26/08/2020 08:18 GMT+7

Đề xuất giảm thời hạn giấy phép lái xe còn 5 năm: Để quản lý tốt hơn sức khỏe lái xe?

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TTO - Ngày 25-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Nguyễn Văn Trung - cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) - cho biết đề xuất trên được đưa ra tại dự thảo lần 4 và lần 5 Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ để lấy ý kiến người dân.

Đề xuất giảm thời hạn giấy phép lái xe còn 5 năm: Để quản lý tốt hơn sức khỏe lái xe? - Ảnh 1.

Chuyên gia đề nghị nghiên cứu kỹ khi lùi thời hạn giấy phép lái xe từ 10 xuống còn 5 năm. Trong ảnh: thi lái trên sa hình tại một trung tâm sát hạch lái xe ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Cụ thể, tại khoản 9, điều 46 dự thảo Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ về thời hạn giấy phép lái xe (GPLX) quy định: GPLX các hạng A1, A2, A3 không có thời hạn. 

GPLX hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp. Đây là nội dung mới được bổ sung trong dự thảo, những lần lấy ý kiến trước dự thảo không có nội dung này.

Theo quy định hiện nay, bằng lái B1, B2 cấp cho tài xế ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi, ôtô tải, máy kéo trọng tải dưới 3.500kg có thời hạn 10 năm. Còn theo đề xuất của Bộ Công an, GPLX hạng B sẽ rút thời hạn xuống còn 5 năm. 

Các loại giấy phép lái xe hạng C gồm ôtô tải, máy kéo trên 3,5 tấn; hạng D1 gồm ôtô chở người từ 10 chỗ đến 30 chỗ; hạng D ôtô trên 30 chỗ; hạng BE, CE, D1E, DE xe đầu kéo, container giữ nguyên thời hạn 5 năm như hiện nay.

Theo ông Trung, mục đích của đề xuất rút ngắn thời hạn bằng lái xe là để quản lý tốt hơn sức khỏe của tài xế. 

"Trong thời gian 5 năm có những người sức khỏe vẫn tốt nhưng cũng có những người sức khỏe xấu đi không đảm bảo việc cầm lái, vì thế cần rút ngắn lại thời hạn đối với GPLX để quản lý tốt hơn. 

Tuy nhiên, đây là đề xuất được đưa ra để lấy ý kiến người dân, cơ quan chuyên môn và chuyên gia. Cơ quan soạn thảo sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp để sửa đổi cho phù hợp", ông Trung nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Quyền - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - cho rằng thời hạn 5 năm chỉ nên áp dụng với một số hạng giấy phép lái xe, còn lại nên theo quy định như hiện nay: các hạng B1 và B2 có thời hạn là 10 năm. 

Theo ông Quyền, việc rút thời hạn giấy phép lái xe xuống còn 5 năm "gây lãng phí không cần thiết và phiền hà cho người dân". 

"Nếu muốn rút thời hạn giấy phép lái xe thì cơ quan quản lý nhà nước cũng cần nghiên cứu kỹ, có thể chia ra độ tuổi của lái xe, bởi với người còn trẻ, sức khỏe ổn định mà rút thời hạn xuống 5 năm sẽ gây lãng phí, tốn kém và không cần thiết", ông Quyền phân tích.

Trong khi đó, dự thảo Luật giao thông đường bộ sửa đổi đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến lại đề xuất giữ nguyên thời hạn giấy phép lái xe như hiện nay.

Quy định về thời hạn của giấy phép lái xe theo điều 17 thông tư 12/2017 của Bộ GTVT:

* Giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 không có thời hạn. Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp.

* Giấy phép lái xe hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp. Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.

Bộ Công an đề xuất rút thời hạn giấy phép lái xe còn 5 năm: Có lãng phí và phiền hà? Bộ Công an đề xuất rút thời hạn giấy phép lái xe còn 5 năm: Có lãng phí và phiền hà?

TTO - Bộ Công an đề xuất rút giấy phép lái xe của một số hạng xuống còn 5 năm thay vì thời hạn 10 năm như hiện nay.

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên