20/04/2022 18:15 GMT+7

Đấu giá đất không chỉ để có nguồn thu lớn mà phải thu hút đầu tư phát triển đất

THÁI AN - DƯƠNG NGỌC HÀ
THÁI AN - DƯƠNG NGỌC HÀ

TTO - Nhiều chuyên gia, đại biểu góp ý hoàn thiện quy định đấu giá quyền sử dụng đất tại hội thảo "Đấu giá quyền sử dụng đất - Thực tiễn và giải pháp" do báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp Viện Kinh tế xanh và Trường đại học Kinh tế - Luật tổ chức.

Đấu giá đất không chỉ để có nguồn thu lớn mà phải thu hút đầu tư phát triển đất - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu góp ý hoàn thiện quy định lĩnh vực đấu giá quyền sử dụng đất - Ảnh: THÁI AN

Đánh giá tổng thể, tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình - cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Tư pháp - cho rằng qua thời gian triển khai Luật đấu giá tài sản thì việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng và tài sản khác nói chung chưa phát hiện vấn đề vướng mắc lớn trong các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục đấu giá gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả đấu giá. Tuy nhiên, những vấn đề phát sinh qua vụ việc đấu giá quyền sử dụng đất tại Thủ Thiêm liên quan trực tiếp tới giá khởi điểm, các điều kiện và năng lực tài chính của người tham gia đấu giá được quy định bởi pháp luật về đất đai cần phải rà soát, sửa đổi.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc cũng nhận định công tác đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm dù đúng luật đấu giá nhưng rõ ràng là chưa thành công như mong muốn. "Việc nhà đầu tư bỏ cọc là thất bại của cuộc đấu giá, tác động đến tâm lý đầu tư, giá bất động sản. Thất bại của doanh nghiệp cũng là thất bại của nhà nước. Phải xác định quan điểm đấu giá đất không phải là mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách mà phải thu hút được đầu tư phát triển trên đất. Vì vậy cần tiếp tục hoàn thiện quy định..." - ông Lộc nói.

Đấu giá đất không chỉ để có nguồn thu lớn mà phải thu hút đầu tư phát triển đất - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường đại học Luật Hà Nội, góp ý tại hội thảo - Ảnh: THÁI AN

Định hướng về việc sửa đổi Luật đất đai của Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Trường đại học Luật Hà Nội - lưu ý phải sửa đổi Luật đất đai theo cơ chế thị trường. Trong đó quy định về giá đất phù hợp hơn. Ông Tuyến cũng đề xuất bổ sung quy định về điều kiện tham gia đấu giá của tổ chức, quy định tiền đặt trước, quyền và nghĩa vụ của người tham gia đấu giá.

Một số đại biểu cũng góp ý về việc cần đồng bộ chính sách để bảo đảm thị trường bất động sản minh bạch để việc đấu giá trở nên minh bạch hơn; hoàn thiện chính sách sử dụng đất...

Góp thêm góc nhìn, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu - ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội - cho rằng cần hoàn thiện quy định về năng lực của người tham gia đấu giá làm sao để không tạo ra rào cản khiến quá ít người tham gia mà phải thu hút nhiều người tham gia. Nhưng phải bảo đảm ràng buộc trách nhiệm của người trúng thầu. "Mục tiêu của việc đấu giá là để phân bổ nguồn lực bất động sản hợp lý, phục vụ cho đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội...".

Đấu giá đất không chỉ để có nguồn thu lớn mà phải thu hút đầu tư phát triển đất - Ảnh 3.

PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh kiến nghị chia quyền sử dụng đất thành 3 nhóm khi tính toán bán đấu giá - Ảnh: THÁI AN

Đáng lưu ý, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh - hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM - kiến nghị đấu giá đất cần có kế hoạch nhìn xa 50 năm, 100 năm... nếu không muốn quỹ đất không còn để bán, ngân sách cho thế hệ sau không còn.

Theo ông Khánh, cần chia quyền sử dụng đất thành 3 nhóm. Nhóm 1 là nhóm dùng để bán đấu giá tạo ra ngay nguồn lực đầu tư công cho địa phương. Nhóm 2 là nhóm vẫn đưa vào chuyển nhượng, đấu giá nhưng phải đặt trong bối cảnh tạo nguồn thu liên tục, ổn định, dài hạn cho ngân sách. 

"Như vậy thay vì chúng ta đấu giá, bán 3.000 tỉ, thanh toán 1 lần thì liệu rằng chúng ta có phương án tài chính để thanh toán mỗi năm 100 tỉ, trong bao nhiêu năm để tạo ra nguồn thu ổn định cho ngân sách... Như vậy con cháu chúng ta về sau và ngân sách sau này sẽ có nguồn đảm bảo" - ông Khánh nói. 

Còn nhóm 3 là nhóm nên giữ lại ít nhất trong vài chục năm tới và Nhà nước xem đó là khoản đầu tư công, tài sản đấy sẽ tăng giá hơn rất nhiều. "Việc bán tài nguyên là quyền sử dụng đất qua đấu giá phải dựa trên nền tảng nhu cầu sử dụng vốn và hiệu quả sử dụng vốn phải cao hơn so với sự tăng giá tài sản..." - ông Khánh góp ý.

Phải có chế tài đủ mạnh những trường hợp trúng đấu giá đất rồi ‘bùng’ Phải có chế tài đủ mạnh những trường hợp trúng đấu giá đất rồi ‘bùng’

TTO - Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cơ quan có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý các trường hợp trúng thầu, trúng đấu giá nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết.

THÁI AN - DƯƠNG NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên