24/10/2017 14:14 GMT+7

Đừng bao giờ cầm bút khi dạy kèm

TTO - Cách tốt nhất để giúp sinh viên hiểu và nắm kiến thức là chỉ dùng lời nói dẫn dắt họ qua từng bước một, thay vì viết ra một phần của lời giải để gợi ý.

Đừng bao giờ cầm bút khi dạy kèm - Ảnh 1.

Tôi là sinh viên năm cuối ở một trường đại học thuộc bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Trước khi năm học mới bắt đầu, tôi được ba giáo sư ở khoa toán và khoa kinh tế học giới thiệu làm gia sư lớp toán giải tích, kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô. 

Với mỗi lớp, tôi sẽ dành 2-3 tiếng ngồi trong một phòng học, sinh viên có nhu cầu cần được dạy kèm sẽ đến gặp tôi trong khoảng thời gian này.

Mục đích của việc dạy kèm không nhằm để giải giúp bài tập cho sinh viên. Gia sư sẽ giúp sinh viên hiểu tốt hơn những kiến thức họ học trong lớp, những bài tập áp dụng mà giáo sư không có thời gian giảng giải chi tiết. 

Trước khi dạy, các gia sư phải trải qua hai buổi huấn luyện những kỹ năng cần thiết để có thể giúp sinh viên tốt nhất.

Chúng tôi được hướng dẫn cách chào hỏi và cười với sinh viên để xua đi không khí căng thẳng, cách vừa kiên nhẫn lắng nghe sinh viên chia sẻ những kiến thức họ không hiểu, vừa gật đầu để tạo cảm giác gần gũi, thấu hiểu.

Lời khuyên về kỹ năng gia sư mà tôi ấn tượng nhất chính là: đừng bao giờ cầm bút khi dạy kèm. Ở những buổi đi dạy kèm đầu tiên, tôi vẫn không thể bỏ thói quen cầm bút trên tay. Đôi khi trong quá trình hướng dẫn sinh viên giải bài tập, tôi lại mất kiên nhẫn và tự viết ra một phần của lời giải. 

Cách tốt nhất để giúp sinh viên hiểu và nắm kiến thức là chỉ dùng lời nói dẫn dắt họ qua từng bước một, thay vì viết ra một phần của lời giải để gợi ý. Vậy nên tôi đã luyện thói quen không cầm bút khi dạy kèm.

Mỗi lần sinh viên cần giúp đỡ giải bài tập, câu hỏi đầu tiên của tôi luôn là: "Bạn đã thử tự mình giải bài này chưa?". Sau đó tôi sẽ yêu cầu sinh viên trình bày những gì họ đã tự làm và họ dừng lại ở bước nào. Khi hiểu được nguyên nhân họ không làm được bài, tôi tìm cách dẫn dắt họ qua từng bước trong bài giải.

Tôi thường đưa ra rất nhiều câu hỏi, ví dụ: "Bạn đã sử dụng hết tất cả dữ liệu đề bài cho chưa?", "Bạn rút ra được điều gì từ dữ liệu này?", "Bạn có thấy phương trình này quen không? Bạn đã học nó ở chương nào?". 

Đôi khi một nhóm sinh viên đến hỏi tôi chung một vấn đề, tôi sẽ giảng giải cho họ cùng lúc. Chỉ cần 1-2 sinh viên trong nhóm hiểu được những gì tôi giảng, họ sẽ truyền lại cách hiểu của họ cho các sinh viên còn lại. 

Tôi rất khuyến khích điều này, không chỉ vì tôi sẽ có khoảng 5 phút nghỉ mệt trong lúc chờ họ tự hướng dẫn nhau, mà còn vì "học thầy không tày học bạn".

Với kỹ năng "không cầm bút khi dạy kèm", rất nhiều sinh viên sau khi đến gặp tôi lần đầu đã thường xuyên trở lại vào các tuần sau. 

Họ đến không phải vì có bài tập nào đó cần tôi giúp mà chỉ là thích đến ngồi làm bài cùng gia sư và các bạn cùng lớp. Điều này chứng tỏ tôi đã thực hiện đúng nhiệm vụ gia sư của mình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên