08/11/2023 13:05 GMT+7

Du lịch Lai Châu phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn Tây Bắc

Du lịch Lai Châu đặt mục tiêu phấn đấu sớm đưa Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn, điểm nhấn trên hành trình khám phá Tây Bắc.

Ruộng bậc thang Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, mùa lúa chín - Ảnh: SÙNG THỊ MÀO

Ruộng bậc thang Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, mùa lúa chín - Ảnh: SÙNG THỊ MÀO

Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại tọa đàm đánh giá sản phẩm du lịch Lai Châu do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu tổ chức đầu tháng 11.

Du lịch Lai Châu thừa tiềm năng, thiếu thông tin

Tại tọa đàm, ông Hải cho biết tiềm năng du lịch Lai Châu được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh sắc kỳ vĩ, hoang sơ, những cung đường huyền thoại (đèo Ô Quy Hồ) và những đỉnh núi cao thuộc tốp đầu của Việt Nam và Đông Nam Á.

Những đỉnh núi cao trên 3.000m như Pu Si Lung, Pu Ta Leng, Bạch Mộc Lương Tử (3.046m)… với bạt ngàn sắc hoa đỗ quyên, thảm thực vật phong phú, biển mây bồng bềnh... đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Trên địa bàn Lai Châu còn có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như khu du lịch Cầu Kính Rồng Mây, khu du lịch Cổng Trời, khu hang động Pusamcap, điểm du lịch mạo hiểm dù lượn bay trên nóc nhà Đông Dương gắn với trải nghiệm văn hóa bản Sì Thâu Chải, bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (đoạt giải bản du lịch cộng đồng ASEAN năm 2023)...

"Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Lai Châu vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có. Các chuyên gia đánh giá thực trạng du lịch của Lai Châu hiện nay là 'thừa tiềm năng, thiếu thông tin, ít sản phẩm'.

Lượng khách du lịch hằng năm đến Lai Châu chưa nhiều. Tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch còn thấp so với cả nước, chưa thu hút được thị trường du khách cao cấp, sản phẩm du lịch chưa phong phú…" - ông Hải nói.

Ông Hải cũng cho biết nhận thức được những hạn chế đó, tỉnh Lai Châu đang nỗ lực cải thiện và xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng. Lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe, trao đổi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.

"Du lịch Lai Châu đặt mục tiêu phấn đấu sớm đưa Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn ở khu vực Tây Bắc, là điểm nhấn của du khách trên hành trình khám phá Tây Bắc, xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng, có thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam" - ông Hải nhấn mạnh.

Tại buổi tọa đàm, đại biểu, đại diện các doanh nghiệp lữ hành đã chỉ ra vấn đề tỉnh Lai Châu cần điều chỉnh, thay đổi phương pháp thực hiện như cách thức quảng bá, đào tạo nhân lực địa phương, trình độ và thái độ phục vụ khách của các tổ chức, cá nhân làm du lịch.

Đồng thời kiến nghị Lai Châu cần có sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng biệt, có sự giao thoa giữa cổ truyền và hiện đại, đẩy mạnh liên kết hợp tác với các địa phương phát triển mạnh về du lịch…

Ông Tống Thanh Hải khẳng định tỉnh Lai Châu cam kết luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ và chia sẻ cùng các doanh nghiệp lữ hành, du khách trong quá trình triển khai, thực hiện chương trình tour và các hoạt động du lịch tại địa phương.

Bản du lịch cộng đồng Lao Chải, xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu - Ảnh: NGỌC QUANG

Bản du lịch cộng đồng Lao Chải, xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu - Ảnh: NGỌC QUANG

Gắn chuyển đổi số với du lịch thông minh

Ông Trần Quang Kháng - phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu - cho biết phấn đấu đến năm 2030, du lịch Lai Châu sẽ trở thành ngành kinh tế có vai trò quan trọng của tỉnh.

Để thực hiện mục tiêu này, Lai Châu xác định ưu tiên phát triển du lịch thông minh thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.

"Chúng tôi đã xây dựng website Hệ thống du lịch thông minh tỉnh Lai Châu (https://dulich.laichau.gov.vn) và đi vào hoạt động từ tháng 11-2021. Hiện chúng tôi đã hoàn thiện và đưa vào vận hành một số nội dung của Hệ thống du lịch thông minh sử dụng công nghệ Panorama 360 và công nghệ 3D.

Trong đó, phân hệ khám phá 3D đã cập nhật được hình ảnh và thông tin của 11 bản du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh cùng với bản đồ 3D như bản Thu Lũm, bản Si Phay, thị trấn Sìn Hồ, thác Giếng Tiên, bản Sin Suối Hồ, bản Sì Thâu Chải...

Qua đó, đem đến cho du khách trải nghiệm mới, ấn tượng về điểm đến của Lai Châu ngay cả khi du khách chưa từng đặt chân đến.

Đây là giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy chuyển đổi số gắn với phát triển du lịch, góp phần quảng bá những hình ảnh chân thực, sinh động nhất về các điểm du lịch cộng đồng của tỉnh Lai Châu đến du khách trong nước và quốc tế..." - ông Kháng nói.

Nét đẹp người Thái Trắng ở huyện Phong Thổ, Lai Châu - Ảnh: C.TUỆ

Nét đẹp người Thái Trắng ở huyện Phong Thổ, Lai Châu - Ảnh: C.TUỆ

Ông Kháng cho biết thời gian tới, ngành du lịch Lai Châu sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh để kết nối các dịch vụ phục vụ du khách như thanh toán điện tử trực tuyến trên các thiết bị di động thông minh, tiến tới công nghệ số hóa các điểm đến quan trọng của tỉnh như các điểm di tích, du lịch tâm linh, bảo tàng...

Đồng thời, tỉnh tiếp tục tăng cường, nâng cao năng lực quảng bá du lịch qua các website dulichlaichau.vn, dulichtaybac.vn… và liên kết các trang mạng xã hội như fanpage, YouTube, Facebook nhằm đẩy mạnh kết nối thông tin với du khách và doanh nghiệp.

‘Vua’ đèo Ô Quy Hồ: Điểm đến thu hút ‘phượt thủ’‘Vua’ đèo Ô Quy Hồ: Điểm đến thu hút ‘phượt thủ’

Sở hữu tiềm năng du lịch phong phú cùng không khí mát mẻ, trong lành, đèo Ô Quy Hồ là lựa chọn lý tưởng của dân phượt mỗi khi đến Lai Châu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên