28/04/2024 10:28 GMT+7

Đóng cao tốc bất ngờ tại nút An Phú, đội 6 Cục CSGT nói 'không có cách báo trước'

Đây là bức xúc của hàng ngàn người dân đi nghỉ lễ kẹt cứng tại nút giao An Phú và các tuyến đường xung quanh khi cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đóng - mở bất thình lình, không báo trước cho người dân chủ động.

Dòng xe ùn ứ nghiêm trọng trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, ngay tại nút giao An Phú - Ảnh: MINH HÒA

Dòng xe ùn ứ nghiêm trọng trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, ngay tại nút giao An Phú - Ảnh: MINH HÒA

Đóng cao tốc rồi mới báo, tài xế trở tay không kịp

Nhiều tài xế bức xúc vì khi chạy vào đường dẫn cao tốc mới biết đóng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn giao với đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức, nút giao thông An Phú) nên trở tay không kịp. Việc lực lượng Cục Cảnh sát giao thông đóng cao tốc bất thình lình cũng khiến giao thông trên đường Mai Chí Thọ, Lương Định Của ùn tắc nghiêm trọng vào mỗi dịp lễ, Tết.

Một cán bộ Đội cảnh sát giao thông Cát Lái cho biết khi đóng hẳn cao tốc sẽ phân luồng cho xe chạy ra đường Võ Nguyên Giáp để đi quốc lộ 1 hoặc phân luồng cho xe vào Đồng Văn Cống đi phà Cát Lái. Tuy nhiên khi cao tốc phân luồng "nhỏ giọt" thì không thể hướng dẫn tài xế đi hai hướng trên được mà vẫn để xe vào cao tốc vì tài xế phản ứng "tại sao xe kia đi được, tôi thì không đi được".

"Khi cao tốc phân luồng nhỏ giọt, các xe vẫn đi vào đường dẫn cao tốc và bị ùn ứ. Sau đó, ùn ứ kéo dài ra đường Mai Chí Thọ...", cán bộ này giải thích thêm.

Trao đổi vấn đề này, trung tá Hoàng Xuân Ân - đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 thuộc Phòng 6, Cục Cảnh sát giao thông (C08), Bộ Công an - cho biết việc đóng, mở cao tốc tại nút giao thông An Phú để phân luồng giao thông khi có tình huống sự cố (ùn tắc, tai nạn, cháy xe…) xảy ra trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Khi trên cao tốc có sự cố, lực lượng túc trực tại đầu đường cao tốc đóng lại, phân luồng các xe quay ra đường Mai Chí Thọ hoặc đứng yên tại chỗ. Sau đó mới thông báo vào nhóm riêng "phòng chống ùn tắc ở TP Thủ Đức".

Cũng theo trung tá Ân, trong nhóm này có các thành viên của Sở Giao thông vận tải TP.HCM; các đội cảnh sát giao thông Thủ Đức, Cát Lái... và có thành viên Kênh VOV Giao thông. Vì vậy sau khi đóng cao tốc thì thành viên Kênh VOV Giao thông mới cập nhật thông tin trên radio để tài xế biết. 

Việc đóng cao tốc rồi mới cập nhật trên radio khiến lượng xe đã đi vào đường dẫn cao tốc, "quay xe" không kịp, dẫn đến ùn tắc giao thông. Hoặc một số tài xế không nghe radio sẽ không biết.

Trung tá Ân cũng nói thêm không có kế hoạch đóng, mở cao tốc cụ thể nên không báo trước cho người dân biết. Hơn nữa lực lượng cũng không biết trước sự cố xảy ra trên cao tốc để mà thông báo trước, chỉ dựa vào tình hình giao thông thực tế.

Ông Ân thừa nhận việc đóng cao tốc đột ngột và hiện tại không có kênh nào khác để người dân biết trước sẽ đóng cao tốc mà tránh dồn ứ tại nút giao An Phú sẽ gây ùn tắc giao thông.

Xem lại phương án đóng mở linh hoạt

Theo ghi nhận chiều 27-4 (ngày đầu nghỉ lễ 30-4, 1-5), do lượng xe đổ dồn về cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây quá đông nên lực lượng Cục Cảnh sát giao thông một số lần đóng, mở cao tốc (đoạn nút giao thông An Phú) để phân luồng xe. Tuy nhiên do đóng bất thình lình, không nhận được thông tin trước, nhiều tài xế bất ngờ, đã lỡ vào đường dẫn rồi nên "chôn bánh" tại chỗ.

Đóng cao tốc bất thình lình khiến dòng xe trên đường Mai Chí Thọ chuẩn bị rẽ phải vào cao tốc bị ùn lại, gây kẹt xe - Ảnh: MINH HÒA

Đóng cao tốc bất thình lình khiến dòng xe trên đường Mai Chí Thọ chuẩn bị rẽ phải vào cao tốc bị ùn lại, gây kẹt xe - Ảnh: MINH HÒA

Dòng xe từ đường Mai Chí Thọ, Lương Định Của đổ về mỗi lúc một đông, khiến cho hàng ngàn xe bị dồn ứ. Tình huống này buộc xe phải quay đầu ra lại đường Mai Chí Thọ khiến nhiều tài xế luống cuống, không biết phải xử lý thế nào vì đã lỡ vào đường dẫn cao tốc nên "quay xe" không kịp.

Nhiều tài xế bức xúc cho rằng việc đóng mở cao tốc mục đích để phân luồng giao thông, giảm ùn tắc. Nhưng thực tế cũng chính việc này làm phát sinh ùn tắc trên đường dẫn và các tuyến đường xung quanh nên cần xem lại phương án phân luồng đóng mở linh hoạt. 

Đặc biệt là khâu phối hợp giữa các đơn vị, nếu có thông tin và tổ chức phân luồng từ xa tốt thì hạn chế rất nhiều tài xế đổ dồn vào nút giao An Phú và các tuyến đường xung quanh rồi "chôn chân" ở đó.

Bức xúc vì vào đường dẫn mới biết đóng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu GiâyBức xúc vì vào đường dẫn mới biết đóng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Do lượng xe đổ dồn về cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây quá đông nên cơ quan chức năng đóng mở linh hoạt để phân luồng, tuy nhiên do không thông báo trước khiến nhiều xe vào đường dẫn rồi "chôn bánh" tại chỗ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên