25/11/2023 10:00 GMT+7

Đầu tư đường cao tốc, ai làm tốt nhất thì giao cho làm

Sáng 25-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính - trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải - chủ trì họp phiên thứ 8.

Phiên họp Ban Chỉ đạo các công trình, trọng điểm quốc gia ngành giao thông - Ảnh: VGP

Phiên họp Ban Chỉ đạo các công trình, trọng điểm quốc gia ngành giao thông - Ảnh: VGP

Phiên họp nhằm kiểm tra, đôn đốc các công việc và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ các công trình.

Trước đó, ngày 10-10, Thủ tướng đã quyết định bổ sung thêm các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông gồm: Dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; Dự án đường bộ cao tốc Hòa Liên - Túy Loan; Dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; Dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; Dự án đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương; Dự án đường bộ cao tốc TP.HCM - Chơn Thành; Dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; Dự án đường bộ cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh.

Phân bổ nguồn lực gắn với phân cấp, ủy quyền

Như vậy, đến nay có 86 dự án/dự án thành phần trên địa phận 48 tỉnh, thành thuộc diện theo dõi của Ban chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết các công trình đang triển khai cho thấy chúng ta đã bố trí vốn từ nhiều nguồn khác nhau để tập trung cho đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông vận tải.

Từ phiên họp thứ 7, tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 đoạn qua địa phận tỉnh Tuyên Quang đã được khởi công; khánh thành dự án cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu…

Thủ tướng nêu rõ cùng với việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư thông thoáng trong triển khai các dự án, Chính phủ sẽ tập trung phân cấp, ủy quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Người đứng đầu Chính phủ cho hay thảo luận tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều đại biểu đã đề cập rất đúng về vấn đề này. Trước đây chưa có nhiều tuyến đường, đặc biệt là tuyến cao tốc, nên Bộ Giao thông vận tải trực tiếp quản lý, hoặc thông qua các hạt quản lý đường bộ. 

Tuy nhiên, hiện đã có nhiều tuyến đường hơn, tới hàng chục nghìn km, nên việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền là cần thiết. Việc này tạo thuận lợi để Bộ Giao thông vận tải có thể giao cho địa phương quản lý, phát huy tính chủ động, sáng tạo, kịp thời của các địa phương.

Thêm nữa, yêu cầu sắp tới là cần nghiên cứu sửa đổi quy định về nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) đầu tư xây dựng các công trình giao thông vận tải theo hướng ai làm tốt nhất thì giao làm. 

Thực tiễn, vừa qua trung ương đã giao cho một số địa phương triển khai một số công trình giao thông và thực tiễn cho thấy địa phương đã làm rất tốt. 

Dự án chậm tiến độ vì giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng

Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện đang chuẩn bị đầu tư cho 19 dự án, gồm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho các dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cao Lãnh - An Hữu, dự án Mỹ An - Cao Lãnh... 

Tuy vậy, một số dự án tiến độ chưa đáp ứng kế hoạch như dự án cao tốc TP.HCM - Chơn Thành và TP.HCM - Mộc Bài, đường sắt đô thị tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. 

Các dự án thành phần đường vành đai 4 Hà Nội, dự án Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc đang được thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi... 

Với các dự án đang đầu tư, các địa phương đang tích cực triển khai việc đền bù, giải phóng mặt bằng, song việc xây dựng các khu tái định cư, di dời đường điện cao thế vẫn chậm triển khai. 

Các vướng mắc được chỉ ra bao gồm việc giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa; nguồn vật liệu xây dựng chưa đáp ứng đủ nhu cầu; công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chưa đạt tiến độ...

Do đó, Bộ Giao thông vận tải đưa ra giải pháp giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục để khai thác mỏ, tập trung nguồn lực thi công, tháo gỡ về chuyển đổi đất rừng, đất lúa, xác định giá vật liệu để làm cơ sở thanh toán cho các nhà thầu...

Đại biểu đề xuất "nới" tỉ lệ vốn nhà nước lên 80% với dự án giao thông PPPĐại biểu đề xuất 'nới' tỉ lệ vốn nhà nước lên 80% với dự án giao thông PPP

Nhiều đại biểu Quốc hội trong phát biểu và tranh luận đã đề xuất "nới" tỉ lệ vốn nhà nước lên 80% thay vì 70% như Chính phủ đề xuất với dự án giao thông PPP.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên