16/06/2023 16:48 GMT+7

Đề xuất Bộ Công an cho ngân hàng khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư

Trong buổi hội thảo "Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh thúc đẩy phát triển xã hội" chiều 16-6 diễn ra cuộc đối thoại "Làm gì để chuẩn hóa, kết nối, khai thác dữ liệu để hướng đến quốc gia không tiền mặt?".

Đề xuất Bộ Công an cho ngân hàng khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư - Ảnh 1.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (bên trái) điều phối thảo luận - Ảnh: T.T.D.

Hội thảo do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước) phối hợp báo Tuổi Trẻ và các đơn vị liên quan tổ chức vào chiều nay 16-6.

Tham gia thảo luận "Làm gì để chuẩn hóa, kết nối, khai thác dữ liệu để hướng đến quốc gia không tiền mặt?" có ông Phạm Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước; ông Phạm Quang Toàn, cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế; đại tá, tiến sĩ Vũ Văn Tấn, phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an; ông Nguyễn Quốc Dũng - trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam, điều phối chương trình.

Ứng dụng dữ liệu dân cư vào hoạt động nghiệp vụ ngân hàng: góp phần làm sạch dữ liệu

Đề xuất Bộ Công an cho ngân hàng khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư - Ảnh 2.

Ông Phạm Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước - Ảnh: T.T.D.

Ngày 24-4-2023, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an đã ký kế hoạch phối hợp thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030), hay còn gọi là Đề án 06.

Trên cơ sở phối hợp này, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đến các đơn vị với mục tiêu khai thác hiệu quả, làm sạch được dữ liệu của ngành ngân hàng.

Ông Phạm Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, đánh giá hợp tác này đem lại nhiều giá trị gia tăng cho ngành ngân hàng, thông qua khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngân hàng có thể hạn chế đến mức tối đa các thực trạng về tài khoản ảo, ngăn ngừa tội phạm gian lận hồ sơ giấy tờ, mở tài khoản mạo danh hoặc lừa đảo khách hàng.

Từ khi triển khai, tiến độ thực hiện của các tổ chức tín dụng rất quyết liệt vì ai cũng đều nhận thấy hợp tác này mang lại hiệu quả to lớn cho ngành ngân hàng.

Đến nay, đã có nhiều tổ chức tín dụng chủ động làm việc với C06 để ký kết các hợp tác, nhằm làm sạch cơ sở dữ liệu của các tổ chức tín dụng. Theo đó, làm sạch 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia. Hiện đang tiếp tục rà soát làm sạch 26 triệu hồ sơ khách hàng

Tuy nhiên, ông Phạm Anh Tuấn cũng cho rằng hợp tác này vẫn gặp một số khó khăn trong việc chia sẻ hai chiều giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu của các tổ chức.

"Chúng tôi hy vọng và chúng tôi mong muốn và trong kế hoạch Bộ Công an cử ra một đầu mối để phối hợp với Ngân hàng Nhà nước cho phép khai thác các dữ liệu quốc gia về dân cư để cập nhật vào cơ sở dữ liệu của các tổ chức tín dụng.

Bộ Công an cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để các tổ chức tín dụng có thể kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sử dụng dịch vụ xác thực, định danh điện tử phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng, có kế hoạch cho phép các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thử nghiệm kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng.

Bên cạnh đó, để tổ chức triển khai làm sạch cơ sở dữ liệu tài khoản ngân hàng, đảm bảo an ninh an toàn hoạt động ngành ngân hàng, phòng, chống tội phạm cũng như thúc đẩy chuyển đổi số của ngành ngân hàng, Bộ Tài chính xem xét có chính sách hỗ trợ miễn, giảm phí khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho các tổ chức tín dụng.

"Dựa vào số chứng minh nhân dân 9 số sẽ xác định được số căn cước công dân 12 số. Ngân hàng mong muốn cập nhật căn cước công dân 12 số nhằm định danh lại được các khách hàng đã mở tại tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, do vướng hành lang pháp lý nên chưa thực hiện được", ông Phạm Anh Tuấn nói.

Cũng theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, việc cho phép tổ chức tín dụng kết nối trực tiếp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để các tổ chức tín dụng có nhiều thông tin, đưa quyết định đúng đắn tùy theo khẩu vị rủi ro của từng tổ chức tín dụng.

Đại tá, tiến sĩ Vũ Văn Tấn - phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), thư ký tổ công tác triển khai đề án 06 - Ảnh: T.T.D.

Đại tá, tiến sĩ Vũ Văn Tấn - phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), thư ký tổ công tác triển khai Đề án 06 - Ảnh: T.T.D.

Về việc tạo không gian mở trong dữ liệu dân cư, đại tá, tiến sĩ Vũ Văn Tấn, phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, cho biết Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện nay đã tạo được kho thông tin với 18 trường dữ liệu thông tin cơ bản; 104 triệu người dân Việt Nam hiện đã có mã định danh duy nhất; 81 triệu căn cước công dân tức dữ liệu sinh trắc…

Những dữ liệu quốc gia hiện có được xem là bộ dữ liệu gốc. Từ dữ liệu gốc này đã giúp làm "sạch" được 85% dữ liệu cho ngành bảo hiểm, từ đó ngành đã có thể dùng mã định danh thay mã bảo hiểm.

Dữ liệu gốc cũng đã giúp làm "sạch" dữ liệu thông tin thuê bao di động cho các nhà mạng khoảng 80%. Dữ liệu gốc cũng đã làm sạch 21/25 triệu dữ liệu cho ngành ngân hàng… Từ đó tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia các giao dịch trực tuyến, đặc biệt là giao dịch không tiền mặt.

Tuy nhiên, ông Tấn cũng cho rằng vấn đề khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay trong việc liên thông dữ liệu giữa các bộ ngành với bộ dữ liệu gốc của quốc gia là yêu cầu các đơn vị phải đồng bộ, có hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo tiêu chuẩn an ninh bảo mật. Khi đó mới có thể kết nối vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cần thêm nhiều "dữ liệu sống"

Đề xuất Bộ Công an cho ngân hàng khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư - Ảnh 5.

Ông Phạm Quang Toàn, cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế - Ảnh: T.T.D.

Ông Phạm Quang Toàn - cục trưởng Cục công nghệ thông tin, Tổng cục thuế - chia sẻ đơn vị có chức năng, nghiệp vụ kết nối trao đổi thông tin với các bộ ngành khác nhau, càng có nhiều thông tin thì mới quản lý tốt.

Cơ quan thuế đang tiến đến mục tiêu sử dụng căn cước công dân để làm mã số thuế. Ngoài ra kết nối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông… trong việc kết nối dữ liệu.

Ông Toàn cho biết cơ quan thuế đang quản lý việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thông qua hóa đơn. 

Nếu như trước đây cơ quan thuế chỉ nắm được một số tài khoản do doanh nghiệp kê khai, thì trong vòng 1-2 năm trở lại đây các ngân hàng thương mại đã chia sẻ thông tin với cơ quan thuế. 

Hiện có khoảng 100 triệu tài khoản ngân hàng được ngân hàng chuyển cho cơ quan thuế hằng tháng. Điều này giúp cơ quan thuế quản lý tốt hơn, đặc biệt đối với doanh nghiệp vi phạm.

Dù vậy, ông Toàn cũng chia sẻ một bất cập nổi bật. Cụ thể, mặc dù theo quy định, các thông tin liên quan đến giao dịch tài khoản, ngân hàng phải gửi cho cơ quan thuế khi có yêu cầu. Tuy nhiên, trao đổi này giữa ngân hàng thương mại và cơ quan thuế vẫn còn thủ công, hai bên gửi qua lại bằng văn bản, tốn thời gian và nguồn lực.

Vì vậy, đại diện thuộc Tổng cục Thuế kiến nghị trong bối cảnh dòng tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại, thương mại điện tử phát triển, rất cần Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, để khi cơ quan thuế có yêu cầu thì sẽ gửi tự động, theo quy định pháp luật. Như vậy giảm được chi phí, đồng thời đỡ phải trải qua các thủ tục rườm rà, hay chờ đợi.

Ông Toàn cũng chia sẻ kho cơ sở dữ liệu ngành thuế là kho lớn nhất, quan trọng. Chẳng hạn, cơ quan thuế ở Úc sở hữu hơn 2.000 thông tin từ bộ ngành, tổ chức xã hội liên quan.

Tại Việt Nam, cơ quan thuế đang chia sẻ để hỗ trợ cho nhiều đơn vị, trong đó có Bảo hiểm xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan hải quan… Hiện cũng đang phối hợp với C06 để làm giàu dữ liệu.

Ông Toàn nhấn mạnh ngành thuế có kho dữ liệu nhiều, cập nhật thường xuyên - dữ liệu "sống", hạ tầng kỹ thuật tốt. Thông tin về thuế là bảo mật, theo quy định pháp luật. Cần hành lang pháp lý cho phép mới có thể phối hợp để sử dụng dữ liệu của nhiều cơ quan khác cho các nhu cầu của đơn vị.

Kết nối dữ liệu, thanh toán điện tử: EVN tiết kiệm 2.900 tỉ đồng mỗi năm

Đề xuất Bộ Công an cho ngân hàng khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, trưởng ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Ảnh: T.T.D.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, trưởng ban kinh doanh (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), cho hay từ năm 2019 đến nay, triển khai cơ sở dữ liệu, việc cung cấp dịch vụ của EVN thuận lợi hơn rất nhiều, hoàn toàn trên hệ thống điện tử. Người dân đăng ký hợp đồng sử dụng điện, thanh toán hóa đơn tiền điện… trên hệ thống điện tử. 

Trong khi đó, trước đây để phát hành hóa đơn tiền điện, EVN phải nhập chỉ số công tơ, in hóa đơn và thu tiền đều bằng phương thức thủ công.

"Khi kết nối dữ liệu, thanh toán điện tử đã giúp EVN tiết kiệm được 2.700 tỉ đồng/năm. Đây là con số rất lớn giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh EVN" - ông Dũng chia sẻ.

TP.HCM hướng đến dẫn đầu thanh toán không tiền mặt cả nước TP.HCM hướng đến dẫn đầu thanh toán không tiền mặt cả nước

Hội thảo Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh thúc đẩy phát triển xã hội do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước) phối hợp với báo Tuổi Trẻ và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức diễn ra chiều ngày 16-6.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0