05/07/2021 06:32 GMT+7

Đợt 4 dịch COVID-19, người nghèo ở TP.HCM kiệt sức với tiền trọ, bữa cơm...

DIỆU QUÍ - MẠNH DŨNG
DIỆU QUÍ - MẠNH DŨNG

TTO - Vừa gọi điện nói chuyện lo lắng tiền học phí với hai cậu con trai, chị Ly lại thở dài vô bếp bắc cơm chuẩn bị bữa tối. Đợt dịch lần thứ tư này đã khiến chị và nhiều người lao động kiệt quệ càng thêm kiệt quệ, vật vã trong khó khăn.

Đợt 4 dịch COVID-19, người nghèo ở TP.HCM kiệt sức với tiền trọ, bữa cơm... - Ảnh 1.

Dịch giã, người bán hàng rong ế ẩm, lẻ loi giữa phố vắng bóng người - Ảnh: MẠNH DŨNG

Hơn nửa tháng nay, chị Đặng Thị Ly (28 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) cả ngày hầu như chỉ quẩn quanh căn trọ 15m² nóng hầm hập. Nỗi nhớ con hòa vào sự lo toan tiền bạc, cơm áo từng ngày kể từ khi chị chính thức thất nghiệp. Bữa cơm vợ chồng chỉ có đúng vài mẩu cá nhỏ và tô canh lõng bõng.

Mất việc, giảm giờ làm vì dịch

Vợ chồng chị Ly quê ở Hải Dương, mới vào Sài Gòn cuối tháng 4-2021 sau khi không tìm được việc. Chị được người quen giới thiệu vào làm việc tại một công ty may ở quận Gò Vấp, còn chồng làm công ty trong Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7.

Chị mới làm được hơn một tháng thì Gò Vấp thực hiện chỉ thị 16. Con hẻm nơi chị Ly làm việc bị phong tỏa do có ca nhiễm COVID -19 khiến chị rơi vào thế khó chồng thêm khó. "Đơn hàng bị ảnh hưởng, công ty quyết định cắt giảm nhân sự để đỡ chi phí, nên tôi mất việc hồi giữa tháng 6", cô công nhân chùng giọng kể.

Cầm số tiền lương 6 triệu đồng đầu tiên từ khi vào Nam, chị Ly gửi về quê 3 triệu phụ mẹ già nuôi hai con trai đang tuổi ăn học, còn lại để đóng tiền trọ, đi chợ, phòng ốm đau những ngày thất nghiệp.

Chồng chị Ly - anh Lê Văn Khánh - không mất việc nhưng bị giảm giờ làm để tránh đông người. Anh định đăng ký chạy xe ôm công nghệ buổi tối để có thêm trang trải, nhưng chị bảo tạm thôi vì sợ chồng quá sức dễ sinh bệnh.

Những ngày mất việc, chị Ly có thời gian rảnh nên mỗi ngày đều gọi video về dạy con trai út 6 tuổi đánh vần, tập đọc. Để cầm cự qua mùa dịch, hai vợ chồng bảo nhau thắt chặt chi tiêu, ăn uống tiết kiệm vì giờ tiền trọ, điện nước, chợ búa và gửi về quê nuôi hai con đều trông cậy vào tiền lương vài triệu đồng của anh Khánh.

"Tôi mua thùng mì tôm để sẵn, vài hôm mới dám ăn tí thịt cá để chồng có sức đi làm. Giờ tiền chợ phải hết sức dè sẻn, vì thực phẩm lên giá, lương mình lại mất, muốn tiêu một đồng cũng phải suy đi nghĩ lại. Hai đứa con chuẩn bị năm học mới, mới gọi xin mẹ cho tiền mua tập sách, đồng phục. Nếu tôi còn đi làm thì gánh nặng sẽ đỡ hơn, nhưng giờ đang bùng dịch, xin việc ở đâu cũng khó", chị Ly buồn bã nói và cho biết đợi dịch tạm lắng xuống, chị sẽ nộp đơn xin việc ở các xí nghiệp khác.

Rất nhiều người đang rơi vào cảnh khổ như chị Ly. Dịch giã, phải giảm giờ làm, thậm chí thất nghiệp hoàn toàn đã cuốn phăng những đồng tiền ít ỏi của người nghèo. Họ rơi vào cảnh kiệt quệ khi tình trạng khó khăn kéo dài suốt từ hồi bùng dịch đầu năm 2020 đến nay. Đặc biệt là với đợt dịch lần thứ tư vẫn đang diễn biến quá phức tạp ở thành phố này.

Anh Nguyễn Thanh Hải (ngụ quận Bình Thạnh) cũng đang thắt lưng buộc bụng từng ngày. Anh Hải vốn là nhân viên phục vụ khách sạn, nhưng từ năm ngoái khi phải đóng cửa hết lần này đến lần khác do dịch bệnh, nơi anh làm việc chọn phương án giải thể để cắt lỗ.

Mất việc đột ngột, anh Hải đăng ký làm tài xế xe ôm công nghệ, chở khách, giao hàng và đồ ăn để kiếm tiền trang trải. Cực nhọc, cả ngày anh phơi mặt ngoài đường, nắng mưa, mệt mỏi cũng không dám nghỉ. 

"Nghỉ là đói ngay, tôi phải làm để đóng tiền trọ đang nợ tháng trước với tháng này, rồi ăn uống. Rồi còn phải gửi về quê nuôi em trai đi học, bao nhiêu thứ phải lo", anh Hải nói và vội rời đi khi điện thoại báo có đơn mới.

Ở góc phòng trọ trên đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân, vợ chồng anh Trần Văn Bảy cũng đang ngồi đếm từng ngày mong giảm dịch để được đi làm lại. 

"Tôi phụ quán ăn, nhưng quán đóng cửa cả tháng rồi, không còn đồng thu nhập nào hết. Chỉ có mỗi việc ở xưởng dập đinh của ảnh, nhưng giờ ngày làm ngày nghỉ. Chủ ráng lắm cũng chỉ trả được lương 4 triệu đồng một tháng. Hai vợ chồng, một đứa con trọ ở thành phố và cha mẹ già ở quê dựa hết vào đây để sống. Làm sao mà đủ?", vợ anh Bảy nói.

Anh Bảy ngồi bên vợ tâm sự giờ rảnh quá, vợ chồng muốn làm thêm mà chưa biết làm gì. Họ thấy người bán vé số cùng xóm trọ ngày nào cũng ế ẩm, nên không dám nhận vé số đi bán. "Còn đi tìm việc lúc này khó hơn đi lượm tiền rớt xuống đất. Có mấy nơi chịu nhận người trong lúc khó này đâu", anh Bảy trĩu giọng tâm sự.

Đợt 4 dịch COVID-19, người nghèo ở TP.HCM kiệt sức với tiền trọ, bữa cơm... - Ảnh 2.

Chị Đặng Thị Ly nấu bữa cơm dè sẻn cho vợ chồng cầm cự qua mùa dịch - Ảnh: DIỆU QUÍ

Hàng rong lây lất ế ẩm

Khi các công viên ngừng hoạt động để phòng dịch, chị Nguyễn Thị Phấn (39 tuổi, bán hàng rong ở công viên đường Tầm Vu, quận Bình Thạnh) lúc nào cũng buồn lo. 

"Đợt dịch này bị ảnh hưởng nặng nề kéo dài hơn các lần trước. Mọi khi tôi bán từ 5 giờ chiều tới 12 giờ đêm cũng được vài trăm nghìn do người ta đi bộ đông, sinh viên cũng ra đây ăn uống. Còn giờ vắng bặt, người bán nhiều hơn người mua. Ế ẩm lắm, nên tôi phải dọn hàng sớm", người phụ nữ quê Hà Nội cho biết.

Chồng chị Phấn cũng bán hàng rong gần cầu Bình Triệu, đã nghỉ hơn một tháng nay vì càng bán càng lỗ. Giờ gánh nặng đè lên vai chị Phấn là các khoản tiền trọ, thực phẩm tăng giá, nợ tiền hàng, tiền gửi về quê nuôi 3 đứa con.

Trên con đường Trần Văn Giàu, quận Bình Tân, vợ chồng chị Lý Thị Hà cũng đang trĩu bước chân với xe trái cây dạo không có mấy người mua. Trước khi xảy ra đợt dịch thứ tư, họ bán trái cây trước Công ty Pouyuen cũng tạm đủ thu nhập cho cuộc sống, nhưng hiện nơi này đã bị cấm bán vì có ca nhiễm. 

"Các chợ cũng đóng cửa luôn. Tụi tôi không biết bán ở đâu bây giờ. Đành đẩy xe lang thang ngoài đường, được đồng nào hay đồng đó. Còn hơn nằm không ở nhà", chị Hà thở dài nói. Chị cho biết thêm vợ chồng tuân thủ quy định chống dịch của thành phố, nhưng cũng rất lo, không biết bao giờ mới được bán trở lại.

Cả tháng nay, họ chỉ dám nấu ăn một buổi sáng để cơm nguội cho cữ tối. Tất cả ăn uống trong một ngày phải gói ghém trong 50.000 đồng, không được phép hơn, vì họ còn phải gửi về quê cho ông bà ngoại đang giữ con của mình ở Kiên Giang.

"Tôi đã bán cái nhẫn vàng 1 chỉ duy nhất phòng thân để xoay xở tạm hơn một tháng khó khăn. Tình hình này nếu kéo dài nữa thì không biết thế nào đây" - chị Hà trĩu giọng.

Đợt 4 dịch COVID-19, người nghèo ở TP.HCM kiệt sức với tiền trọ, bữa cơm... - Ảnh 3.

Nhiều tấm lòng sẻ chia với người khó khăn - Ảnh: DIỆU QUÍ

Chắt bóp từng đồng nhưng cũng không còn

Trò chuyện với những người lao động mất việc, bị giảm giờ làm và người buôn bán hàng rong ế ẩm, chúng tôi đều nghe câu trả lời "giải pháp" giống nhau: cố gắng chắt bóp chi tiêu, dè sẻn từng đồng, kể cả từng miếng ăn để cầm cự qua mùa dịch. Tuy nhiên, sự cố gắng này đã được thực hiện suốt từ năm ngoái đến giờ nên nhiều người thật sự kiệt quệ, "chẳng còn gì để mà chắt bóp nữa".

Chị Lý Mỹ Linh, quê Bạc Liêu, làm thợ gội đầu không có hợp đồng ở đường số 1 (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân) kể mình chỉ được chủ tiệm trả 20% trên số tiền gội đầu cho khách.

"Suốt từ hồi đầu năm 2020 đến nay, tháng nào tôi làm may mắn lắm thì đủ chi tiêu cho hai mẹ con, còn không thì thiếu trước hụt sau, phải mượn đầu này, đắp đầu kia. Ngay ngày tiệm phải đóng cửa cách đây một tháng theo chỉ thị phòng dịch, tôi rời khỏi tiệm mà chỉ còn vỏn vẹn 175.000 đồng trong túi. Lấy gì mà tiết kiệm bây giờ?", chị Linh chùng giọng nói mình đang thật sự khó khăn và hầu hết bạn bè cũng thế.

Nợ nần giật gấu vá vai. Ai cũng đang xoay xở từng ngày, ngay cả trong miếng ăn tối thiểu nhất để tồn tại.

230.000

Đó là số lượng lao động tự do ở TP.HCM bị giảm sâu thu nhập hoặc mất việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, theo thống kê từ Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM.

(Còn tiếp)

Đồng loạt khai trương 7 Đồng loạt khai trương 7 'gian hàng 0 đồng' giúp bà con nghèo vượt qua COVID-19

TTO - Ngày 3-7, đồng loạt 7 phường, xã của TP Châu Đốc, An Giang tổ chức khai trương 'cửa hàng 0 đồng' nhằm chia sẻ khó khăn với bà con trong bối cảnh COVID-19 bùng phát hiện nay.

DIỆU QUÍ - MẠNH DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên