhiều phải ra ven sông, chủ yếu ở quận 2, Thủ Đức và Bình Thạnh... vì ở vùng ngoại thành người nuôi bò đã cắt hết, đặc biệt vùng nước dơ cỏ mọc rất dày. Nước dơ cũng đồng nghĩa với muỗi và bù mắt nhiều nên anh em hay nói vui là vừa cắt vừa lắc để đuổi muỗi và bù mắt.

Có hôm bù mắt dày đậu cắn khắp mặt không thể cắt được. Nhưng tội nhất là phụ nữ, họ dễ bị bệnh phụ khoa do ngâm mình dưới nước lâu và dơ. Nhưng vì miếng cơm, chấp nhận tuốt luốt” - anh Hoàng Em tâm sự.

Theo anh Huỳnh Văn Đạt - cư dân ở Hóc Môn có đàn bò sữa gần 20 con, những năm gần đây số người nuôi bò sữa ở Hóc Môn và Củ Chi tăng mạnh, lượng cỏ địa phương ngày một khan hiếm nên họ phải mua cỏ từ các chợ cỏ để phụ thêm. Một con bò ăn 20-30 kg cỏ/ngày (tùy cách cho ăn của từng chủ), nên nhà nào có đàn bò lớn bắt buộc phải mua cỏ dù ở nhà đã “quy hoạch” đất trồng cỏ.

Sợ tay ráo mủ cỏ

Mỗi ngày, thợ cỏ chỉ ngủ chừng vài tiếng rồi lại trở mình tất tả cho chuyến ghe mới và luôn canh cánh bên mình nỗi lo bệnh tật. Mấy tuần nay mưa nắng thất thường, anh em thợ cỏ có vài người trúng nước, cảm sương và say nắng nằm bệnh cả tuần ở nhà trọ.

Vậy mà bệnh chưa khỏi hẳn, họ lại mài liềm theo ghe đi cắt cỏ vì cần tiền trang trải cuộc sống và lo cho gia đình dưới quê, nhất là tiền nuôi đám nhỏ ăn học và người già mất sức lao động.

“Nhờ mấy bó cỏ này mà cuộc sống dưới quê đỡ hẳn, ba đứa con được đến trường và nhà cửa cũng tươm tất. Người làm nghề này tằn tiện dữ lắm, trừ tiền nhà trọ, chi phí ăn uống, số còn lại chủ yếu để dành gửi về quê” - thợ cỏ Thạch Út bộc bạch.

Thợ cỏ không chỉ vật lộn với cuộc sống thường nhật mà còn đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên trong từng chuyến đi. Những ngày nắng với họ là một cuộc chiến đầy khốc liệt. Mùa mưa tuy mát mẻ hơn nhưng ai cũng ngán ông Thiên Lôi, không ít người sinh nghề tử nghiệp vì bị sét đánh.

“Nhìn tụi tui khỏe vậy chứ bệnh thường à. Sáng nắng chiều mưa, thân ngâm dưới nước thì dù có khỏe cỡ nào cũng phải bệnh một vài lần trong năm, vậy mới là dân cắt cỏ” - chú Tư Lâm cười sảng khoái.

“Mùa nào cũng có cái cực của mùa đó, mùa nắng làm rất mệt, còn mùa mưa vừa cắt vừa run. Ở xóm trên có con bà Tuyền bị sét đánh chết cách đây vài năm trong một lần cắt cỏ vào mùa mưa.
Nhưng chuyện thường xuyên gặp nhất là đang cắt thì trời mưa bất chợt, chạy về ghe không kịp là cơm canh đang nấu coi như tanh bành (ghe cắt cỏ không có mái che). Vậy là anh em nguyên ngày cắt cỏ với bụng đói” - anh Hoàng Em tả mà nghe như mếu.

Những thợ cỏ chúng tôi gặp đều có chung dáng vẻ gầy gò bởi công việc nặng nhọc và làn da đen sạm do dãi nắng dầm sương, nhưng nhìn vào mắt họ lại tràn đầy nghị lực và ánh lên niềm vui.

Đưa bàn tay móp méo vì ngâm nước nhiều, các móng tay biến dạng đen sì và gồ ghề bởi mủ cỏ, chị Thạch Ba La, vợ anh Cường, chia sẻ: “Cực khổ, xấu xí vậy chứ ngày nào không ngâm nước, tay ráo mủ cỏ là lo trăm bề. Tụi tui chỉ mong có việc làm, có cỏ để cắt và có người mua cỏ”.

Chúng tôi rời xã Nhị Bình khi trời bắt đầu tối, những bó cỏ cuối cùng cũng vừa được chất lên bờ để chủ ghe giao cho các hộ nuôi bò. Những người cắt cỏ ướt sũng, lê bước chân nặng trĩu về phòng trọ cách đó không xa. Một vài người đàn ông ngừng giữa cầu Bà Năm, mở bao thuốc được bọc kỹ trong bịch nilông lấy từ cái nón rộng vành ra làm một hơi dài.

Mắt họ nhìn đám lục bình trôi theo con nước rồi lầm lũi cất bước. Nhìn đồng hồ, họ chỉ còn hơn năm giờ để vệ sinh - ăn - ngủ rồi phải trở dậy lên đường. Ngày tháng của họ đã được lập trình như thế!

Thống kê năm 2015 của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM cho biết tổng đàn bò sữa của TP.HCM đạt 160.000 con, tăng gần 26% so với cùng kỳ 2014 và chiếm hơn 58% tổng đàn bò sữa cả nước, chủ yếu tập trung ở huyện Củ Chi và Hóc Môn. Có lẽ nhờ vậy mà nghề cắt và cung cấp cỏ ở hai địa phương này tăng mạnh.

Tuy nhiên do công việc vất vả, nặng nhọc, lại đầy rủi ro bệnh tật nên đa số thợ cắt cỏ là người gốc Khmer đến từ Sóc Trăng và Trà Vinh.

“Anh em trong nghề đều là bà con hoặc ở cùng xóm, người đi trước kéo người đi sau, có đứa 10 tuổi đã theo cắt cỏ, đến giờ đã có 15 năm trong nghề như Lâm Dung. Làm một thời gian, anh em nào cưới vợ thì đưa vợ theo cắt cỏ cùng, như vợ tôi cũng đã làm nghề này ngoài 7 năm.

Người ta nói nắng không ưa, mưa không chịu, ghét gió, kỵ mùi sương thì nghề này dính đủ, nhưng dù gì cũng có đồng ra đồng vô, còn hơn ở dưới quê không có việc làm” - anh Cường kể.

ĐOÀN KHẢI AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên