09/02/2020 09:01 GMT+7

Đi tìm 'bụng 6 múi' - Kỳ 6: Những cô nàng mê leo núi

DIỆU QUÍ
DIỆU QUÍ

TTO - Xưa nay, leo núi được cho là môn thể thao quá sức và nguy hiểm với con gái. Nhưng với những cô nàng chọn lối sống khỏe đẹp, mê khám phá thì trekking (leo núi và đi bộ đường dài) giữa thiên nhiên hoang dã có sức quyến rũ rất lớn .

Đi tìm bụng 6 múi - Kỳ 6: Những cô nàng mê leo núi - Ảnh 1.

Phương Nam cùng bạn bè vui vẻ chinh phục đỉnh cao Lùng Cúng năm 2019 - Ảnh: NVCC

Đặc biệt, họ đã chứng tỏ không hề thua kém gì cánh mày râu.

Leo núi như "chất kích thích xanh"

27 tuổi, Trương Ngọc Phương Nam (quê Kiên Giang) đã cho mình "tài sản" là đặt chân đến bảy ngọn núi, trong đó sáu ngọn ở Việt Nam và một ngọn ở Indonesia.

Phương Nam chia sẻ từ lâu sẵn máu du lịch trong người nên hồi đầu cô leo núi một cách tò mò, muốn trải nghiệm "trường phái thể thao mới" theo lời rủ rê của bạn bè. Và lần đầu cô được biết cảm giác chinh phục một đỉnh núi vào hai năm trước.

"Năm 2018, tôi một mình bay qua Bali (Indonesia). Trong bảy ngày đi chơi thì tôi dành một ngày để chinh phục ngọn núi lửa đẹp nhất Bali, mang tên Batur (cao 1.717m - PV). 1h sáng từ Kuta khởi hành để kịp leo lúc 3h, với kinh nghiệm có thể nói là zero, vậy mà tôi vẫn ngang nhiên cùng đoàn bốn người leo trong vòng hai giờ xuyên đêm để kịp ngắm bình minh".

Nhớ cảm giác lần đầu tiên chinh phục núi lửa Batur, Phương Nam chia sẻ: "Lên tới đỉnh núi, tôi vỡ òa vì mình đã thành công, đã vượt qua giới hạn bản thân".

Mỗi năm Nam và bạn bè thu xếp công việc để lên kế hoạch cho hành trình leo, nhưng thỉnh thoảng cô cũng đi một mình. Sau mỗi chuyến đi, Nam quen được nhiều người cùng đam mê. Lần gần đây nhất, cô đã mạo hiểm một mình vượt núi rừng lúc 3h sáng để chinh phục đỉnh Lảo Thẩn cao khoảng 2.860m ở Lào Cai trong ngày chỉ cùng với một anh chàng người Mông làm nghề khuân vác.

Nam cho biết từ khi bản thân dần có kinh nghiệm và quen vất vả, những ngọn núi sau này đều không làm khó được cô. Nam ví leo núi như một dạng "chất kích thích xanh" khiến cuộc sống giảm bớt áp lực và thúc đẩy bản thân tiến bộ hơn. "Tôi thấy mình khỏe hơn, sức bền và độ dẻo dai tốt lên hẳn. Sự nhanh nhẹn và linh hoạt giúp tôi kiên nhẫn, giải quyết vấn đề một cách tích cực, biết điều tiết cái tôi của bản thân".

Hai năm trôi qua, nhưng đến giờ cô vẫn không quên lần chinh phục thử thách của chính mình: "Lần ấy, team tôi trekking đèo Tà Năng - Phan Dũng đúng ngay đợt bão lũ lớn tràn về hồi hai năm trước. Tôi nhớ mãi những cái đan tay siết chặt nhau. Cái lạnh và kiệt sức như tiêu diệt hết mọi cảm xúc, nhưng cả team vẫn cố gắng vượt qua đồi núi lên xuống không ngừng nghỉ trong suốt năm tiếng mới có thể ra khỏi rừng".

Với những người mê độ cao thì thử thách không bao giờ có điểm dừng. Nam cho biết cô chưa bao giờ muốn từ bỏ "cuộc chơi" đầy quyến rũ mà cũng đòi hỏi thể lực và ý chí kiên cường này. "Tôi thích khám phá giới hạn bản thân. Khi chinh phục được một đỉnh, tôi lại muốn thử sức ở những đỉnh cao khó hơn, xa hơn và địa hình nguy hiểm hơn, nhưng vẫn tuân thủ các quy tắc an toàn cho bản thân", cô khẳng định.

Ở Việt Nam, Phương Nam và bạn bè đã đặt chân đến sáu đỉnh núi: Tà Năng - Phan Dũng (1.100m), Putaleng (3.049m), Bidoup (2.280m), Lảo Thẩn (2.860m), Lùng Cúng (2.913m), Chứa Chan (837m). Ngoài leo núi, Nam còn tập gym, yoga, đi bộ, đạp xe đạp và eat clean (ăn sạch) để bảo đảm sức khỏe cùng ý chí chinh phục những đỉnh núi mới nhiều thách thức hơn.

Nói về mục tiêu của mình, Nam cho biết trước mắt cô sẽ leo thêm bốn đỉnh để hoàn thành 10 đỉnh cao nhất Việt Nam ở phía Bắc. Sau đó cô sẽ dồn toàn lực để thực hiện ước mơ lớn cuộc đời là chinh phục đỉnh Everest vào tháng 9-2020. Sau mỗi chuyến đi, cô chia sẻ trải nghiệm qua những bài blog truyền cảm hứng lối sống thể thao lành mạnh và yêu thích thiên nhiên.

Đi tìm bụng 6 múi - Kỳ 6: Những cô nàng mê leo núi - Ảnh 2.

Thanh Dung chinh phục đỉnh Fansipan ngay hồi mới tập leo núi - Ảnh: NVCC

Vượt qua chính mình

"Leo núi rất thú vị, không hề khó hay kinh khủng như chúng ta ngồi ở nhà xem phim và tưởng tượng đâu", Bùi Thanh Dung mở đầu câu chuyện khi nhắc đến trekking. Cô gái mê khám phá này cho biết lần đầu leo núi cách đây năm năm. Khi ấy, cô một mình xách balô từ Hà Nội lên Sa Pa trong đêm để sáng sớm bắt đầu hành trình chinh phục "nóc nhà Đông Dương" Fansipan.

"Cảm giác lần đầu lên tới đỉnh núi khó tả lắm. Leo cao như vậy rất mệt nhưng tôi tự trấn an mình không được bỏ ngang, cố gắng từng chút rồi cũng lên tới. Lần ấy "bay" luôn hai móng chân vì quên cắt", Dung cười nhớ lại. Và rất hiếm người biết cô chính là cháu nội nhà thơ Quang Dũng để đời với tác phẩm Tây tiến hùng tráng.

Dung tâm sự trước đây cô không có sức khỏe tốt và suy nghĩ lạc quan đến thế. Như một số người trẻ hiện nay, nhiều năm trước cô rất coi thường sức khỏe bản thân, thức đêm liên miên, lại dậy muộn. "Cách đây 5 năm, sau mấy đợt khó tiêu, mau mệt, mỡ máu rồi hay nghĩ ngợi tiêu cực, tôi mới nhận ra cơ thể đang bất ổn. Nếu không tập thể thao, tôi sẽ càng tệ hơn. Thế là tôi đặt đồng hồ dậy sớm, bắt đầu chạy bộ, gym, yoga, dần dà đặt ra mục tiêu leo núi và đi bộ đường dài", Dung chia sẻ.

Cô gái làm nghề truyền thông gốc Hà Nội cho hay: "Từ lúc say mê leo núi kết hợp mấy môn thể thao bổ trợ, tôi cảm nhận cơ thể gọn gàng, sức khỏe và tinh thần cải thiện rõ rệt, nhất là sau đợt gặp tai nạn giao thông. Thấy mình mạnh mẽ, sống kỷ luật và cẩn thận hơn, năng lượng được tái tạo nên mọi người cũng không thấy tôi nhạt nữa".

Để làm mới bản thân, mỗi năm Dung leo khoảng 3-4 lần những ngọn núi trong nước và một lần ở nước ngoài vào các ngày nghỉ phép. Cô nói muốn thử thách bản thân, thoát khỏi những ràng buộc tạm thời để khám phá sức mạnh nội tại.

"Chọn một cung đường mới, chuẩn bị kỹ càng. Sẽ mất thời gian, sẽ phải vắng nhà, nhưng đôi khi cần phải như thế thì cuộc sống mới sinh động. Cảm giác hòa mình vào núi rừng, qua những đoạn đường khó rất thú vị. Khi vượt qua chính mình để đặt chân tới đỉnh núi, mọi người sẽ không còn nghĩ sao mình có thể làm được như vậy. Lúc ấy, chuyến đi sẽ mang lại nhiều cảm xúc, chưa kể sẽ có ảnh rất "ngầu" để làm động lực cho lần kế tiếp", Dung nhấn mạnh.

Với Thanh Dung, vẻ đẹp bên ngoài bắt nguồn từ sức khỏe bên trong. Luyện tập thể thao là phương cách giúp cô khỏe mạnh và vui vẻ mỗi ngày, nhất là tăng sức đề kháng, góp phần đẩy lùi bệnh tật trong giai đoạn dịch virus corona đang bùng nổ hiện nay.

Trang bị kỹ năng cần thiết

Không chỉ "nóc nhà Đông Dương" Fansipan, Thanh Dung còn đặt chân đến một số đỉnh khác thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Ngoài ra, cô đã cắm trại ở độ cao 4.000m của đỉnh Nanga Parbat (Pakistan) - đỉnh núi cao thứ chín thế giới với 8.126m, vượt qua đèo "tử thần" của đỉnh Kailash hơn 6.638m Tây Tạng...

Theo Dung, để hoàn thành tốt hành trình chinh phục núi non, người leo phải chịu được nóng, lạnh thất thường, vượt qua những con suối hay côn trùng như muỗi, vắt. Có những đoạn đi rất dễ nhưng có những đoạn phải vận dụng tất cả chân tay, cơ thể để leo. Những ngọn cao hơn tầm trên 4.000m thì cần chuẩn bị thêm bình ôxi và các thực phẩm chức năng giúp duy trì sức bền. Cuối cùng là không được quên rèn luyện sức khỏe bền bỉ trước khi chinh phục độ cao.

Hồi xưa các cô gái cho rằng thục nữ thì phải "liễu yếu đào tơ". Nhưng quan điểm giờ khác hẳn: đẹp phải đi liền với khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần...

Kỳ tới: Đẹp mà khỏe thì đời mới tươi

Đi tìm Đi tìm 'bụng 6 múi' - Kỳ 1: Những anh chàng "6 múi" ở Làng hoa

TTO - Qua năm tập thứ 2, trưởng nhóm Sơn tổ chức cuộc thi nhỏ: ai thay đổi cơ thể nhanh nhất sau 3 tháng sẽ nhận được giải thưởng tham gia chuyến đi chơi, chụp hình "khoe body" tại Nha Trang.

DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên