05/01/2024 10:59 GMT+7

Để tín hiệu vui về du lịch không 'vụt sáng, vụt tắt'

Hoạt động du lịch mở màn đầu năm bằng những tín hiệu rất tích cực: trong ba ngày nghỉ lễ, cả nước đã phục vụ khoảng 3,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Du khách nước ngoài tham quan thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cuối năm 2023 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Du khách nước ngoài tham quan thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cuối năm 2023 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, các chỉ tiêu phục vụ khách và tổng thu từ khách du lịch tại các tỉnh, TP không chỉ tương đương so với cùng kỳ năm trước, mà tại một số địa bàn du lịch trọng điểm còn tăng khá.

Đây chính là sự khởi động thắp sáng cho mục tiêu đón từ 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế của toàn ngành trong năm 2024, với hình ảnh du lịch Việt được nâng cao, định vị rõ nét hơn trên bản đồ thế giới.

Song bên cạnh niềm vui đầu năm, hành trình hồi phục của du lịch Việt Nam vẫn còn đó những thách thức về "khoảng trống" của chính sách, năng lực thực thi cũng như sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa.

Trước hết, sức bật của ngành du lịch trong năm qua có được chính là nhờ những thay đổi về chính sách visa theo hướng thông thoáng hơn.

Sự cởi mở này đã mang lại cơ hội vàng cho du lịch Việt Nam khi năm tháng liên tiếp của năm 2023 số lượng khách quốc tế mỗi tháng đến đạt trên 1 triệu người.

Khảo sát của Vietnam Report cho thấy 92,9% doanh nghiệp coi chính sách visa mới là "đòn bẩy" giúp du lịch nước nhà tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.

Tuy nhiên để điểm đến Việt Nam hấp dẫn, có thể kéo hàng triệu du khách đến khám phá trong năm mới, vẫn cần tăng số lượng quốc gia được miễn visa và thủ tục nhập cảnh thuận lợi hơn.

Dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) cho thấy hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng với mức đã đạt được của năm 2019.

Các con số thống kê mới đây của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã chỉ ra nhiều thị trường quốc tế gửi khách đến Việt Nam đã hồi phục 100% so với trước dịch như thị trường Úc, Mỹ...

Như vậy, năm 2024 là dịp để các doanh nghiệp xem lại chiến lược phát triển, cần nghiên cứu những thị trường tiềm năng mới như Trung Đông, Ấn Độ...

Để phát triển du lịch trong năm mới, đặc biệt là với thị trường khách quốc tế, Việt Nam cần tính toán, xây dựng chiến lược xúc tiến, quảng bá, tái cấu trúc thị trường, định vị lại thương hiệu.

Khi du khách đã cân nhắc kỹ lưỡng về các chuyến đi, họ sẽ có xu hướng đi về chiều sâu, tìm hiểu, trải nghiệm sâu hơn về văn hóa, ẩm thực và đời sống của địa điểm du lịch đó.

Và du lịch Việt Nam muốn níu chân du khách lâu hơn, muốn tăng tỉ lệ quay lại của khách không cách nào khác là phải hiểu các lợi thế về di sản văn hóa phong phú, ẩm thực hấp dẫn, vẻ đẹp thiên nhiên của mình để xây dựng thành điểm đến năng động, chất lượng.

Hiện Chính phủ Việt Nam đã triển khai một số dự án nhằm thúc đẩy du lịch văn hóa, tăng doanh thu từ du lịch văn hóa lên 20 - 25% tổng doanh thu du lịch vào năm 2030.

Với tiềm năng và tài nguyên sẵn có, du lịch Việt Nam xứng đáng đón được nhiều khách đến hơn, tăng tỉ lệ đóng góp vào nền kinh tế.

Tận dụng sự hứng khởi có được ngay đầu năm mới, hình ảnh du lịch Việt Nam đang được nâng cao và nếu có thể gây ấn tượng với du khách từ bây giờ, chúng ta sẽ nắm lợi thế trong tương lai.

Festival hoa kiểng Sa Đéc rộn ràng hút kháchFestival hoa kiểng Sa Đéc rộn ràng hút khách

Festival hoa kiểng Sa Đéc lần thứ nhất, năm 2023 đã diễn ra tốt đẹp với nhiều hoạt động sôi nổi. Du khách khắp nơi tìm về tham quan rộn ràng kéo dài từ những ngày cuối năm 2023 đến nay với nhiều hoạt động thu hút.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên