18/11/2021 19:49 GMT+7

Dịch COVID-19 đưa thanh toán không tiền mặt lên ngôi

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Thói quen thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng đáng kể, đặc biệt sau dịch COVID-19 sẽ áp đảo hơn khi mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng.

Dịch COVID-19 đưa thanh toán không tiền mặt lên ngôi - Ảnh 1.

Người dân thanh toán bằng thẻ khi mua sắm hàng hóa tại siêu thị - Ảnh: L.THANH

Phát biểu tại hội thảo Phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Kinh tế trung ương tổ chức ngày 18-11, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết các thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ vào các dịch vụ ngân hàng cốt lõi như thanh toán, tiết kiệm, tín dụng…

Thanh toán trên thiết bị di động tăng mạnh mẽ

Theo ông Phạm Tiến Dũng, thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh hằng năm với 90% về số lượng và 150% về giá trị. Nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch trên kênh số...

Cùng với đó, hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối các dịch vụ ngân hàng số với hầu hết các dịch vụ số khác trong nền kinh tế, mang lại trải nghiệm trên mọi lĩnh vực và tiện ích cho người tiêu dùng trên không gian số.

Bà Đặng Tuyết Dung, giám đốc Visa Việt Nam và Lào, cho biết có kết hợp với đối tác thực hiện nghiên cứu về thói quen và thái độ của người tiêu dùng đối với thanh toán trong tháng 8 và 9-2021 trên 6.200 người ở một số nước Việt Nam, Singapore...

Kết quả cho thấy thói quen thanh toán bằng tiền mặt giảm rất đáng kể với tác động của dịch COVID-19.

Cụ thể, số người được hỏi cho biết trước dịch COVID-19, cứ 10 thanh toán thì có 6,8 thanh toán là bằng tiền mặt. Nhưng hiện nay, số thanh toán bằng tiền mặt giảm chỉ còn 5,4. Và trong tương lai, thanh toán không tiền mặt sẽ áp đảo hơn khi mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng.

Số lượng giao dịch tiền mặt cũng giảm đáng kể so với trước dịch COVID-19. Theo đó, 56% người tiêu dùng nói rằng họ đã giảm lượng giao dịch tiền mặt. 65% số người nói giảm lượng tiền mặt giữ trong ví mà chuyển đổi sang các hình thức thanh toán hiện đại như thẻ, ví điện tử… Đáng chú ý là xu hướng thanh toán không chạm tác động rất nhiều đến thói quen này do tính tiện ích, dễ sử dụng.

Bên cạnh các lợi ích về thanh toán không dùng tiền mặt, người tiêu dùng cảm nhận được sự an toàn, tránh nguy cơ bị nhiễm bệnh COVID-19.

Các loại hình thanh toán không tiền mặt nhiều nhất là thanh toán hóa đơn, dịch vụ…

"78% người được hỏi cho biết sẽ sử dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số. Hai loại hình thanh toán tác động lớn đến xu hướng hình thức chuyển đổi này là ví điện tử chiếm 70% và 65% là dùng thẻ không tiếp xúc" - bà Dung thông tin.

Cùng nhận định dịch COVID-19 đã khiến hành vi của người tiêu dùng thay đổi, ông Phùng Duy Khương - phó tổng giám đốc khối khách hàng cá nhân (VPBank) - cho hay tỉ lệ sử dụng dịch vụ Mobile banking đã tăng trưởng từ 42% trong năm 2019 lên 70% trong năm 2020-2021. Tỉ lệ sử dụng Internet banking cũng tăng hơn gấp 2 lần trong 2 năm qua.

Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành ngân hàng

Theo Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng, kế hoạch chuyển đổi số của ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển các ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng.

Để thực hiện mục tiêu nói trên, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, giải pháp trọng tâm cần tập trung là phát triển mô hình ngân hàng số, ứng dụng công nghệ cách mạng công nghiệp 4.0 để cung ứng sản phẩm, dịch vụ an toàn tiện lợi với chi phí thấp…

Tại hội thảo, ông Nguyễn Viết Châu, giám đốc Trung tâm Innovation Lab, Khối Ngân hàng số (MB), cho biết MB xác định là doanh nghiệp số. Ban đầu tư duy chuyển đổi số của MB là đưa các dịch vụ, sản phẩm của MB lên kênh số, áp dụng công nghệ thông tin và chủ yếu tự động hóa các quy trình thủ công.

Gần đây, MB đã thay đổi tư duy chuyển đổi số khi xác định MB là một doanh nghiệp số. Nên các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng phải là sản phẩm số. Trong sản phẩm số, điều quan trọng nhất là trải nghiệm của khách hàng.

Sàn thương mại điện tử Sàn thương mại điện tử 'rần rần' chuyển đổi phương thức thanh toán

Ví điện tử với lợi thế an toàn, tiện lợi đang thể hiện tốt vai trò hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Sàn thương mại điện tử cũng nhanh chóng bắt kịp xu thế thanh toán khi hợp tác với các ví uy tín.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên