30/11/2023 17:36 GMT+7

Dự án đội vốn hàng trăm tỉ đồng, chủ đầu tư xin… rút kinh nghiệm

Nhiều dự án tại Đắk Lắk đội vốn hàng trăm tỉ đồng, chậm tiến độ nhưng chủ đầu tư chỉ xin kiểm điểm để xin chủ trương điều chỉnh quyết định đầu tư.

Dự án đường tránh Đông vẫn đang thi công khoảng 70% khối lượng dù đã được cấp bù vốn - Ảnh: TÂM AN

Dự án đường tránh Đông vẫn đang thi công khoảng 70% khối lượng dù đã được cấp bù vốn - Ảnh: TÂM AN

Ngày 30-11, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột (đường tránh Đông) do đội vốn hàng trăm tỉ đồng.

Dự án giao thông đội vốn hơn 300 tỉ đồng

Dự án đường tránh Đông có chiều dài hơn 39,6km, qua địa bàn ba huyện Cư M'gar, Cư Kuin, Krông Pắk và TP Buôn Ma Thuột, tổng vốn phê duyệt ban đầu hơn 1.500 tỉ đồng.

Theo quyết định điều chỉnh của bộ, thời gian thực hiện dự án từ năm 2020, cơ bản hoàn thành trong năm 2024 và hoàn thành thủ tục đưa vào khai thác năm 2025. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh hơn 1.841 tỉ đồng, tăng 332 tỉ đồng.

Đến nay nhiều hộ dân tự nguyện cắt bỏ cây trồng, giao đất cho dự án đường tránh Đông nhưng việc bồi thường chưa thực hiện - Ảnh: TÂM AN

Đến nay nhiều hộ dân tự nguyện cắt bỏ cây trồng, giao đất cho dự án đường tránh Đông nhưng việc bồi thường chưa thực hiện - Ảnh: TÂM AN

Để có vốn điều chỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk thống nhất tạm dừng ba dự án.

Đó là các dự án: hệ thống cấp nước liên xã tại huyện M'Đrắk (90 tỉ đồng); trục đường số 14 thuộc quy hoạch phân khu 1/2000 khu đô thị mới đồi thủy văn TP Buôn Ma Thuột (180 tỉ đồng); đầu tư xây dựng và chỉnh trang đô thị khu trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2 (79 tỉ đồng).

Lý giải về việc đội vốn và trách nhiệm của các bên liên quan, lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp - phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban A, chủ đầu tư) nói đơn vị lập báo cáo nghiên cứu khả thi chưa lường hết được những biến động lớn trong quá trình triển khai dự án. 

Điều này làm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công trình. Theo Ban A, đơn vị tư vấn nhận trách nhiệm và lãnh đạo Ban A cũng có nhiều văn bản gửi tỉnh để báo cáo, xin rút kinh nghiệm về việc này.

Tuy đã được bổ sung vốn, song việc thi công dự án vẫn còn chậm. Thống kê của Ban A cho thấy đến cuối tháng 10-2023 đã bàn giao mặt bằng thi công hơn 27km đường, đạt tỉ lệ 68,21% so với tổng chiều dài toàn tuyến.

Dự án chậm tiến độ còn có nguyên nhân nắn hướng tuyến so với phê duyệt ban đầu ở nút đầu tuyến.

Ban đầu, nút đầu tuyến đường tránh Đông giao với quốc lộ 14 đoạn qua xã Cuôr Đăng (huyện Cư M'Gar), nối thông với đường tránh thị xã Buôn Hồ được đầu tư, hoàn thành trước đó.

Nhưng tháng 10-2018, Bộ Giao thông vận tải có văn bản đồng ý điều chỉnh điểm đầu dự án đường tránh Đông TP Buôn Ma Thuột đến một vị trí khác cách đó gần 1km, ngay chợ Cuôr Đăng trên quốc lộ 14.

Việc nắn tuyến này dẫn đến việc phải bồi thường giải phóng mặt bằng nhiều hộ dân (tuyến cũ là "đất sạch" - PV), phải lập dự án tái định cư khiến dự án bị dây dưa. 

Ngoài ra, ngay gói thầu này, một đơn vị liên doanh đã tạm ứng 40 tỉ đồng nhưng không thi công cũng khiến thời gian kéo dài.

Được cấp thêm vốn vẫn thi công… cầm chừng

Dự án hồ Yên Ngựa có khối lượng thi công rất thấp - Ảnh: TÂM AN

Dự án hồ Yên Ngựa có khối lượng thi công rất thấp - Ảnh: TÂM AN

Một dự án khác do Ban A làm chủ đầu tư cũng đội vốn hàng trăm tỉ đồng và hầu như đang "giậm chân tại chỗ" dù gần hết thời gian.

Đó là dự án hồ chứa nước Yên Ngựa, có tổng mức đầu tư dự án 305,5 tỉ đồng, cấp nước tưới 350ha lúa tại huyện Lắk và 400ha cây trồng khác cho huyện Cư Kuin.

Tuy nhiên, khi dự án chưa xong giai đoạn 1 thì đã tạm dừng thi công do chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 480 tỉ đồng, tăng 174,5 tỉ đồng so với trước. Nguyên nhân tăng vốn, theo Ban A, chủ yếu vốn giải phóng mặt bằng từ mức 47,8 tỉ đồng lên hơn 181 tỉ đồng (tăng 3,8 lần).

Tỉnh Đắk Lắk phải điều chuyển 96 tỉ đồng vốn của dự án hồ chứa nước Ea Khít để bổ sung cho hồ chứa nước Yên Ngựa, số vốn còn lại sẽ tìm nguồn bố trí tiếp.

Đầu tháng 1-2023, UBND tỉnh Đắk Lắk đã cho chủ trương tạm ứng 75 tỉ đồng từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách tỉnh năm 2021 để chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân trong vùng dự án.

Tuy nhiên đến nay, công trình hồ chứa nước Yên Ngựa chỉ mới cơ bản hoàn thành một đập tràn, những hạng mục khác hầu như chưa thực hiện.

Loạt dự án điện chậm tiến độ gây thiếu điện, trách nhiệm do ai?Loạt dự án điện chậm tiến độ gây thiếu điện, trách nhiệm do ai?

Việc để các dự án điện chậm tiến độ được Thanh tra Bộ Công Thương xác định là do trách nhiệm của EVN. Song cần đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân để đẩy nhanh dự án nhằm sớm khắc phục tình trạng thiếu điện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên