10/02/2004 08:12 GMT+7

Điện Bàn, Quảng Nam: người dân điêu đứng trước dịch gia súc

ĐĂNG NAM - VIÊT HÙNG
ĐĂNG NAM - VIÊT HÙNG

TT - Hai ngày sau khi dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) ở gia súc trên địa bàn Quảng Nam được công bố, ngày 9-2 PV Tuổi Trẻ đã có mặt tại huyện Điện Bàn - địa phương có số gia súc nhiễm bệnh bị hủy lớn nhất tỉnh. Nông dân Điện Bàn chưa kịp “gượng dậy” với dịch cúm gia cầm thì nay lại “lao đao” với dịch bệnh trên đàn gia súc...

9XR2NeYO.jpgPhóng to
Con bò hơn một năm tuổi bị bệnh long móng nên không thể đi lại được
TT - Hai ngày sau khi dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) ở gia súc trên địa bàn Quảng Nam được công bố, ngày 9-2 PV Tuổi Trẻ đã có mặt tại huyện Điện Bàn - địa phương có số gia súc nhiễm bệnh bị hủy lớn nhất tỉnh. Nông dân Điện Bàn chưa kịp “gượng dậy” với dịch cúm gia cầm thì nay lại “lao đao” với dịch bệnh trên đàn gia súc...

Cách trung tâm huyện gần 15km, có mặt tại xã Điện Phong, chúng tôi gần như không thấy và không nghe một tiếng ọ nào như trước đây của những đàn trâu, bò. Tất cả gia súc đều được đưa lên những gò cao cách xa khu dân cư.

Hộ có đàn gia súc lớn nhất, ông Nguyễn Mỹ (thôn Cẩm Đồng), thở dài thườn thượt: “Dịch bệnh này xảy ra trên đàn bò 41 con của tôi hồi trước tết, trong đó có 25 con bị nhiễm với chứng bệnh lở mồm màu trắng, nước dãi chảy ròng ròng, móng long ra khiến bò không ăn uống, đi đứng gì được. Trong số này đã có hai con bị chết. Hiện nhờ sự giúp đỡ của thú y và được chăm sóc thường xuyên nên tình hình tạm ổn”.

Cách đó 20km, xã Điện Tiến cũng trong tình cảnh tương tự, nhưng đây lại là xã bị thiệt hại nặng nề nhất của huyện Điện Bàn với 68 gia súc bị nhiễm bệnh đã tiêu hủy, hiện còn 168 con có biểu hiện lâm sàng của dịch bệnh này. Trên các đường làng, vôi bột được rắc khắp nơi. “Con trâu là đầu cơ nghiệp. Không có nó chúng tôi làm sao cho xuể mấy sào đất ruộng. Gia đình tôi đã “bấm bụng” vay của ngân hàng thêm 3 triệu đồng đầu tư vào đây, ba năm rồi chưa trả được đồng nào. Giờ nó bệnh không biết có qua nổi không?”.

Ông Nguyễn Văn Bình (thôn 2, xã Điện Tiến) chỉ vào con trâu đang nằm đống trong chuồng sau nhà, xung quanh trắng một màu vôi. Còn hoàn cảnh của anh Đoàn Ngọc Năm (thôn 1) cũng không sáng sủa gì hơn khi con bò - tài sản lớn nhất của gia đình - đang long móng hai chân sau.

Ông Trần Quốc Hùng - chủ tịch xã Điện Tiến - cho biết: “Xã có hơn 3.000 con gia súc, đây là nguồn kinh tế chính của nông dân, trong đó nguồn vốn đầu tư vay từ ngân hàng chiếm trên 60%. Hầu hết bò bị dịch là bò lai Sind, giá một con từ 4,5 - 8 triệu đồng. Nếu gia súc chết thì chắc chắn nông dân sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn hơn nữa”.

Ông Trương Văn Thông - trưởng Trạm thú y Điện Bàn - cho biết: “Do đàn gia súc quá lớn trong khi nguồn thuốc dành cho tiêm phòng lại không đủ nên việc ngăn chặn bệnh lở mồm long móng chưa thật sự hiệu quả. Ngay như xã Điện Tiến với 3.000 con gia súc nhưng đến khi dịch bùng phát thì chỉ có 930 liều văcxin được tiêm phòng. Thêm vào đó ý thức người dân chưa cao, cộng với thời tiết lạnh, độ ẩm cao đã dẫn đến tình trạng bệnh lây lan ngày một nhiều.

ĐĂNG NAM - VIÊT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên