18/02/2024 09:50 GMT+7

Diễn biến mới xử lý dự án điện mặt trời 450MW và đường dây 500kV của Trung Nam

Phần công suất 172MW của dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam đã được huy động theo khung giá điện chuyển tiếp, trong khi việc chuyển giao đường dây 500kV vẫn đang chờ hướng dẫn.

Dự án điện mặt trời Trung Nam và đường dây 500kV - Ảnh: NGỌC HIỂN

Dự án điện mặt trời Trung Nam và đường dây 500kV - Ảnh: NGỌC HIỂN

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc giải quyết kiến nghị liên quan tới dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam của tỉnh Ninh Thuận.

Trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương đã có báo cáo về những vướng mắc, khó khăn của dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương hướng dẫn, giải quyết các kiến nghị về vướng mắc còn lại của dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam tại Ninh Thuận theo thẩm quyền, quy định của pháp luật. 

Giải quyết vướng mắc của chủ đầu tư theo thẩm quyền

Đáng chú ý, Phó thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu Bộ Công Thương chỉ báo cáo các nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ trong quá trình giải quyết các kiến nghị của chủ đầu tư dự án này. 

Trước đó, Bộ Công Thương đã có báo cáo giải quyết kiến nghị tới dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam được đầu tư xây dựng tại Ninh Thuận, kết hợp với trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. 

Dự án này được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký hợp đồng mua bán điện vào tháng 5-2020, được EVN công nhận ngày vận hành thương mại từ tháng 10-2020. 

Trong đó, phần công suất 277,88MW có giá bán điện tương đương là 9,35 cent/kWh và phần công suất 172,12MW chưa có giá bán điện. 

Tại báo cáo này, Bộ Công Thương cho hay việc dừng khai thác phần công suất 172,12MW chưa có cơ chế giá là theo thông cáo của EVN. 

Lý do là phần công suất này không đáp ứng được các quy định để hưởng giá FIT (giá bán điện cố định đã đưa ra tại quyết định 13/2020 của Thủ tướng. 

Cụ thể, trong phần công suất 172,12MW không được EVN huy động có 86,64MW trên diện tích đất khoảng 108ha đã được chủ đầu tư thực hiện không đúng quy định của pháp luật. Bao gồm việc diện tích đất chưa được chấp thuận, chưa được đánh giá tác động môi trường, chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy...). 

Bộ Công Thương cũng cho hay, tại văn bản gửi Tỉnh ủy Ninh Thuận và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, bộ đã nêu nội dung công trình chưa đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định của Chính phủ. 

Đã và đang hoàn thiện việc nghiệm thu công trình

Đối với việc bàn giao lưới điện 500kV cho EVN, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng quy định về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN. 

Trong đó có quy định về việc chuyển giao công trình điện có nguồn gốc ngoài ngân sách do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao cho EVN. 

Theo đó, Bộ Công Thương cho biết đã họp với các bộ ngành liên quan về việc bàn giao, chuyển giao lưới điện truyền tải 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân; báo cáo Thủ tướng về vấn đề này, trong đó kiến nghị việc bàn giao sẽ được thực hiện sau khi nghị định quy định về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN được ban hành và có hiệu lực thi hành. 

Thông tin thêm về việc giải quyết các vướng mắc, tồn tại, Bộ Công Thương cho biết với phần dự án không đáp ứng đủ điều kiện hưởng giá FIT, bộ đã xây dựng khung giá phát điện cho các dự án chuyển tiếp. 

Như vậy, các dự án thuộc đối tượng chuyển tiếp, trong đó có dự án Trung Nam - Thuận Nam sẽ thực hiện thỏa thuận, đàm phán với EVN theo quy định để xác định giá bán điện. 

Công trình nhà máy điện có công suất 450MW thuộc dự án Trung Nam - Thuận Nam đã hoàn thành việc nghiệm thu, được cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Công Thương ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu.

Với công trình lưới truyền tải 500kV, chủ đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu công trình theo quy định.

Đến nay nhà máy điện công suất 450MW đã được EVN huy động, trong đó phần công suất 172,12MW có giá bán điện tạm tính trong khung giá theo quy định của Bộ Công Thương.

Việc bàn giao công trình lưới điện 500kV sang EVN hiện chưa được giải quyết do đang chờ nghị định của Chính phủ ban hành.

14 dự án điện mặt trời hưởng giá ưu đãi không đúng, chủ đầu tư làm ăn ra sao?14 dự án điện mặt trời hưởng giá ưu đãi không đúng, chủ đầu tư làm ăn ra sao?

14 dự án điện mặt trời với tổng công suất 964 MW đã và đang được áp dụng giá 9,35 cent/kWh không đúng. Điều này khiến EVN phải thanh toán cho các chủ đầu tư tăng thêm 1.481 tỉ đồng trong hơn 2 năm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên