Điện ảnh riêng tư

VIỆT LINH 01/05/2004 20:05 GMT+7

TTCN - "Điện ảnh là sự bí ẩn mà rong đó mỗi cái nhìn có riêng lý lẽ" - Câu nói của đạo diễn Pháp Jean-Luc Godard dường như ứng hợp với Shara - bộ phim Nhật mà theo nhiều người đáng đoạt giải Giám khảo Cannes 2003 hơn 5 giờ chiều của Iran.

Phóng to
Kawase

Cũng là phụ nữ trẻ, tài hoa nhưng nếu các tác phẩm của Samira Makmalbaf (Iran) khiến người xem nể phục tính luận đề “già dặn” thì phim của Naomi Kawase lại tinh tế đến sửng sốt.

Tuổi đời không lớn nhưng số phận mồ côi và nỗi khao khát nguồn cội đã cho Kawase cái nhìn sâu lắng về quan hệ gia đình - cội nguồn sáng tạo duy nhất mà ví dụ tiêu biểu là bộ phim truyện đầu tay Suzaku đoạt giải Caméra d’or Cannes 1997 lúc cô 29 tuổi và Shara hôm nay.

Ngay khi còn là sinh viên Trường nghe nhìn Osaka, Kawase đã bắt đầu quay phim “tài liệu” gia đình, nơi cô sống với những người bảo trợ, như một cách “điều tra” gốc gác. Bằng con đường bền bỉ, loanh quanh Kawase đã tìm ra dấu vết của cha, nhưng điều quan trọng hơn, tìm thấy ý nghĩa “gia đình” mới: đó là nơi con người dù xa huyết thống nhưng gần gũi, yêu thương trong cuộc sống thường ngày, nơi liên kết những số phận để cùng băng bó nỗi đau, vượt qua nỗi sợ...

Khái niệm gia đình của Kawase đã ra khỏi quan hệ thân tộc để trở thành quan hệ nhân văn. Từ chỗ lấy điện ảnh như công cụ dò tìm gốc gác, Kawase bắt đầu cuộc tìm kiếm lớn hơn: thế giới nội tâm con người. Giống như mọi tác phẩm khác của cô, Shara là câu chuyện nhỏ xảy ra trong thành phố nhỏ Nara vốn là kinh đô Nhật vào thế kỷ thứ 8. Phim bắt đầu bằng cảnh hai cậu bé sinh đôi đùa chạy trên những hẻm đường giăng mắc. Máy quay cũng ngoắt ngoéo theo chúng cho đến lúc một đứa tự dưng biến mất!?

Cách riêng của sáng tạo

Sự mất tích của đứa em không được giải thích cũng như nhiều sự kiện trong phim Kawase không giải thích. Mất em chỉ là tình huống để cảm nhận cái khác: nỗi đau triền miên, lặng lẽ nhiều năm của đứa anh trai. Nỗi đau đó chỉ một lần phát lộ khi Shun biết tin em chết - một thông tin ngắn gọn và bí ẩn như lúc nó biến đi. Người xem khó thể nào quên cảnh Shun giãy giụa trong tay bố, vật nhau với ông cho đến khi cả hai cùng đổ sụp...

Nỗi đau bên trong, nghị lực bên trong, hạnh phúc bên trong, Kawase đã điều khiển dàn diễn viên không chuyên với tinh thần này, điều khiển cả bản thân trong vai bà mẹ, đặc biệt trong trường đoạn sinh nở: sản phụ vật vã trên sàn, ngay giữa những người thân và bà mụ ở cuối chân đang điều khiển lệnh thở. Sản phụ thở theo lệnh, những người thân cũng vô thức thở theo lệnh. Những giọt mồ hôi, những động thái trần trụi, những ánh nhìn căng thẳng... bỗng thoắt toát lên vẻ đẹp thiêng liêng, và tiếng thở của những người thân bỗng thoắt biến thành “điệu nhạc” duy nhất trong bộ phim không có nhạc. Bản giao hưởng tình yêu ấy cứ ngân nga cho đến lúc hài nhi bật khóc. Chính “nốt nhạc” cuối này đã òa vỡ trong Shun giọt nước mắt chưa từng thấy - nước mắt sung sướng được bù đắp...

Bằng sự mất tích đầu phim - nguồn gốc cái chết - và sự sinh ra tuyệt diệu ở kết phim, Kawase đã biến Shara thành bài thơ gia đình ấm áp. An ủi nhân vật Kawase cũng an ủi chính cô, rằng cuộc đời vẫn đẹp khi có những người thân, rằng được sinh ra đã là hạnh phúc. Tôn thờ rung cảm, điện ảnh của Kawase là thứ điện ảnh mỏng manh nhưng ngoan cố, khiêm nhường nhưng biện chứng. Hơn cả phá cách, đó là thứ điện ảnh giải phóng.

Điện ảnh của những dấu chấm

Phóng to
Có thể nói Shara là tổng số của các đơn vị rời rạc, như Yu - cô bạn hàng xóm của Shun. Giữa hai đứa là thứ tình cảm bàng bạc, mông lung nhưng quyến luyến, đặc biệt sau khi Yu khám phá ra lịch sử của chính cô, thật giản đơn: vào một ngày, trong câu chuyện đưa đẩy trên đường đi chợ Yu bỗng được mẹ cho biết bà không phải là mẹ ruột! Không nước mắt đau đớn, không âm nhạc thảng thốt, chỉ có những câu kể đều đặn như tiếng guốc gõ trên nền đá và sự im lặng của đứa con. Lịch sử cứ thế mở ra, lạ thường, nhẹ bổng như hơi nước nên nỗi đau càng cô đặc!

Theo cấu trúc kịch bản sư phạm, có vẻ Yu và số phận của cô không “ăn nhập” câu chuyện, nhưng có vị trí trong thế giới cảm xúc. Vị trí này đậm hơn trong đoạn nghe tin mẹ Shun chuyển dạ. Từ lớp học hai đứa cắm cổ chạy... Cũng con đường xưa Shun mất em, máy quay lại một lần nữa mạnh mẽ, dịu dàng như thư pháp “trôi” theo hai đứa trẻ. Nếu con đường dẫn đến cái chết đầu phim vẻ như kỹ thuật kiểu cú máy plan - séquence, thì sự nhắc lại nó khi dẫn đến sự sinh ra đã biến thành cảm xúc: mọi nỗi đau rồi cũng bình phục.

Trong phim còn có trường đoạn dễ bị “khuôn thước” xem thừa thãi: lễ múa Bassara (theo truyền thuyết là lúc tâm hồn bộc lộ). Trong tiếng trống, Yu hừng hực dẫn đầu đoàn múa, nhưng trong cái hừng hực say đắm ấy người xem cảm được nỗi đau kềm nén, sự vùng vẫy đối mặt với quá khứ... Một cơn mưa bất chợt rơi xuống nhưng đoàn người vẫn múa, người xem vẫn xem (ảnh). Tưởng như bên lề, Bassara tiềm ẩn bao liên tưởng...

Thiên nhiên với Kawase, như cô nói: “đều gợi hứng trong tôi tình cảm con người”. Điều đó giải thích vì sao Shara dày đặc những nét đẹp nho nhỏ: mạng nhện trên cây, mèo chơi trên cỏ, bướm bay lên, cà đang chín... Có cảm giác máy quay của Kawase luôn tìm kiếm “nội tâm” mọi vật thể: mỗi hình ảnh của cô dù bay bổng hay trầm mặc, thế tục hay thần thánh, hư cấu hay trung thành với văn hóa dân tộc... đều là chấm màu trong bức tranh quan hệ con người. Kinh nghiệm đời hẳn nhiên, nhưng sức mạnh của Kawase là sức mạnh điện ảnh, đúng hơn thấu hiểu phần hồn của nó qua các cú máy dằng dặc nuôi cảm xúc không có trong lý thuyết nghề nghiệp. Ống kính của cô dù đi đâu rốt cuộc vẫn vươn tới tình cảm: “Với tôi, cái chính là tình cảm con người. Ví như khi Shun tặng Yu chiếc bùa hạnh phúc, tôi không quay cận cảnh chiếc bùa ra sao mà quay niềm hạnh phúc trong mắt của Yu”.

Trong một phim tài liệu của Kawase có câu đối thoại: “Vì sao cây cối lại ngả nghiêng trong gió?” - “Để có thể chạm vào nhau...”. Nỗi đau với Kawase là ngọn gió để cây - người quấn quít...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận