25/04/2023 16:12 GMT+7

Doanh nghiệp kêu khó khăn hiện nay không khác thời COVID-19 bùng phát nặng nhất

Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng khó khăn sẽ còn kéo dài. Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, hiệp hội nhận định khó khăn hiện nay không kém thời COVID-19 bùng phát, vì vậy cần giải pháp mạnh.

Doanh nghiệp kêu khó khăn hiện nay không khác thời COVID-19 bùng phát nặng nhất - Ảnh 1.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp kiến nghị các giải pháp để sớm tháo gỡ khó khăn - Ảnh: N.TRÍ

Ngày 25-4, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị "Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu" tại TP.HCM. 

Cần gói vay lãi suất ưu đãi 0%

Tại đây, ông Trần Như Tùng, phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), cho rằng cần có gói vay lãi suất ưu đãi 0% để trả lương cho người lao động, như gói vay mà Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện trong giai đoạn COVID-19, bởi khó khăn hiện nay không khác gì thời COVID-19 bùng phát mạnh.

Về trung, dài hạn, cần hỗ trợ một phần tài chính và chuyên gia trong việc thực hiện các dự án xanh hóa như giảm nước thải, chất thải, sử dụng năng lượng tái tạo...; chuyển đổi số trong ngành dệt may...

Với thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam - phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản giảm 27,5% - tương đương mức giảm trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát nặng nhất. Dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn.

Chỉ ra nguyên nhân, ông Nam cho rằng do tình hình lạm phát khiến tiêu dùng tại các nước này suy giảm. Bên cạnh đó, dòng tiền chậm về trong khi rất nhiều nguồn vay ngân hàng đến hạn phải trả, doanh nghiệp không có tiền thu mua nguyên liệu.

Cần giảm lãi suất cho vay USD

"Cần giảm lãi suất vay USD để dòng tiền không bị nghẽn. Vì nguồn tiền không có song doanh nghiệp vẫn phải duy trì thu mua nguyên liệu. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có gói tín dụng khoảng 10.000 tỉ đồng lãi suất thấp để phục vụ thu mua nguyên liệu, kích thích tâm lý, để nông ngư dân duy trì sản xuất", ông Nam kiến nghị.

Ông Nguyễn Ngọc Nam - chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - cho rằng doanh nghiệp trong ngành chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nguồn tài chính hạn chế, khi tới mùa vụ thường thiếu vốn để thu mua lúa gạo. Do đó ngân hàng cần có cơ chế chính sách tín dụng cho ngành gạo.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng - phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam - kiến nghị Ngân hàng Nhà nước coi sản phẩm trồng trên đất là tài sản để được thế chấp, vay vốn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương: khó khăn sẽ còn kéo dài

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng nguyên nhân sản xuất, xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước là yếu tố thị trường xuất khẩu, các ngành hàng đều gặp khó khăn do lạm phát cao, sức mua sụt giảm...

"Nếu thuộc thẩm quyền thì Bộ Công Thương sẽ hành động ngay để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, còn vượt thẩm quyền thì trình lên Quốc hội, Chính phủ xem xét tháo gỡ. Khó khăn sẽ còn kéo dài, chúng ta phải nhìn nhận thẳng vấn đề để có giải pháp kịp thời, phù hợp", ông Diên khẳng định.

Kinh tế khó khăn, ngân hàng vẫn lãi chục ngàn tỉKinh tế khó khăn, ngân hàng vẫn lãi chục ngàn tỉ

Kết quả kinh doanh quý 1 cho thấy nhiều ngân hàng lãi vài trăm tỉ đến cả hơn chục ngàn tỉ, tùy theo quy mô hoạt động.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên