18/04/2013 09:45 GMT+7

Dân Myanmar kháo nhau tìm hàng "made in Vietnam"

LÊ NAM
LÊ NAM

TT - Tham tán Đại sứ quán VN tại Myanmar Trần Phước Anh kể chỉ cách đây một năm, hàng hóa VN thỉnh thoảng mới thấy xuất hiện ở thị trường Myanmar, nhưng hiện đã bắt đầu hình thành một thói quen tiêu dùng hàng VN tại đất nước này. Ở nhiều cửa hàng, siêu thị, chợ... hàng VN đã xuất hiện nhiều trên kệ.

Người dân Myanmar đã bắt đầu kháo nhau tìm hàng “made in Vietnam” để mua vì chất lượng, mẫu mã tốt hơn hẳn hàng Trung Quốc, giá cạnh tranh hơn hàng Thái Lan. Theo ước tính, 70% hàng hóa tại Myanmar phải nhập khẩu (dân số Myanmar khoảng 60 triệu người), nên đây là cơ hội tốt cho doanh nghiệp VN. Vừa qua nhiều doanh nghiệp VN đã rất nhanh nhạy chuyển hàng từ VN sang Lào rồi chuyển hàng hóa bằng đường bộ từ Thái Lan nên đã tiết kiệm được một phần chi phí, dù mất thời gian so với đường thủy và đường hàng không.

Nhìn thấy được cơ hội này nên gần như tuần nào cũng có doanh nghiệp VN sang Myanmar tìm hiểu thị trường, tìm đối tác để phối hợp đưa hàng hóa sang. Một số DN VN đã tìm được đối tác, thành lập văn phòng hoặc mở công ty, cửa hàng để kinh doanh.

Hãng hàng không Vietnam Airlines đã phải nâng cấp máy bay từ loại Fokker 70 với 79 chỗ lên máy bay Airbus A321 với 180 chỗ cho các đường bay từ TP.HCM, Hà Nội sang thành phố Yangon để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng của doanh nghiệp VN.

Theo ông Phước Anh, điều quan trọng nhất để kinh doanh thành công tại Myanmar là tìm được đối tác phù hợp vì tính đến thời điểm này, công ty nước ngoài chưa được phép kinh doanh trực tiếp tại Myanmar. Bên cạnh đó, doanh nghiệp VN phải hiểu rõ về thị trường, tập quán kinh doanh của Myanmar “để có những kế hoạch, bước đi tiếp cận thị trường Myanmar phù hợp, hiệu quả nhất”.

Năm 2012, Myanmar xuất khẩu được hơn 1,2 triệu tấn gạo và Chính phủ Myanmar cũng đặt mục tiêu xuất khẩu 5 triệu tấn gạo vào năm 2020. Đây chính là cơ hội nữa dành cho các nhà kinh doanh, sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng của VN tham gia chuỗi sản xuất lúa gạo của nước này.

Ông Phước Anh cho rằng còn nhiều lĩnh vực kinh doanh, sản xuất tại Myanmar đang rất cần trong giai đoạn cải cách mở cửa này mà doanh nghiệp VN có lợi thế như: du lịch, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, trong đó đặc biệt là sản xuất vật liệu xây dựng.

“Nếu có phương án chuyển các sản phẩm vật liệu xây dựng đang tồn kho tại VN sang Myanmar bán, thậm chí bán lỗ chút ít để tạo và xây dựng thị phần thì vài năm nữa khi nhu cầu xây dựng khách sạn, khu phức hợp, văn phòng cho thuê, nhà ở... bùng phát ở Myanmar, DN VN sẽ có cơ hội phát triển rất tốt” - ông Phước Anh nhấn mạnh.

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên