23/01/2024 10:02 GMT+7

Đón Tết trút bỏ âu lo

Kinh tế còn khó khăn hậu đại dịch COVID-19 có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người, trong đó không ít bạn trẻ đi làm xa nhà, mang tâm lý sợ Tết cùng nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Cả gia đình ở quận 7 (TP.HCM) cùng gói bánh chưng - Ảnh: T.T.D.

Cả gia đình ở quận 7 (TP.HCM) cùng gói bánh chưng - Ảnh: T.T.D.

Đâu chỉ mâm cao cỗ đầy, quà cáp xênh xang mới là Tết. Chỉ cần trút bỏ âu lo, quên cái nhọc nhằn cơm áo gạo tiền khi ở bên những người yêu thương đã là Tết đủ đầy.

Cũng bởi cuộc sống ngày càng vội vã, Tết về cùng bao lo toan, gồng gánh đủ việc nên cái háo hức chào đón tiết xuân không còn nao nao như trước. Thật ra Tết không nhạt đi, vẫn làm lay động, khiến ta thổn thức khi vạn vật trời đất giao hòa. Chỉ có tâm thế chào đón Tết của mỗi chúng ta có khác.

Nặng gánh trách nhiệm cùng cái nhìn về cái Tết đủ đầy vật chất, công danh sự nghiệp chưa đạt tới nên lòng chẳng hân hoan khi Tết về.

Thời ông bà ta gọi là "ăn Tết" chứ chẳng phải "đón Tết". Khi "tháng giêng là tháng ăn chơi" như được dành trọn cho nghỉ ngơi, dẹp mọi lo toan, muộn phiền đón chào năm mới. Tết cứ phải có áo mới, giày dép mới, sắm sửa vật dụng mới... Ở quê, người ta nuôi ao cá, đàn gà, vịt, con heo cũng dành đợi Tết. Vậy mà vui, Tết cứ thế mà đến nhẹ nhàng, bình an!

Cuộc sống hiện đại, đã từng có tranh cãi nên bỏ đi phong tục đón Tết cổ truyền. Nhịp sống vội vã, sau đêm giao thừa, chỉ cần sáng mùng 1 đã có hàng quán mở cửa trở lại. Chiều mùng 3 gần như mọi sinh hoạt đã trở lại bình thường. Đâu đó có tiếng tặc lưỡi sao Tết ngày càng nhạt!

Tết nhạt nhòa cũng bởi bánh mứt sẵn đầy siêu thị, chợ mạng. Thật không dễ tìm thấy hình ảnh cả nhà quây quần cùng nhau làm món ngon đón Tết. Giao thừa, nhiều người điện thoại trên tay nhắn ít lời chúc được tạo sẵn, bấm nút gửi đi là đủ lễ nghĩa, không phải ai cũng mặn mà đi chúc Tết.

Nhưng gác lại những vất vả, tạm quên đi guồng quay cuộc sống hối hả, ta sẽ cảm nhận mùi vị Tết theo cách của riêng mình. Nào đâu phải Tết nhạt đi, chỉ là do ta hững hờ đấy thôi, cũng vì mình không còn là đứa trẻ mong ngóng từng ngày chờ Tết như xưa.

Sao không phải là những phút giây trở về trong vòng tay điểm đồi mồi của mẹ, uống cùng cha tách trà đủ vị ngọt chát như cuộc sống năm qua.

Để nhìn thấy mái đầu của đấng sinh thành bạc nhiều hơn rồi tự hỏi mình đã dành được bao nhiêu thời gian cho cha mẹ. Để thấy an yên trước mâm cơm đoàn viên dù thiếu thốn nhưng đủ đầy dư vị yêu thương.

Những "tranh luận" về việc ăn một cái Tết sao cho vui, cho đủ đầy mà không phải cố gồng, cố gánh; hay câu hỏi "Tết này về quê hay ở lại thành phố làm thêm"... dường như chưa bao giờ là đề tài cũ vào mỗi dịp năm hết Tết đến.

Mời bạn đọc cùng chia sẻ đến Tuổi Trẻ Online câu chuyện của bản thân hoặc những ý kiến về chủ đề này ở phần bình luận hoặc email về tto@tuoitre.com.vn.

Đừng chỉ vui Tết cho người, làm hỏng Tết của mình!Đừng chỉ vui Tết cho người, làm hỏng Tết của mình!

Đối với tôi, Tết là dịp để vui và tận hưởng một kỳ nghỉ nhẹ nhàng. Do vậy, tôi sẽ không kéo việc vào ngày Tết để… kiếm thêm; không cố quá sức để tặng quà hay nhất thiết phải về quê mới có Tết.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên