23/06/2019 21:56 GMT+7

Đề thi không nặng về ghi nhớ số liệu, sự kiện

NGỌC HÀ - VĨNH HÀ
NGỌC HÀ - VĨNH HÀ

TTO - Đề thi năm nay sẽ tiếp tục xây dựng theo định hướng đánh giá năng lực, có tính ứng dụng thực tiễn, không nặng ghi nhớ các số liệu, sự kiện…

Đề thi không nặng về ghi nhớ số liệu, sự kiện - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tại tỉnh Phú Thọ - Ảnh: Bộ GD-ĐT

Bắt đầu từ chiều 24-6, thí sinh sẽ tiến hành làm thủ tục dự thi trước khi bước vào các buổi thi chính thức của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Tuy vậy hiện đề thi, các biện pháp đảm bảo khách quan, an toàn cho kỳ thi đang là điều thí sinh và dư luận cả nước quan tâm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT - cho biết:

- Đề thi THPT quốc gia 2019 sẽ tiếp tục xây dựng theo định hướng đánh giá năng lực, có tính ứng dụng thực tiễn, không nặng ghi nhớ các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.

Đề sẽ có nhóm các câu hỏi ở mức cơ bản phục vụ mục đích xét tốt nghiệp THPT và có các câu hỏi nhằm phân hóa kết quả thi, hỗ trợ việc tuyển sinh ĐH, CĐ. Câu hỏi trong đề thi sẽ sắp xếp theo độ khó tăng dần để giúp thí sinh thuận lợi khi làm bài.

Công an, viện kiểm sát thẩm định cán bộ làm thi

* Theo những gì Bộ GD-ĐT đã công bố, đề thi năm 2019 được dự đoán sẽ dễ hơn so với đề thi 2018. Ông xác nhận gì về ý kiến này để thí sinh thực sự yên tâm, không phải quá mất sức lo lắng khi kỳ thi đã cận kề?

Đề thi không nặng về ghi nhớ số liệu, sự kiện - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ - Ảnh: Bộ GD-ĐT

- Cùng với việc nắm vững kiến thức đã học - chủ yếu trong chương trình lớp 12 - thí sinh chuẩn bị để có sức khỏe tốt, tâm lý vững vàng, tôi tin các em sẽ hoàn thành tốt bài thi. Đề thi sẽ có câu hỏi mở, có tính ứng dụng thực tiễn, nên nếu thí sinh nắm vững kiến thức cơ bản, biết hệ thống kiến thức theo các vấn đề, chủ đề thì sẽ làm được các câu hỏi này.

Để có kết quả thi tốt, thí sinh cũng phải quan tâm đến các quy định liên quan tới trách nhiệm của mình, tuyệt đối không mang vào phòng thi những dụng cụ không được phép, nhất là điện thoại di động, nắm rõ quy chế thi, thành thạo kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm. Có ý thức nghiêm túc ngay từ đầu, các em cũng sẽ giữ được tâm lý bình tĩnh, ổn định để làm bài thi tốt.

* Với một kỳ thi lớn có sự tham gia của hàng triệu người, lại sau sự cố gian lận thi 2018, việc chuẩn bị cho kỳ thi năm nay của bộ có gì đặc biệt?

- Bộ GD-ĐT đã sớm xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức kỳ thi, thành lập Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia. Từ đầu tháng 5-2019, Bộ thành lập 8 đoàn kiểm tra trực tiếp đến các địa phương để nắm bắt tình hình và kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, khó khăn của các hội đồng thi trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Đến nay, 63 tỉnh, thành cũng đã thành lập ban chỉ đạo thi cấp tỉnh do phó chủ tịch hoặc chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Một số nơi còn thành lập ban chỉ đạo thi cấp huyện để chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi.

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị Ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành phải lưu ý đến các phương án đảm bảo an toàn, an ninh cho khu vực thi, nơi bảo quản đề thi, phương án vận chuyển đề thi, hỗ trợ thí sinh và cán bộ làm nhiệm vụ thi ở vùng khó khăn. Đặc biệt, phải có phương án dự phòng đối phó với tình trạng thiên tai bất ngờ, các tình huống thí sinh, cán bộ bị ốm trong khi kỳ thi đang diễn ra.

Đề thi không nặng về ghi nhớ số liệu, sự kiện - Ảnh 3.

Cán bộ, giảng viên Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) tập huấn coi thi THPT quốc gia 2019 - Ảnh: NHƯ HÙNG

* Ông đánh giá như thế nào khi trực tiếp đi kiểm tra các địa phương từng là "điểm nóng" trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018?

- Tại ba tỉnh từng xảy ra gian lận năm 2018 là Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, tôi trực tiếp dẫn đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT để nắm bắt tình hình và có những khuyến cáo, hỗ trợ kịp thời để tránh xảy ra những sai sót đáng tiếc, ảnh hưởng đến sự an toàn, nghiêm túc, công bằng chung của cả kỳ thi.

Các tỉnh đều báo cáo công tác lựa chọn và bố trí nhân sự tham gia làm thi THPT quốc gia năm 2019 được thực hiện rất thận trọng. 

Ví dụ như tại Hà Giang, Công an tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cũng tham gia thẩm định nhân thân cán bộ làm thi. Qua nhiều vòng lựa chọn từ cấp trường đến cấp sở, viện kiểm sát, công an, chủ tịch UBND tỉnh, sau đó lại mời đại diện các ngành chức năng liên quan lên thẩm tra lần cuối mới quyết định lựa chọn, bố trí nhân sự vào các vị trí.

Tại Sơn La, tất cả cán bộ tham gia làm thi cũng đều phải qua vòng thẩm định nhân thân của công an, những ai đảm bảo được các yêu cầu về phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn mới được lựa chọn…

Chúng ta mong muốn kỳ thi THPT quốc gia diễn ra nghiêm túc nhưng không căng thẳng. Điều này chỉ có thể thành hiện thực khi mỗi địa phương đều làm tốt được công tác chuẩn bị, kiểm soát tình hình và xử lý đúng các tình huống xảy ra.

Đề thi không nặng về ghi nhớ số liệu, sự kiện - Ảnh 4.

Cô trò lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4, TP.HCM) ôn thi trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Xử lý việc tung tin thất thiệt

* Kỳ thi đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là các giải pháp phòng chống gian lận thi cử. Theo ông, với những nỗ lực như thế, có thể yên tâm sẽ có một kỳ thi nghiêm túc?

- Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 5 đã yêu cầu các địa phương phải chủ động và phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân về chất lượng và đảm bảo tổ chức an toàn tuyệt đối kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã có công điện gửi đến chủ tịch UBND các tỉnh, thành đề nghị tập trung quan tâm chỉ đạo sát sao công tác thi THPT quốc gia năm 2019. Các địa phương đều phải rà soát kỹ lưỡng điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác chấm thi - nhất là chấm thi trắc nghiệm.

Riêng công tác coi thi phải chuẩn bị chu đáo, toàn diện, chú trọng đặc biệt đến các điểm thi ở vùng sâu, vùng xa, các điểm thi đặt tại trường trung học cơ sở, trung tâm giáo dục thường xuyên, điểm thi sát khu dân cư, cơ quan, nhà máy, công xưởng… có thể gây khó khăn cho công tác bảo vệ điểm thi.

Ngành giáo dục sẽ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của ngành công an để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các thiết bị, vật dụng trái phép mang vào phòng thi, nhất là các thiết bị công nghệ cao sử dụng vào mục đích gian lận. Đây là kỳ thi cùng lúc được diễn ra trên phạm vi rộng của toàn quốc, được dư luận đặc biệt quan tâm nên hai bên còn phối hợp chặt chẽ để xử lý kịp thời mọi hành vi tiêu cực hoặc tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, góp phần đảm bảo kỷ cương và công bằng trong kỳ thi.

* Các địa phương có gặp khó khăn gì trước những yêu cầu mới của kỳ thi năm nay nhằm tăng cường an ninh, phòng chống tiêu cực?

- Những điểm mới nhằm ngăn ngừa tiêu cực trong kỳ thi năm nay như sắp xếp thí sinh tự do, thí sinh giáo dục thường xuyên thi chung với thí sinh THPT, việc lắp camera tại nơi giữ bài thi, đề thi, giao cho trường ĐH chủ trì chấm thi…đều cơ bản được các tỉnh, thành triển khai thực hiện đúng quy định. Có một số địa phương còn khó khăn trong việc chuẩn bị hoặc có phương án tổ chức chưa tối ưu, Bộ GD-ĐT đã hỗ trợ, điều chỉnh, hướng dẫn cụ thể.

Mỗi điểm thi có đặc điểm về cơ sở vật chất, khoảng cách với nhà dân, độ cao tường rào, cách bố trí các phòng thi… khác nhau. Do đó, không thể dùng một công thức chung cho tất cả điểm thi, mà phải căn cứ vào tình hình thực tiễn để kế hoạch phù hợp, khả thi.

Bộ đã yêu cầu các ban chỉ đạo thi cần phải đi thực địa, làm việc trước với điểm thi để biết cách bố trí phòng thi, điều kiện thực tế của nơi đó ra sao, từ đó mới đưa ra kế hoạch bố trí nhân sự giám sát, công an, các phương án tổ chức hiệu quả.

"Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo triển khai công tác đề thi chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc quy trình in sao đề thi để đảm bảo đủ số lượng đề thi với chất lượng tốt nhất, tuyệt đối không để xảy ra sai sót; đảm bảo tuyệt đối an toàn, bảo mật trong các khâu in sao, sử dụng đề thi cũng như trong quá trình vận chuyển, lưu giữ đề thi, bài thi" (Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ)

20.000 người phục vụ kỳ thi THPT quốc gia ở Hà Nội 20.000 người phục vụ kỳ thi THPT quốc gia ở Hà Nội

TTO - Hà Nội là một trong những địa phương có đông thí sinh nhất trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay: trên 74.000 thí sinh, với 125 điểm thi, 3.119 phòng thi.

NGỌC HÀ - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên