11/01/2021 21:12 GMT+7

Dòng vốn dịch chuyển, tìm sức bật cho kinh tế Việt Nam trong năm 2021

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Khi môi trường lãi suất ở Mỹ và hầu hết các quốc gia trên thế giới đang ở mức rất thấp, các quỹ đầu tư tại đó sẽ xem xét chuyển hướng đầu tư vào các thị trường mới nổi, cận biên như Việt Nam để tăng hiệu quả về lợi nhuận.

Dòng vốn dịch chuyển, tìm sức bật cho kinh tế Việt Nam trong năm 2021 - Ảnh 1.

Bối cảnh thế giới 2021 vẫn tiềm ẩn rất nhiều bất trắc do COVID-19, các doanh nghiệp Việt Nam đã cho thấy sự linh hoạt, thích ứng tốt của mình - Ảnh: N.B.

Theo ông Andy Ho - giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận đầu tư VinaCapital, với hiệu quả trong việc chủ động kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, sự ổn định về kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, uy tín của Việt Nam được củng cố và nâng cao trên trường quốc tế là cơ sở để các dòng vốn ngoại sẽ sớm quay lại Việt Nam.

Trao đổi về cơ hội đầu tư trong năm 2021 tại diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam thường niên 2021 tổ chức chiều 11-1 tại TP.HCM, ông Ho cho biết lãi suất ở Mỹ và hầu hết các quốc gia trên thế giới đang ở mức rất thấp, nên các quỹ đầu tư tại các nước này sẽ xem xét chuyển hướng đầu tư vào các thị trường mới nổi, cận biên, trong đó có Việt Nam, để tăng hiệu quả về lợi nhuận.

"Yếu tố lãi suất sẽ ảnh hưởng nhiều tới suy nghĩ đầu tư. Khi lãi suất đi xuống, nhà đầu tư rút tiền từ bất động sản, tiết kiệm vào chứng khoán, đầu tư lâu hay ngắn cũng phải phụ thuộc vào lãi suất. Với nhà đầu tư nước ngoài, họ quan tâm và muốn có cơ chế rõ ràng, tạo điều kiện được đầu tư ở Việt Nam, cũng như bảo vệ được các sở hữu trí tuệ", ông Ho nhận định xu hướng đầu tư trong năm 2021.

Theo TS Trần Hồng Quang - viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch - đầu tư, năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Trong 10 năm tới, Việt Nam kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7%/năm.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thành - thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - đã chỉ ra những động lực tăng trưởng mới của Việt Nam trong bối cảnh thế giới 2021 vẫn tiềm ẩn rất nhiều bất trắc từ COVID-19, cũng như những mối căng thẳng thương mại quốc tế song phương.

Theo đó, kinh tế Việt Nam trong năm 2021 khởi sắc nhờ sự phục hồi sức mua thị trường nội địa, đầu tư tư nhân và xuất khẩu sang EU và ASEAN. Ngoài ra, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và chủ động đàm phán với đối tác thương mại lớn cần phải là ưu tiên chính sách trong năm nay để hỗ trợ tăng trưởng.

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là thúc đẩy đầu tư công, cùng với những giải pháp của Chính phủ ứng phó với dịch COVID-19. Những nỗ lực này đã tác động tích cực tới sự phát triển của nền kinh tế, và hiệu ứng này sẽ kéo sang 2021.

"Đầu tư công đóng vai trò vô cùng quan trọng trong ngắn hạn và cả dài hạn, bởi đó chính là trụ cột của nền kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, 1 đồng đầu tư công có tác động và lan tỏa đến 4,2 đồng đầu tư tư nhân. Nếu cứ tăng giải ngân 1% đầu tư công thì GDP tăng thêm 0,06%.

Trong năm 2020 vừa qua, tiến độ giải ngân đầu tư công nhanh đã tác động rất tốt đến sự phát triển của nền kinh tế", ông Lâm nhận định.

'Thời điểm thuận lợi cho Việt Nam thu hút có chọn lọc dòng vốn FDI'

TTO - Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định như vậy khi chủ trì cuộc họp tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài do ông làm tổ trưởng ngày 23-7.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên