19/10/2023 09:31 GMT+7

Đề án nền công vụ TP.HCM: Cơ chế nào ngăn những thủ tục lòng vòng?

Cần có cơ chế buộc người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trong việc thực hiện công tác phối hợp với các đơn vị để giải quyết hồ sơ nhanh nhất cho người dân và doanh nghiệp. Điều này cần đưa vào dự thảo đề án nền công vụ TP.HCM.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại UBND quận Bình Thạnh, TP.HCM (ảnh chụp vào chiều 17-10) - Ảnh: HỮU HẠNH

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại UBND quận Bình Thạnh, TP.HCM (ảnh chụp vào chiều 17-10) - Ảnh: HỮU HẠNH

Đây là ý kiến của bạn đọc Nguyễn Nhật Khanh, giảng viên khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, góp ý cho dự thảo đề án nền công vụ mới của TP.HCM.

Có quy chế phối hợp nhưng triển khai kém hiệu quả

Tại hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 23 (ngày 10-10), Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên phát biểu rằng "công tác phối hợp công việc giữa các sở ngành, giữa sở và quận huyện còn chậm trễ, lòng vòng, mất cơ hội cho người dân, doanh nghiệp".

Hiện nay, hệ thống cơ quan hành chính tại địa phương được thiết lập thành hai hệ thống cơ quan để thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương: các cơ quan hành chính và các cơ quan chuyên môn có chức năng, tham mưu giúp việc cho UBND cùng cấp trong phạm vi ngành, lĩnh vực phụ trách. Thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước phát sinh nhiều vấn đề phức tạp đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các cơ quan này với nhau mới có thể xử lý một cách hiệu quả.

Chẳng hạn đối với quản lý nhà nước về xây dựng, UBND TP giao cho Sở Xây dựng phụ trách quản lý chính song cơ quan này phải phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường (phụ trách mảng đất đai) và Sở Quy hoạch - Kiến trúc (phụ trách công tác quy hoạch) để triển khai thực hiện. Khi công trình xây dựng được thi công tại một địa phương đòi hỏi phải có sự kết hợp của các sở nêu trên với chính quyền địa phương. Thực tiễn này đặt ra nhu cầu cần phải xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan hành chính trong việc thực hiện hoạt động quản lý nhà nước tại địa phương.

Tháng 7-2022, UBND TP.HCM đã ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành thuộc UBND TP, UBND TP Thủ Đức, UBND quận - huyện trong công tác tham mưu và triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Thế nhưng thực tế hiện nay, việc phối hợp vẫn rất chậm trễ, gây khó người dân và doanh nghiệp.

Vì sao phối hợp chậm trễ lòng vòng?

Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên nằm ở góc độ triển khai thực hiện, đặc biệt là việc xác định cơ chế chịu trách nhiệm trên thực tế của các cơ quan, người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện công tác phối hợp.

Thứ nhất, các cơ quan có liên quan chưa thực hiện tốt công tác phối hợp theo nội dung của quy chế. Nội dung quy chế phối hợp đã phân định tương đối rõ ràng trách nhiệm của cơ quan chịu trách nhiệm chính và các cơ quan có trách nhiệm phối hợp, nhưng thực tế các cơ quan này chưa làm tốt trách nhiệm phối hợp hoặc phối hợp theo kiểu cho có, hình thức nên nhiều vấn đề không tìm ra được hướng giải quyết.

Việc phối hợp của các cơ quan chức năng còn lòng vòng, khi lấy ý kiến bằng văn bản thì trả lời chung chung nên cơ quan tiếp nhận không biết phải áp dụng như thế nào. Điều này cho thấy các cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đúng nguyên tắc phối hợp được nêu trong quy chế đó là: "Các cơ quan, đơn vị phối hợp chịu trách nhiệm trả lời đầy đủ, có chính kiến đối với các nội dung theo yêu cầu của cơ quan, đơn vị chủ trì".

Thứ hai, việc xử lý trách nhiệm đối với các sai phạm liên quan tới việc thực hiện quy chế phối hợp chưa được thực hiện nghiêm túc. Tại sao vẫn còn tình trạng phối hợp chậm trễ, lòng vòng? Tôi cho rằng thời gian qua UBND TP, chủ tịch UBND TP chưa thật sự quyết liệt trong việc xử lý trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân thực hiện không đúng quy chế phối hợp. Từ đó mới dẫn tới tình trạng né tránh, đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm.

Giám sát trách nhiệm người đứng đầu

Để giải quyết bài toán này cần thiết phải có sự quyết tâm của các cơ quan cấp trên. Việc quản lý nhà nước về xây dựng tại TP là một ví dụ. Trước năm 2019, các vi phạm về trật tự xây dựng (xây dựng công trình không phép, sai phép) tại TP.HCM luôn ở mức cao (hàng nghìn vụ vi phạm được xử lý mỗi năm). Thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như sức ép về nơi ở, ý thức một bộ phận người dân còn hạn chế... Thế nhưng nguyên nhân chính là sự buông lỏng quản lý của các cơ quan nhà nước.

Tháng 7-2019, Ban thường vụ Thành ủy đã ban hành chỉ thị số 23 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Sau đó, số lượng vi phạm hành chính về trật tự xây dựng liên quan đến hành vi xây dựng công trình sai phép, không phép đã có sự giảm thiểu đáng kể ở tất cả các quận, huyện.

Có được kết quả này do có cơ chế đã xác định rất rõ ràng cơ chế chịu trách nhiệm của các cơ quan, người đứng đầu trong công tác quản lý trật tự xây dựng.

Để thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong thời gian tới, cần phát huy vai trò lãnh đạo qua việc ban hành chỉ thị tương tự chỉ thị số 23. UBND và chủ tịch UBND TP cần bám sát nội dung của quy chế phối hợp để chủ động theo dõi, kiểm tra, giám sát và xử lý trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị (nếu thực hiện không hiệu quả các nội dung của quy chế phối hợp).

Cạnh tranh dịch vụ hành chính, được không?Cạnh tranh dịch vụ hành chính, được không?

UBND TP.HCM vừa giao Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM xây dựng dự thảo đề án nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên