09/09/2010 07:40 GMT+7

Đề xuất hai phương án lập quỹ bảo trì đường bộ: Chưa thu tiền dân

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TT - Người dân chưa phải đóng góp cho quỹ bảo trì đường bộ (BTĐB) thông qua giá xăng (đối với xe dùng xăng) hay theo đầu phương tiện, kilômet xe chạy (xe dùng diesel) trong 5-10 năm tới sau khi lập quỹ, hoặc quỹ này chỉ được thành lập trong thời gian tới sau khi xóa bỏ xong các trạm thu phí.

Đó là hai phương án xây dựng quỹ BTĐB vừa được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xin ý kiến Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết ngày 8-9.

seEQpSw1.jpgPhóng to
Theo đề xuất của Bộ GTVT, người dân chưa phải đóng quỹ bảo trì đường bộ thông qua giá xăng, dầu và sẽ chỉ thu trong vòng 5-10 năm tới sau khi xóa bỏ các trạm thu phí - Ảnh: T.T.D.

Phương án thứ nhất đề xuất thành lập ngay quỹ BTĐB ở trung ương và các tỉnh thành. Nguồn thu quỹ ở giai đoạn 1 dựa trên ngân sách nhà nước và nguồn phí sử dụng đường bộ (thu qua trạm thu phí), đồng thời đề nghị cho chuyển toàn bộ nguồn phí xăng dầu hiện nay (đang thu nộp ngân sách) bổ sung cho quỹ BTĐB.

Giai đoạn 2 (5-10 năm sau khi lập quỹ), sau khi có thời gian và giải pháp xóa các trạm thu phí, sẽ đề nghị Thủ tướng cho phép thu qua xăng (đối với phương tiện dùng xăng) và thu trực tiếp theo đầu phương tiện, kilômet xe chạy (đối với phương tiện dùng diesel)...

Còn theo phương án hai, trường hợp không thể dành toàn bộ phí xăng dầu hiện nay cho quỹ BTĐB, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho lùi thời hạn hình thành quỹ (5-10 năm) đến khi xóa xong hệ thống trạm thu phí nhằm thực hiện thu phí bảo trì qua xăng và diesel.

Ông Hồ Nghĩa Dũng cho biết Bộ GTVT vẫn đang tiếp thu ý kiến cộng đồng để hoàn chỉnh đề án quỹ BTĐB, trong đó có nội dung xây dựng một lộ trình thích hợp để đề án đi vào cuộc sống mà không ảnh hưởng lớn tới các vấn đề khác của xã hội.

Theo Bộ GTVT, nhu cầu kinh phí cho bảo trì đường bộ một năm hiện nay khoảng 5.100 tỉ đồng (đối với quốc lộ) và 6.000 tỉ đồng đối với đường địa phương, nhưng thực tế kinh phí bảo trì chỉ đạt mức 50% nhu cầu đối với quốc lộ, còn với đường địa phương thấp hơn nhiều.

So với cách thu phí qua trạm thu phí hiện nay, phương thức thu mới sẽ tiết kiệm khoảng 15% số phí thu, tiết kiệm thời gian dừng xe, tránh ùn tắc và tiêu cực. Tuy nhiên, để thực hiện sẽ phải xóa bỏ các trạm thu phí để tránh phí trùng phí. Vì vậy Nhà nước phải chi khoảng 1.100 tỉ đồng để mua lại quyền thu phí của sáu trạm đã bán quyền thu phí, chi khoảng 100 tỉ đồng trả nợ vay đầu tư cho các trạm thu phí. Ngoài việc xử lý 29 trạm thu phí của Nhà nước và 26 trạm thu phí dự án BOT, còn cần giải quyết công ăn việc làm cho gần 2.900 lao động.

Trước đó, Tổng cục Đường bộ VN (đơn vị chủ trì đề án quỹ BTĐB) kiến nghị Bộ GTVT chọn phương án thu phí gây quỹ BTĐB qua giá xăng thông thường và thu trực tiếp từ đầu phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng diesel theo kilômet xe chạy. Với xe sử dụng diesel sẽ lắp thiết bị tính phí theo kilômet lưu hành; còn các loại môtô, xe máy, xe con, xe tải nhẹ, xe chở người sử dụng xăng sẽ thu qua giá xăng với mức đề xuất tính phí là 1.000 đồng/lít. Tuy nhiên, một số ý kiến (trong đó có Bộ Tài chính) đề nghị không thay đổi phương thức thu phí sử dụng đường bộ hiện nay sang thu qua xăng và trên đầu phương tiện như Tổng cục Đường bộ đề xuất.

* PGS.TS Phạm Xuân Mai (Trường đại học Bách khoa TP.HCM): “Hiện nay, ở VN một chiếc xe lưu thông trên đường đang chịu nhiều loại phí trong khi các cơ quan chức năng lại không xem đầy đủ, nên việc đặt thêm một loại phí bảo trì đường bộ là điều rất bất cập. Ở các nước người ta cũng tính toán bảo trì đường sá bằng các khoản thu khác chứ không thu phí trực tiếp từ xe. Vì vậy khi đặt ra loại phí này thu trực tiếp từ xe sẽ làm giá thành các loại sản phẩm tăng lên. Đến nay, Nhà nước vẫn chưa làm được nhiều đường đạt tiêu chuẩn, thậm chí còn để quá nhiều đường rất xấu gây hư hỏng xe.

Tôi cho rằng việc tổ chức thu phí cho tất cả các loại xe lưu thông trên đường sẽ là điều bất cập. Bởi vì xe gắn máy hoàn toàn không gây hư hỏng mặt đường và ôtô con chỉ tác động rất nhỏ đến đường giao thông. Theo tôi, các cơ quan thẩm quyền nhà nước cần nhìn xa trông rộng khi đặt ra các khoản thu phí để người dân cảm thấy những chi phí bỏ ra được đi trên đường tốt hơn”.

* Ông Hoàng Đức Hậu (Hội Cầu đường VN): “Tôi phản đối đề xuất lập thêm quỹ bảo trì đường bộ vì Nhà nước đã thu phí qua xăng dầu. Thực tế, việc thu phí qua xăng dầu cũng có điều không hợp lý, nhất là với người dân ở vùng cao và vùng nông thôn. Hiện nay nhiều tuyến đường ở miền núi và nông thôn rất xấu nên người đi xe phải gánh chịu thêm chi phí nhiên liệu xe mau hư hỏng. Việc tổ chức thu phí qua xăng dầu còn tương đối hợp lý so với việc thu phí trực tiếp từ người sử dụng xe”.

Không nên thu tiền bảo trì đường bộ thông qua xăng dầuXem xét lại phương án thu phí đường bộĐề xuất thu phí bảo trì đường bộ 1.000 đồng/lít xăngĐang cân nhắc phương án thu phí bảo trì đường bộ Kiến nghị thu phí bảo trì đường bộ qua giá xăng và đăng kiểm

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên