21/09/2023 17:24 GMT+7

Độc tố gì trong bánh mì Phượng khiến hàng loạt người bị ngộ độc?

Viện Pasteur Nha Trang đã gửi cho Sở Y tế Quảng Nam kết quả kiểm nghiệm 12 mẫu thực phẩm được lấy từ cơ sở bánh mì Phượng sau vụ ngộ độc khiến 150 người nhập viện, điều trị, trong đó có mẫu dương tính với khuẩn Bacillus cereus sinh độc tố.

Cơ quan chức năng lấy mẫu thực phẩm ở tiệm bánh mì Phượng - Ảnh: Sở Y tế

Cơ quan chức năng lấy mẫu thực phẩm ở tiệm bánh mì Phượng - Ảnh: Sở Y tế

Ngày 21-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Mai Văn Mười, giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho biết Viện Pasteur Nha Trang đã gửi cho sở thông báo về kết quả kiểm nghiệm mẫu liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm ở TP Hội An, khiến gần 150 người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng.

Trước đó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam đã lấy mẫu gửi, đề nghị viện này hỗ trợ kiểm nghiệm mẫu liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm trên. Viện Pasteur Nha Trang đã thực hiện kiểm nghiệm 12 mẫu thực phẩm và 1 mẫu phân.

Kết quả kiểm nghiệm, mẫu chả heo (lấy mẫu sáng 11-9) cho kết quả dương tính với chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE (độc tố ruột không ly giải hồng cầu) và HBL (độc tố ly giải hồng cầu).

Mẫu thịt heo xíu (lấy mẫu vào sáng 11-9) cho kết quả dương tính/25g với Salmonella spp.

Bên cạnh đó, mẫu rau, xà lách, rau răm, hành, dưa leo (lấy mẫu cơ sở lưu lúc 7h30 ngày 12-9) cũng cho kết quả dương tính với chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE và dương tính/25g với Salmonella spp.

Mẫu thịt heo xíu (lấy mẫu cơ sở lưu lúc 7h30 ngày 12-9) cũng cho kết quả dương tính/25g với Salmonella spp.

Mẫu xíu mại (lấy mẫu cơ sở lưu lúc 7h30 ngày 12-9) cho kết quả dương tính với Bacillus cereus sinh độc tố NHE.

Hai mẫu thịt heo xíu và xíu mại (lấy mẫu lúc 10h ngày 13-9, chế biến xong 19h ngày 12-9) kết quả dương tính/25g với Salmonella spp.

Ngoài ra, còn có mẫu phân của một phụ nữ 71 tuổi (người nước ngoài), kết quả xét nghiệm dương tính với Salmonella group D.

Tiệm bánh mì Phượng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Tiệm bánh mì Phượng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Bacillus cereus là trực khuẩn kỵ khí, bắt màu gram dương, có nha bào, dễ sinh độc tố. Vi khuẩn thường được tìm thấy trong môi trường, thường có trong đất và thảm thực vật. Nhưng nó cũng có cả trong thực phẩm.

Bacillus cereus là một loại vi khuẩn hoại sinh, hiện nay được xem là một tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu, chỉ sau Salmonella (vi khuẩn thương hàn) và các vi rút. Bacillus cereus gây ra hai bệnh cảnh lâm sàng khác nhau: hội chứng nôn và hội chứng tiêu chảy.

Vi khuẩn Salmonella là một loại vi trùng có thể gây chứng bệnh ở đường tiêu hóa của người và động vật gọi là bệnh nhiễm Salmonella.

Nhiễm khuẩn Salmonella là tình trạng nhiễm vi khuẩn Salmonella trong dạ dày và ruột. Vi khuẩn Salmonella hay còn được gọi là vi khuẩn thương hàn gồm S. typhi và S. paratyphi A, B, C. Tất cả các chủng đều có khả năng gây bệnh thương hàn.

Ông Mười cũng cho biết đến sáng nay, tất cả bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng đã xuất viện.

Chủ cơ sở sản xuất bánh mì Phượng đã có thư xin lỗi gửi đến khách hàng, thư cũng đăng trên fanpage của tiệm bánh mì Phượng, trên trang Facebook cá nhân của chủ cơ sở.

Từ ngày 11-9, rất nhiều người nhập viện điều trị vì ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng. Thống kê có gần 150 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì đã đến các cơ sở y tế để nhập viện, điều trị. Cơ quan chức năng cũng yêu cầu tạm ngưng hoạt động quán bánh mì Phượng chờ xác minh, làm rõ.

Vụ ngộ độc bánh mì Phượng ở Hội An: Nguồn gốc nguyên liệu, chế biến từ đâu?Vụ ngộ độc bánh mì Phượng ở Hội An: Nguồn gốc nguyên liệu, chế biến từ đâu?

Bánh mì Phượng là một thương hiệu không chỉ nổi tiếng ở Hội An (Quảng Nam) mà còn được du khách trong và ngoài nước biết tới. Vậy, các nguyên liệu, thực phẩm chế biến ở đây lấy từ đâu?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên