22/09/2023 15:46 GMT+7

Dẹp 'giấy phép con' để doanh nghiệp lớn mạnh

B.NGỌC
và 1 tác giả khác

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2019 đến nay cải cách môi trường đầu tư kinh doanh có dấu hiệu chững lại. Thậm chí một số bộ, ngành có xu hướng ban hành quy định để khôi phục những điều kiện kinh doanh (giấy phép con) từng bị bãi bỏ.

Trong thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM có nhiều thay đổi để rút ngắn thủ tục đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân.  Trong ảnh: người dân và doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP - Ảnh: Quang Định

Trong thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM có nhiều thay đổi để rút ngắn thủ tục đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân. Trong ảnh: người dân và doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP - Ảnh: Quang Định

Theo các chuyên gia, điều này cản trở quyền tự do kinh doanh và làm tăng chi phí "tuân thủ" của doanh nghiệp (DN) trong những năm gần đây.

Loạn "giấy phép con, cháu"

Kết quả rà soát điều kiện kinh doanh 15 lĩnh vực quản lý nhà nước trong năm 2023 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện cho thấy đang tồn tại nhiều điều kiện kinh doanh chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định.

Chẳng hạn, với ngành nghề kinh doanh rượu, nghị định 105 năm 2017 quy định một trong những điều kiện sản xuất rượu công nghiệp là phải có cán bộ kỹ thuật có trình độ, chuyên môn phù hợp với ngành, nghề sản xuất rượu. Tuy nhiên, luật hiện hành lại chưa quy định cụ thể về trình độ, chuyên môn của cán bộ kỹ thuật, dẫn đến những khó khăn cho DN khi đề nghị cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp.

Nhiều điều kiện kinh doanh còn lồng ghép, chứa đựng "giấy phép con", vì thế số lượng điều kiện kinh doanh có thể giảm về hình thức nhưng thực chất lại không giảm bởi được dẫn chiếu bằng nhiều quy định khác nhau.

Ví dụ như ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú phải thỏa các điều kiện: có đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật; phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ du khách.

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), các quy định dẫn chiếu như này khá phổ biến, đây là một hình thức điều kiện kinh doanh chứa đựng "giấy phép con", "giấy phép cháu". Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá "Hệ thống quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh hiện nay rất chằng chịt, đan xen, có phạm vi điều chỉnh rộng".

Bên cạnh đó, các bộ, ngành còn ban hành những điều kiện kinh doanh không cần thiết như: sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải có máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ phù hợp với loại thuốc bảo vệ thực vật được sản xuất; phải có đủ trang thiết bị để kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật do mình sản xuất ra hoặc có hợp đồng kiểm tra chất lượng với tổ chức được chỉ định kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật đối với mỗi lô sản phẩm xuất xưởng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những quy định trên là không cần thiết vì điều quan trọng với cơ quan quản lý nhà nước là quản lý chất lượng sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường bằng việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về sản phẩm. Cơ quan nhà nước không nên can thiệp vào quy trình hay công nghệ áp dụng của DN, trừ yêu cầu đối với công nghệ gây ô nhiễm.

Hơn nữa, việc bảo đảm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là trách nhiệm của DN. DN có thiết bị kiểm tra hay thuê tổ chức nào kiểm định là quyền lựa chọn của họ, không nhất thiết phải ký hợp đồng với tổ chức được chỉ định.

Một dạng "giấy phép con" khác khá phổ biến hiện nay là việc các bộ, ngành yêu cầu DN phải có quá nhiều chứng chỉ trong một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đơn cử riêng lĩnh vực hành nghề hoạt động xây dựng có tới 22 chứng chỉ, trong đó có hai chứng chỉ khảo sát xây dựng, 11 loại chứng chỉ về thiết kế xây dựng, bốn loại chứng chỉ về giám sát thi công xây dựng, ba loại chứng chỉ về quản lý đầu tư xây dựng công trình, chứng chỉ về định giá xây dựng, chứng chỉ về lập thiết kế quy hoạch xây dựng.

Các chứng chỉ hành nghề này chỉ có hiệu lực năm năm, sau đó phải thi, xét cấp lại. Theo phản ảnh của rất nhiều DN trong ngành, các quy định này không cần thiết, gây tốn kém thời gian và chi phí.

Từ kết quả rà soát điều kiện kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra sáu nhóm điều kiện kinh doanh tồn tại bất cập hiện nay, đó là: điều kiện kinh doanh về PCCC; điều kiện kinh doanh lĩnh vực du lịch (du lịch lữ hành nội địa, kinh doanh khu, điểm du lịch); chứng chỉ hoạt động xây dựng; điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ; điều kiện huấn luyện an toàn vệ sinh lao động; khoảng trống quy định về lắp đặt và quản lý trạm nạp điện tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

Người dân làm thủ tục tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội (khu liên cơ Võ Chí Công) - Ảnh: NAM TRẦN

Người dân làm thủ tục tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội (khu liên cơ Võ Chí Công) - Ảnh: NAM TRẦN

Bảo vệ quyền lực nên đẻ "giấy phép con"

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Minh Thảo - trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) - cho rằng hiện nay hai lĩnh vực nông nghiệp - phát triển nông thôn và công thương đặt ra nhiều điều kiện kinh doanh nhất. Một số điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực phát triển nông thôn phức tạp, gây phiền hà cho DN. Bên cạnh đó lĩnh vực xây dựng cũng đưa ra quy định với quá nhiều chứng chỉ hành nghề để làm khó DN.

Lý giải về sự chững lại của quá trình cải cách môi trường kinh doanh từ năm 2020 tới nay, bà Thảo đã chỉ ra bốn nguyên nhân. Thứ nhất, do việc giám sát, theo dõi quá trình cải cách môi trường kinh doanh không còn chặt chẽ như trước. Một số bộ khi sửa đổi các văn bản đã bổ sung những điều kiện kinh doanh mới. Thứ hai, do áp lực cải cách môi trường kinh doanh không được duy trì trong những năm gần đây.

Thứ ba, nhiều bộ ngành sau khi cắt giảm điều kiện kinh doanh thấy "quyền lực" yếu đi nên đã bổ sung điều kiện kinh doanh để củng cố "quyền lực". Thứ tư, nhiều bộ ngành thấy rằng đưa điều kiện kinh doanh vào nghị định dễ bị giám sát nên đã "cài" điều kiện kinh doanh qua việc ban hành các quy chuẩn kỹ thuật ở cấp thông tư.

Để "ngăn chặn" tận gốc tình trạng các bộ, ngành "đẻ" thêm điều kiện kinh doanh, "giấy phép con", bà Thảo cho rằng cần đi từ gốc của vấn đề, đó là nếu không có ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì sẽ không có điều kiện kinh doanh, không phát sinh thủ tục hành chính gây phiền hà cho DN.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn - phó tổng thư ký VCCI, kết quả khảo sát DN hằng năm cho thấy các điều kiện kinh doanh mà bộ ngành đưa ra vẫn là vấn đề lớn. Tỉ lệ DN gặp khó khăn về xin phép, cấp phép vẫn cao. Vì thế việc tiếp tục rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, "giấy phép con" hiện nay rất quan trọng.

"Hiện Chính phủ đang giao Bộ Tư pháp rà soát, báo cáo sự chồng chéo trong các văn bản luật. Điều này cho thấy Chính phủ, các bộ ngành đang rất cố gắng rà soát các văn bản luật. Hy vọng đợt rà soát này của Chính phủ sẽ cập nhật được hết những vướng mắc, khó khăn của DN", ông Tuấn bày tỏ.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng CIEM, cũng cho rằng xu hướng bổ sung thêm điều kiện kinh doanh cũng một phần là qua đấu tranh phòng chống tham nhũng đã bộc lộ một số rủi ro và để đề phòng, một số bộ ngành đã "vẽ rắn thêm chân", có thêm những điều kiện để công việc quản lý an toàn hơn, bảo đảm tốt hơn. Nhưng nếu xu thế này tiếp diễn thì chi phí tiền bạc, thời gian tuân thủ quy định sẽ tăng lên, Việt Nam rất khó cạnh tranh, thu hút đầu tư.

Do đó, ông Doanh khuyến nghị cần tiếp tục cải cách thể chế thông qua công khai, minh bạch các thủ tục đầu tư kinh doanh, tận dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử để công khai việc xử lý thủ tục hành chính liên quan tới đầu tư kinh doanh. Qua đó người dân, DN có thể giám sát quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2019 đến nay cải cách môi trường đầu tư kinh doanh có dấu hiệu chững lại - Ảnh: NAM TRẦN

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2019 đến nay cải cách môi trường đầu tư kinh doanh có dấu hiệu chững lại - Ảnh: NAM TRẦN

Kiến nghị bãi bỏ 5 ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Để khắc phục những bất cập, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ bãi bỏ năm ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý của ba bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thu hẹp 39 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó có hai ngành thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; năm ngành thuộc lĩnh vực xây dựng; 22 ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; sáu ngành thuộc lĩnh vực công thương. Bãi bỏ hoặc thu gọn 11 chứng chỉ hành nghề trong hai lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; xây dựng.

Khảo sát về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 cho thấy có 61% DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh trong ngành nghề có điều kiện. Những phiền hà giấy phép kinh doanh có điều kiện là nguyên nhân khiến 21,7% DN trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh, 61,36% DN phải trả chi phí không chính thức khi thực hiện cấp phép kinh doanh có điều kiện.

Người dân và doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Người dân và doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Đối phó trong cắt giảm thủ tục hành chính

Việc cắt giảm thủ tục hành chính, quy định kinh doanh còn mang tính đối phó, có lúc có nơi chưa thật sự tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Đó là tồn tại, hạn chế được Phó thủ tướng Trần Lưu Quang thẳng thắn nêu ra tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, TP về công tác cải cách thủ tục hành chính diễn ra hồi đầu tháng 9 vừa qua.

Theo Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, hiện nay trong nhiều lĩnh vực, thủ tục hành chính còn nhiều rào cản, quy trình thực hiện chưa liên thông, hồ sơ còn rườm rà, phức tạp, đôi khi còn phát sinh các thủ tục, "giấy phép con" gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính còn chậm ở một số cơ quan.

Từ đó, Phó thủ tướng yêu cầu từng bộ, ngành và địa phương phải quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn, nhất là người đứng đầu và các thành viên của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Tránh tình trạng phó mặc cho cấp dưới và khi đi họp chỉ đọc báo cáo do cấp dưới chuẩn bị.

Cùng với đó, Phó thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chú trọng đẩy mạnh phân cấp về thủ tục hành chính. Đối với những thủ tục chưa thể cắt giảm do quy định của luật, ông yêu cầu hạn chót đến ngày 30-9, các bộ, ngành, địa phương phải gửi báo cáo đến thường trực tổ công tác để đề xuất phương án với các cơ quan có thẩm quyền.

Đại biểu PHẠM VĂN THỊNH (ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội): Cần lập hội đồng sáng kiến cải cách thủ tục hành chính

Thời gian qua, dù Quốc hội, Thủ tướng, Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục hành chính... Tuy nhiên thực tế, câu chuyện "giấy phép con" hay các cơ quan, đơn vị ra các văn bản mâu thuẫn, chồng chéo khiến doanh nghiệp không hiểu, không biết thực hiện thế nào vẫn là những vướng mắc rất lớn.

Trong bối cảnh kinh tế còn đối diện nhiều khó khăn, các vướng mắc trong thủ tục hành chính này đã trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp và cần sớm tháo gỡ để giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, phát triển.

Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc tiếp tục quyết liệt thực hiện các giải pháp tổng rà soát để sửa đổi, cắt giảm, bãi bỏ ngay các thủ tục hành chính, "giấy phép con" không đúng, mâu thuẫn, gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp, người dân thì có hai giải pháp bền vững cần phải sớm thực hiện.

Trong đó, thứ nhất cần số hóa quy trình giải quyết, chuyển sang tiếp nhận, giải quyết hồ sơ điện tử, không tiếp xúc trực tiếp với cán bộ toàn trình (hiện nay số hóa nhưng vẫn còn tình trạng không toàn trình, vẫn có khâu tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, hồ sơ giấy). Như vậy, hồ sơ nào với doanh nghiệp mà không điện tử toàn trình phải báo cáo giải trình lý do và được coi là thủ tục có nhiều rủi ro, đi kèm các biện pháp giám sát chặt chẽ.

Thứ hai, cần có cơ chế thành lập một hội đồng sáng kiến cải cách thủ tục hành chính. Đây là đơn vị sẽ tập hợp các thành viên gồm đại biểu Quốc hội, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp có liên quan, đại diện tổ chức quốc tế, Mặt trận Tổ quốc, VCCI...

Đơn vị này được thành lập để trực tiếp tiếp nhận, trao đổi với đối tượng phải thực hiện thủ tục hành chính về những nội dung vướng mắc. Từ đó kiến nghị, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền (Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, VCCI...) các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc và sáng kiến cải cách (nếu có).

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG (nguyên viện trưởng CIEM): Nên có cơ quan độc lập thẩm định các dự thảo văn bản pháp luật

Kể từ năm 2000 đã có không ít lần cải cách cắt bỏ các loại "giấy phép con", cắt bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng các giải pháp hết sức quyết liệt và đã thu được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Nhưng sau một thời gian, các "giấy phép con", các thủ tục hành chính bị bãi bỏ phục hồi lại dưới hình thức khác, thậm chí số giấy phép, thủ tục mới xuất hiện còn nhiều hơn trước, phức tạp và tốn kém hơn trước.

Nói cách khác, thành quả cải cách không bền vững. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do thiếu thể chế kiểm soát có hiệu quả chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật.

Vì vậy, theo tôi, nghiên cứu, thành lập một cơ quan thuộc Chính phủ, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước, chuyên trách, chuyên nghiệp và độc lập thẩm định, đánh giá chất lượng các dự thảo văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ngoài ra, cơ quan này còn có chức năng thường xuyên đánh giá lại tính phù hợp, tính hiệu lực và hiệu quả của các quy định pháp luật hiện hành để đề xuất bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung nếu xét thấy cần thiết.

Sửa quy định mổ 10 con heo cũng phải có giấy phép môi trườngSửa quy định mổ 10 con heo cũng phải có giấy phép môi trường

Quy định phải có giấy phép môi trường khi nuôi 100 con trâu, bò hay giết mổ từ 10 con heo, 100 con gà trở lên đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến sửa đổi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên