20/03/2013 08:46 GMT+7

Dự án sửa chữa Quốc lộ 5: Chờ vay vốn

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TT - Dự kiến tháng 4 tới dự án sửa chữa mặt đường quốc lộ (QL) 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng sẽ hoàn thành. Nhưng sau khi động thổ thí điểm sửa chữa vài trăm mét mặt đường dịp trước Tết Nguyên đán, đến nay dự án vẫn chưa thể khởi công do vướng mắc về cơ chế huy động vốn.

eKZ0okOI.jpgPhóng to
Mặt đường quốc lộ 5 xuống cấp, nứt nẻ đang chờ vốn sửa chữa Ảnh: Thân Hoàng

QL5 là đường huyết mạch từ Hà Nội đi qua một loạt khu vực dân cư đông đúc và có các khu công nghiệp lớn của Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng, kết nối với các cảng biển phía Bắc. Đến nay, QL5 có lưu lượng xe cộ rất lớn nhưng qua 14 năm khai thác, mặt đường đã xuống cấp, hư hỏng nhiều chỗ.

Tổng mức đầu tư của dự án hơn 793 tỉ đồng, trong đó phần sửa chữa mặt đường hơn 753 tỉ đồng và xây dựng một trạm cân xe với chi phí khoảng 40 tỉ đồng. Theo văn bản số 1337/TTg - KTN ngày 4-9-2012, Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ GTVT vay vốn của Ngân hàng Phát triển VN (BDV) để thực hiện dự án này. Nguồn trả nợ 50% vốn vay và lãi vay được lấy từ hai trạm thu phí trên QL5, 50% còn lại được lấy từ quỹ bảo trì đường bộ (thu từ 1-1-2013).

Hiện trên QL5 chỉ có đoạn km 78+500 qua địa phận TP Hải Phòng đang được liên danh nhà thầu Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông số 1 (Cienco 1) - Công ty TNHH Hall Brothers thí điểm thi công tái tạo mặt đường bằng công nghệ cào bóc tái chế. “Khi việc thí điểm thành công mới áp dụng đại trà và thanh toán tiền cho nhà thầu bằng nguồn vốn của dự án. Nhưng đến nay vẫn đang chờ Thủ tướng quyết định việc cho vay vốn” - một lãnh đạo Ban quản lý dự án 2 (PMU 2 - thay mặt Tổng cục Đường bộ VN quản lý dự án) cho biết.

Mặc dù Thủ tướng đã cho phép Bộ GTVT vay vốn của BDV để thực hiện dự án và ghi rõ nguồn vốn trả nợ được lấy từ đâu, tuy nhiên theo quy định tại nghị định 75/2011 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, việc cho vay dự án đang bị vướng.

“Theo nghị định 75, để vay vốn của BDV thì chủ đầu tư phải có phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, bảo đảm trả được nợ; có tài sản cầm cố, thế chấp. Nhưng Bộ GTVT là cơ quan quản lý nhà nước nên không thuộc đối tượng vay được quy định trong nghị định. Hơn nữa với dự án làm đường giao thông thì việc đánh giá, thẩm định hiệu quả dự án cụ thể như phương án sản xuất, kinh doanh là rất khó khi hiệu quả dự án được đánh giá gián tiếp qua hoạt động vận tải, phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy phải chờ các bộ ngành thống nhất, xin Thủ tướng cơ chế để được vay vốn cho dự án sửa chữa mặt đường QL5” - lãnh đạo PMU 2 cho biết.

Ngoài ra, hai trạm thu phí trên QL5 đã được Chính phủ cho phép Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN sử dụng để đầu tư đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo hình thức BOT. Vì vậy, nếu muốn sử dụng nguồn thu từ hai trạm thu phí này để trả nợ tiền vốn vay cho dự án sửa chữa mặt đường QL5 thì các bộ ngành phải điều chỉnh hợp đồng BOT đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Để giải quyết những khó khăn trên, cuối tháng 11-2012 Bộ GTVT có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị về việc miễn thẩm định và miễn bảo đảm tiền vay đầu tư dự án sửa chữa mặt đường QL5 theo nghị định 75/2011. Sau đó, Chính phủ tiếp tục giao Bộ GTVT chủ trì cuộc họp với các bộ và BDV để bàn bạc về vấn đề này. Tại cuộc họp mới đây, các bộ ngành liên quan đã thống nhất xin Thủ tướng cơ chế đặc thù, miễn việc đảm bảo bằng tài sản thế chấp vì nguồn trả nợ vay từ quỹ bảo trì đường bộ và từ hai trạm thu phí cũng đã rõ. Ngoài ra, cần phải ổn định chủ trương thu phí ở hai trạm thu phí QL5.

Kéo dài đến bao giờ?

Ngày 15-4-2005, UBND TP Hà Nội phê duyệt quyết định đầu tư dự án QL5 kéo dài với tổng số vốn là 3.532 tỉ đồng. Đây là tuyến đường đô thị chính cấp I được xây dựng hiện đại với chiều dài 13,32km, từ Cầu Chui (Q.Long Biên) đến khu đô thị Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh). Chủ đầu tư là Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn, đơn vị thi công là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông số 1.

Theo dự kiến ban đầu, công trình sẽ hoàn thành sau ba năm thi công. Nhưng đến nay qua nhiều lần điều chỉnh tiến độ với số vốn đầu tư tăng lên đến hơn 6.661 tỉ đồng, dự án này vẫn trong tình trạng làm ì ạch mãi không xong.

Ông Phạm Văn Duẩn, trưởng phòng thực hiện của Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn (đại diện chủ đầu tư), cho biết có ba nguyên nhân khiến tiến độ thi công dự án bị trì trệ, trong đó quan trọng nhất là do vướng mắc về giải phóng mặt bằng ở hai xã Đông Hội và Xuân Canh (huyện Đông Anh).

Ông Nguyễn Lê Hiến - phó trưởng ban giải phóng mặt bằng huyện Đông Anh - thừa nhận việc giải phóng mặt bằng tại xã Đông Hội quá chậm so với kế hoạch do thiếu quỹ đất tái định cư. Đến nay, địa phương hoàn thành giải phóng mặt bằng trên 90% diện tích đất và giao cho dự án 68,56ha đất. Số còn lại do người dân chưa đồng thuận với giá bồi thường nên chưa bàn giao đất. Ông Hiến khẳng định đến tháng 4 huyện Đông Anh sẽ giải phóng mặt bằng xong để bàn giao cho chủ đầu tư dự án QL5 kéo dài.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên