28/10/2023 08:58 GMT+7

Đóng bảo hiểm xã hội, không thể 'đẽo cày giữa đường'

Câu chuyện mức đóng, tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và lương hưu không đủ sống luôn được người lao động đặc biệt quan tâm.

Vấn đề càng thêm nóng khi dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu này. Mới đây nhất có 13 hiệp hội ngành nghề đã đề xuất giảm tỉ lệ đóng BHXH.

Các hiệp hội cho rằng tỉ lệ đóng BHXH tại Việt Nam rất cao (hiện là 32%) và muốn quay về riêng mức đóng quỹ BHXH của năm 2009 (20%).

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) vẫn giữ quy định như cũ với mức đóng của doanh nghiệp và người lao động tổng cộng là 32%.

Nếu quay lại mức 2009 thì mức đóng quỹ BHXH chỉ còn 20%, trong đó người lao động 5%, chủ sử dụng lao động 15%.

Đề xuất về mức đóng quỹ BHXH trên không mới khi hồi tháng 5-2023 đã có tám hiệp hội và đến tháng 8-2023 cũng có ý kiến tương tự.

Phải chia sẻ với các doanh nghiệp khi đề xuất giảm mức đóng quỹ BHXH do họ đang gặp nhiều khó khăn, muốn tiết giảm chi phí... Và cũng đúng là các nước có tỉ lệ đóng BHXH thấp hơn như Malaysia 16,5%, Ấn Độ 15,25%, Indonesia 10,26%, Thái Lan 5%...

Tuy nhiên, nguyên tắc của BHXH là đóng - hưởng, đảm bảo cân đối quỹ, hài hòa. Do vậy, đề xuất này vô hình trung quay trở lại "vòng luẩn quẩn": tỉ lệ đóng giảm, phải giảm tỉ lệ hưởng BHXH. Lương hưu của người lao động sẽ thấp hơn so với hiện hành.

Đúng là tỉ lệ đóng BHXH tại Việt Nam rất cao nhưng vì sao lương hưu không đủ sống? Vướng ở đâu? Thực trạng này ai cũng biết nhưng chưa được tháo gỡ. Đó là chúng ta chưa tính "đúng, đủ" tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Như năm 2022, bình quân tiền lương đóng bảo hiểm chỉ 5,73 triệu đồng/tháng, tương ứng với mức lương hưu bình quân của người hưởng lương hưu hiện nay khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng.

Liệu lương bình quân tháng của người Việt chỉ có trên 5,7 triệu đồng? Không! Thu nhập của nhiều người lao động vẫn rất cao nhưng lại núp dưới các khoản phụ cấp, khoản bổ sung khác... để không tính vào lương để đóng BHXH.

Từ đây đã nảy sinh bất hợp lý khác là tỉ lệ hưởng lương hưu ở Việt Nam cũng đang cao nhất khu vực, thậm chí cao nhất thế giới, nhưng lương hưu vẫn không đủ sống.

Hiện tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa của Việt Nam là 75% trong khi Trung Quốc, Hàn Quốc chỉ khoảng 40%. Giả sử cũng với tỉ lệ hưởng lương hưu đến 70% nhưng chúng ta đóng BHXH trên thu nhập thực tế, chắc chắn lương hưu khi đó... dư sống. Nhưng đó chỉ là mơ thôi.

Còn bây giờ, vì khó khăn trước mắt, chúng ta quay về mức đóng BHXH như năm 2009, điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn lương hưu của nhiều người trong 10 - 20 năm tới còn bèo bọt hơn cả mức "không đủ sống" hiện nay.

Hệ lụy là gì? Sẽ có thêm nhiều người thất vọng, chẳng ai trông chờ vào lương hưu, và chắc gì họ không tính đến phương án rút BHXH một lần. Cái vòng luẩn quẩn lại càng xoáy tít hơn nữa.

Rõ ràng, bài toán đóng BHXH và lương hưu phải là dài hơi và có chiến lược để xử lý, không thể làm theo kiểu "đẽo cày giữa đường". Càng ra sức "đẽo cày" để "sống qua ngày", càng khó cho về sau.

13 hiệp hội đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm xã hội13 hiệp hội đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm xã hội

Nhóm 13 hiệp hội, ngành hàng vừa có đề xuất giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên