07/12/2021 10:22 GMT+7

Diễn đàn Môi trường nơi tôi sống: Chở rác đi, mang gạo về

HỮU CHƠN (TP Thủ Đức, TP.HCM)
HỮU CHƠN (TP Thủ Đức, TP.HCM)

TTO - Câu chuyện thú vị này vừa diễn ra vào một sáng thứ bảy cuối tháng 11, hàng trăm người dân hào hứng tham gia ngày hội 'Đổi rác lấy gạo', tại sân chơi khu phố 3, phường Bình Thọ (TP Thủ Đức, TP.HCM).

Diễn đàn Môi trường nơi tôi sống: Chở rác đi, mang gạo về - Ảnh 1.

Người dân phường Bình Thọ, TP Thủ Đức hào hứng tham gia ngày hội "Đổi rác lấy gạo"

Những trăn trở của chính quyền và các đoàn thể phường Bình Thọ, trong việc tuyên truyền giáo dục nhân dân nâng cao ý thức tự giác phân loại rác tại nguồn, không xả rác bừa bãi, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần... đã cho ra đời sáng kiến vì cộng đồng.

Cả phường đồng loạt sạch rác

Chương trình "Đổi rác lấy gạo" được UBND phường thông báo rộng rãi trước đó nhiều ngày, đã nhanh chóng trở thành phong trào lan rộng các khu dân cư. Rất dễ bắt gặp hình ảnh "nhà nhà dọn rác, người người nhặt rác". Những vỏ chai nước, lon bia nằm lăn lóc bên đường, gốc cây được lượm sạch. 

Thùng rác đặt trước cửa mỗi ngôi nhà giờ chỉ còn các loại rác không thể tái chế. Công nhân thu gom rác đỡ vất vả, xe chở rác cũng "nhẹ" hơn. Tại các tuyến đường đông người qua lại như Võ Văn Ngân, Đặng Văn Bi, xuất hiện một số thùng xốp nhỏ ghi dòng chữ rất dễ thương: "Xin rác tái chế!".

Ban đầu, chủ nhân của những dòng chữ ấy chỉ nghĩ được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Thế nhưng, kết quả vượt quá sự mong đợi. Có nhiều người "bội thu" nhờ "quà tặng" của khách đi đường. Một chú ở khu phố 1 dí dỏm: "Ở thành phố nhưng chúng tôi vẫn "sản xuất" được gạo đấy!".

Trong mỗi gia đình, rác giờ đây không còn bị dồn chung một thùng như thói quen lúc trước. Những loại rác tái chế được đều "để dành" trong túi riêng. Báo cũ, vỏ thùng mì tôm không còn bị vứt chỏng chơ, tất cả được xếp gọn gàng cùng các bạn "nhôm nhựa" chờ ngày "xuất khẩu". Nhiều đồ dùng tưởng chừng bỏ đi nhưng vẫn còn giá trị kinh tế.

"Giáo dục để hình thành thói quen tốt như một phản xạ có điều kiện, trong việc phân loại rác thải tại nguồn, là điều chúng tôi muốn hướng đến thông qua hoạt động này" - chia sẻ của bà Lê Thị Ngọc Bích, phó bí thư thường trực Đảng ủy phường, được nhiều người tâm đắc.

Rác đi, gạo về

7h chương trình mới bắt đầu, song từ rất sớm hàng đoàn người nô nức chở những bao rác được chằng buộc cẩn thận đến nơi "hội quân". Bà Lê Thị Thủy - chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường - phấn khởi cho biết: "Cứ 1kg rác tái chế mang đến, người dân sẽ được tặng 1kg gạo mang về. Buổi sáng hôm ấy chúng tôi đã trao 1.055kg gạo, đồng nghĩa với thu được hơn 1 tấn rác". Trung bình một người dân đã mang khoảng 10kg rác đổi lấy gạo.

Lý thuyết là vậy, nhưng trong lúc tiếp nhận, nhiều người chở "sản phẩm" đến khi cân cho ra số lẻ vẫn được làm tròn theo hướng tăng lên. Một chị thu mua phế liệu tình cờ đạp xe qua đây đã vào tham gia. 

"Mặt hàng" của chị cân được 6,5kg, ban tổ chức đã tặng chị 7kg gạo và còn mời chị sang "Gian hàng quần áo 0 đồng" bên cạnh, lựa chọn những món hàng tùy thích. Một cán bộ vui vẻ chia sẻ, ở đây không cần phải "sale" như Black Friday mà hoàn toàn miễn phí. Gần như cùng lúc, nhiều bộ quần áo cũ song còn khá tốt và gạo từ các nhà hảo tâm tiếp tục chở đến ủng hộ.

Bác Nguyễn Văn Phương (67 tuổi, ngụ khu phố 2) chở một bao to đến, trong lúc chờ tới lượt vào cân đã tranh thủ quay xe chạy "làm thêm" chuyến nữa. Trong khi 3 "dũng sĩ kế hoạch nhỏ": Võ Quốc Kỳ (10 tuổi), Nguyễn Võ Quốc Khánh (7 tuổi) và Nguyễn Hồng Kim Nguyên (5 tuổi) đã cóp nhặt được hơn 14kg rác tái chế và nhờ phụ huynh chở đến đây đổi gạo.

Ý nghĩa nhân văn của chương trình này được nhân đôi, khi toàn bộ số rác tiếp nhận sẽ chuyển giao cho bộ phận môi trường đô thị. Kinh phí thu về sẽ được bổ sung vào quỹ Vì người nghèo, tiếp tục chăm lo những hoàn cảnh khó khăn.

Diễn đàn Môi trường nơi tôi sống: Kinh nghiệm diệt điểm đen rác thải Diễn đàn Môi trường nơi tôi sống: Kinh nghiệm diệt điểm đen rác thải

TTO - Các khu đất trống thuộc các dự án chưa thi công, các bãi đất vô chủ, khu đất ven kênh rạch tại TP.HCM thường trở thành điểm đen rác thải do người dân lén lút đổ.

HỮU CHƠN (TP Thủ Đức, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên