04/03/2014 08:44 GMT+7

Đổ xăng nhận hóa đơn

HỒNG NHUNG
HỒNG NHUNG

TT - Hóa đơn sẽ được cấp cho khách hàng sau khi đổ xăng tại một số cây xăng của các công ty xăng dầu như Comeco, Saigon Petro, Petrolimex, CP Nhiên liệu Sài Gòn. Chương trình thí điểm này diễn ra trong vòng một tháng, bắt đầu từ tháng 3-2014 tại TP.HCM.

PdUL5Qs2.jpg
Thử nghiệm thiết bị in tự động chứng từ cho cột đo xăng dầu tại xưởng thực nghiệm Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, Sở KHCN TP.HCM - Ảnh: Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cung cấp

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga, chi cục phó Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM, việc lắp đặt máy in hóa đơn sẽ là một chứng từ bảo đảm cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khi có sự cố hoặc khiếu nại.

Chứng cứ để giải quyết các tranh chấp

“Người tiêu dùng xách một lọ xăng con đến Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM đòi phải xử phạt một cây xăng nào đó vì bán xăng không đúng chất lượng. Khi thụ lý khiếu nại, chi cục phải xách bình đi kiểm tra đột xuất cây xăng này nhưng việc kiểm tra và xử lý không có căn cứ nào là người tiêu dùng đã mua xăng tại đây và việc khiếu nại doanh nghiệp có động cơ nào khác hay không”. Đó là chuyện thường ngày ở Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM mà bà Nguyễn Thị Thanh Nga chia sẻ tại cuộc họp triển khai kế hoạch lắp thử nghiệm máy in hóa đơn tự động tại cột bơm xăng ở trạm bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP.HCM.

Đề tài nghiên cứu từ năm 2012

“Nghiên cứu sản xuất thiết bị in chứng từ giao dịch cho cột đo xăng dầu” là đề tài do Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM chủ trì và phối hợp với một doanh nghiệp chuyên sản xuất các cột đo xăng thực hiện từ giữa năm 2012 đến nay. Đề tài nghiên cứu này nhằm thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đảm bảo tính chính xác của các thiết bị đo khối lượng và tính tiền xăng dầu, xuất hóa đơn bán hàng cho khách hàng theo đúng quy định pháp luật và phục vụ công tác kiểm tra của các cơ quan chức năng.

Thiết bị này gồm một bộ phận kết nối với dây tín hiệu của cần gạt của vòi bơm, một bộ phận kết nối với dây tín hiệu xung của bầu lường và bo mạch trụ xăng, một bộ phận kết nối với máy in. Thiết bị sẽ được nối trực tiếp vào nguồn điện của trụ xăng, khi có yêu cầu đổ xăng, thiết bị sẽ lấy xung từ bầu lường qua hệ thống xử lý SCU gửi lệnh in đến máy in và máy in sẽ xuất hóa đơn tự động ngay khi nhân viên trạm xăng gác cò bơm xăng.

Thông tin trên hóa đơn gồm tên, địa chỉ cây xăng, thời gian đổ xăng, loại xăng, số lượng, đơn giá, tổng số tiền, đồng thời toàn bộ số liệu sẽ được lưu trữ trong máy để có thể kiểm soát, quản lý và đối chiếu về sau. Khách hàng có thể giữ hóa đơn này làm chứng cứ, cơ sở để giải quyết các tranh chấp nếu có xảy ra.

Phải nghiên cứu thêm nhiều loại bơm xăng

Trước đó, giải pháp Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đưa ra là một bộ bo mạch điện tử được gắn thẳng vào trong cột đo xăng và kết nối với máy in, giá thành cho bộ thiết bị này khoảng 10 triệu đồng/bộ. Giải pháp gặp nhiều ý kiến không đồng thuận của các cơ quan chức năng liên quan và buộc phải dừng lại bởi các lo ngại về an toàn cháy nổ khi gắn thêm thiết bị vào cột đo xăng. Về pháp lý, khi gắn thêm thiết bị sẽ can thiệp trực tiếp vào bộ chỉ thị điện tử của cột đo, phần mềm điều khiển của cột đo.

Ngoài ra các chuyên gia cũng lo ngại một thiết bị nghiên cứu sản xuất trong nước sẽ không thể sử dụng được tốt trên 5.000 cột đo xăng ở địa bàn TP.HCM, trong khi chưa thể thống kê hết được các cột đo xăng này sử dụng những công nghệ nào, của nhà sản xuất nào... Mặt khác, để lắp đặt thiết bị in với giá 10 triệu đồng/bộ cho 5.000 cột đo xăng sẽ đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn mà một sớm một chiều doanh nghiệp khó có thể đầu tư nếu không được sự hỗ trợ.

Giải pháp tiếp theo sẽ được thử nghiệm vào tháng 3 này với ưu điểm là giá thành thấp hơn, không phải thay thế hay can thiệp trực tiếp vào bo mạch điện tử của cột đo xăng. Tuy nhiên đây cũng lại chính là nhược điểm của thiết bị khi thông số lượng xăng được bơm ra thể hiện trên chứng từ in ra giấy khi kết thúc bơm xăng luôn chênh lệch với thông số hiển thị ở bộ đầu số của cột đo xăng dầu.

Theo đại diện xí nghiệp bán lẻ xăng dầu trực thuộc Công ty Xăng dầu khu vực II, dù rằng sự chênh lệch ở mỗi lần bơm xăng này rất nhỏ, chỉ ở mức 1/1.000 và có thể khách hàng không để ý, nhưng nếu số liệu in ra này thành số liệu thống kê lượng xăng dầu bán ra trong ngày thì chênh lệch sẽ rất lớn, vì trung bình một trụ xăng có thể bán khoảng 12.000 lít/ngày. Vì vậy để thuận tiện cho nhà quản lý thì con số này phải thể hiện chính xác tuyệt đối trên mỗi hóa đơn, trong khi đó mỗi loại trụ bơm sẽ khác nhau nên xung bơm sẽ khác, do vậy nhà sản xuất phải nghiên cứu hết các loại bơm đang có trên thị trường.

Dân vẫn chưa quen

Theo một đại diện của Petrolimex, đơn vị này đã lắp thử nghiệm hai cột đo xăng có gắn sẵn máy in hóa đơn tự động tại cây xăng ở trung tâm TP.HCM nhưng khách hàng sau khi đổ xăng thì không lấy hóa đơn hoặc lấy xong vứt ngay xuống đất. Do vậy, khi triển khai đại trà cần phải tuyên truyền hướng dẫn người tiêu dùng về lợi ích của việc lấy, lưu trữ hóa đơn.

HỒNG NHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên