04/09/2021 14:39 GMT+7

Dạy học trực tuyến và nỗi lo rớt mạng, chập chờn

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Năm học mới, các trường phổ thông ở TP.HCM dạy học trực tuyến với nhiều phần mềm khác nhau. Ngoài nỗi lo về máy tính, còn có một nỗi lo khác thường trực là 'bị out' (rớt mạng) khi học trực tuyến.

Dạy học trực tuyến và nỗi lo rớt mạng, chập chờn - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM) sinh hoạt online đầu năm - Ảnh: T. H.

Hơn 1.900 học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM) sẽ học phần mềm K12 Online. 

Cô Nguyễn Thị Hồng Chương - hiệu trưởng - chia sẻ: "Trường chọn 1 trong 8 hệ thống dạy học trực tuyến mà Sở Giáo dục và đào tạo đã thẩm định là K12 Online. Tuy nhiên hôm qua ban giám hiệu sinh hoạt với giáo viên chủ nhiệm thì bị out khỏi hệ thống. 

Có thể do nhiều nguyên nhân, như do mạng yếu, máy không tốt. Trường đã liên lạc với nhà mạng để khắc phục. Biết là dạy học trực tuyến bước đầu sẽ rất khó khăn nhưng cứ làm và từ từ khắc phục".

Hiệu trưởng một trường THCS ở quận Tân Bình cho biết, sau khi đồng bộ cơ sở dữ liệu của Sở Giáo dục và đào tạo, trường sẽ tích hợp phần mềm dạy LMS (chương trình trung tâm công nghệ thông tin của sở). Còn đầu năm học mới, trường chọn phần mềm K12 Online. Năm học trước, học sinh học thông qua Google Meet. 

"Trường cũng linh hoạt, cái nào tối ưu trường sẽ dùng. Còn đương nhiên không thể tốt 100% vì sẽ có khi rớt mạng, chập chờn. Ban đầu triển khai dạy học trực tuyến khó khăn rất nhiều, nên giải pháp là vừa làm vừa điều chỉnh" - vị hiệu trưởng nói. 

Trong khi đó, gần 1.200 học sinh của Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (quận 7) học trực tuyến qua phần mềm Zoom. 

Thầy Tô Thanh Liêm - hiệu trưởng nhà trường - cho biết trường dự định mua phần mềm khoảng 30 triệu đồng nhưng chưa có kinh phí. 

"Khi mua thì sẽ ổn hơn bản miễn phí. Trước mắt, trường chia giờ ra theo các khối. Thời lượng, giờ học giữa các lớp trong khối không trùng nhau, cho mạng nhẹ nhàng. Nhưng tôi nghĩ khi thành phố học đồng loạt sẽ nghẽn mạng, chưa kể điều kiện máy móc thiết bị mỗi em khác nhau. Mình chưa có tiền lệ nào như năm học này, nên vướng đến đâu thì giải quyết đến đó, làm xong mình sẽ rút kinh nghiệm" - thầy Liêm thông tin.

Năm học 2021-2022, TP.HCM có 2.366 trường gồm 1.374 trường mầm non, 507 trường tiểu học, THCS 283 trường, THPT 202 trường. Trừ bậc mầm non không học trực tuyến, còn lại tất cả các trường học online bằng một trong tám phần mềm Sở Giáo dục và đào tạo đã thẩm định.

Học sinh TP.HCM sẽ học trực tuyến như thế nào? Học sinh TP.HCM sẽ học trực tuyến như thế nào?

TTO - Giáo viên sẽ cung cấp học liệu cho học sinh để có thể học trực tuyến hoặc không học trực tuyến; Chương trình dạy học thực hiện theo hướng tinh giản; Kết hợp việc đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết để đánh giá học sinh...

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên