10/01/2024 09:27 GMT+7

Đánh thức dược liệu đại ngàn

Chúng tôi, những người trẻ sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất này, đã quyết định thực hiện giấc mơ của riêng mình, giấc mơ xây dựng một thương hiệu dược liệu và nông sản của vùng đại ngàn Tây Nguyên.

Các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số trong chuỗi liên kết với DATO thu hoạch khổ qua rừng

Các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số trong chuỗi liên kết với DATO thu hoạch khổ qua rừng

Quê tôi có núi Ngọc Linh, mái nhà thiên nhiên hùng vĩ của người Xê Đăng bản địa, nơi cất giấu trong mình biết bao câu chuyện kỳ bí, hoang dại về một vùng đất linh thiêng, huyền diệu; nơi được coi là thủ phủ của nhiều loại dược liệu quý nhưng gần như bị “bỏ quên”.

Từ năm 2018, hành trình của chúng tôi cùng với DATO bắt đầu…

Khởi nguồn từ yêu thương…

Bên cạnh “quốc bảo” sâm Ngọc Linh, núi rừng Kon Tum còn có vô số loại “thuốc giấu”, dược liệu quý đã được đồng bào Xê Đăng bản địa sử dụng như những vị thuốc dân dã từ bao đời như đẳng sâm, nấm lim xanh, linh chi rừng. Thế nhưng, dược liệu thường chỉ được thương lái thu mua với giá rẻ, sau đó mang ra khỏi địa bàn bán lại với giá cao hơn nhiều lần. Cùng với thực trạng “chảy máu” dược liệu, nguồn dược liệu sạch, có sẵn trong tự thiên do khai thác không có kế hoạch cũng cạn kiệt dần.

Đau đáu với thực trạng đó, từ năm 2018, chúng tôi quyết định xây dựng Công ty Thảo dược Tây Nguyên - DATO. Ý tưởng ban đầu chỉ dừng lại ở ước mong trở thành cầu nối giữa bà con đồng bào Xê Đăng với một thị trường tiêu thụ tiềm năng, rộng lớn ngoài kia, đồng thời duy trì và phát triển được nguồn dược liệu quý tại chỗ, tạo sinh kế lâu dài cho bà con.

Các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số trong chuỗi liên kết với DATO thu hoạch gừng

Các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số trong chuỗi liên kết với DATO thu hoạch gừng

Ngay sau khi thành lập, DATO bắt đầu triển khai mô hình liên kết với các hộ dân để trồng và tiêu thụ một số loại dược liệu như khổ qua rừng, đẳng sâm, gừng... Vùng nguyên liệu chính được phát triển tại Văn Lem, một xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Đăk Tô.

Hành trình vận động người dân chuyển đổi từ các loại cây trồng thu nhập thấp như mì, ngô, lúa sang trồng dược liệu thực sự không mấy dễ dàng. Vận động hơn 10 hộ gia đình mới có một hộ đồng ý trồng thử nghiệm. Hộ nào cũng nghèo, có gia đình phải chạy ăn từng bữa, trồng dược liệu đến đâu, cần tiền lại nhổ bán đến đó. Do đó, để thuyết phục bà con kiên trì, đồng hành cùng công ty cho đến ngày cây trồng đủ tuổi thu hoạch trở thành một thách thức lớn.

Để tháo gỡ vướng mắc, chúng tôi đã chọn phương án xắn tay cùng làm, cùng chia sẻ khó khăn với bà con. Từ việc mở rộng xưởng chế biến, tạo thêm việc làm có thu nhập ổn định, đến việc hỗ trợ giống, vận động, quyên góp tiền, quần áo cũ cho các hộ khó khăn, sách vở cho trẻ em đến trường…

Những mùa vụ đầu tiên không chỉ đưa tình người xích lại gần nhau, mà cũng dần khẳng định được hiệu quả kinh tế tích cực. Số hộ đăng ký tham gia cùng DATO mỗi lúc một nhiều hơn. Đến nay, DATO đã cùng các hộ dân xây dựng được vùng nguyên liệu diện tích hơn 20 héc ta sâm dây, khổ qua, gừng, ớt… đạt chuẩn GACP-WHO.

Từ nguồn nguyên liệu ổn định, DATO tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất nhiều sản phẩm như trà sâm dây, trà khổ qua, trà gừng... Hiện tại, DATO đã có 5 sản phẩm đạt OCOP 3 sao của tỉnh, xây dựng thành công hệ thống phân phối tại 40 tỉnh, thành trong cả nước. Với chúng tôi, đó là minh chứng cho một niềm tin bền bỉ, rằng bất cứ sự nỗ lực nào xuất phát từ sự tử tế, tận tâm và nhân văn cũng sẽ cho kết quả ngọt ngào.

DATO thu mua ớt cho các hộ dân

DATO thu mua ớt cho các hộ dân

Thích ứng và phát triển

DATO bắt đầu hành trình của mình cũng là lúc đại dịch COVID-19 ập đến. Sản phẩm không bán được do các đợt giãn cách xã hội. Trong khi đó, hợp đồng liên kết với người dân đã triển khai, buộc phải tiếp tục thu mua nguyên liệu khiến tồn kho tăng cao. Cũng như bao doanh nghiệp khác, DATO đau đầu với bài toán làm thế nào để thích ứng, tồn tại.

Xác định không thể dừng lại, bởi đằng sau doanh nghiệp lúc này là sinh kế của hàng chục gia đình, chúng tôi đã nảy ra ý tưởng chuyển đổi sản phẩm sang hướng phục vụ các nhu cầu phòng, chống dịch.

Mặt hàng “Thuốc xông giải cảm” từ những loại lá, dược liệu gần gũi với mọi gia đình ra đời và được thị trường đón nhận ngoài mong đợi. Trong khi nhiều doanh nghiệp phải sa thải nhân công để tồn tại thì DATO phải tuyển thêm lao động.

Trong hoàn cảnh dịch bệnh, nhân viên và người lao động của công ty năm đó vẫn cùng nhau đón một mùa Trung thu sung túc, đủ đầy. Con em các công nhân nữ cũng đón một mùa tựu trường trọn vẹn. Đó là những niềm vui thầm lặng nhưng hiện hữu, là động lực to lớn vô cùng.

Tháng 11-2023, sau bao nhiêu nỗ lực, nhà máy sản xuất gia vị và dược liệu DATO được khánh thành, hướng tới những đơn hàng xuất khẩu đầu tiên.

Quảng Nam chốt mỗi cây giống sâm Ngọc Linh giá 270.000 đồngQuảng Nam chốt mỗi cây giống sâm Ngọc Linh giá 270.000 đồng

Ngày 27-12, tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt đơn giá cây giống sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi năm 2023 tại Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, với mức 270.000 đồng/cây.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên