27/07/2023 16:34 GMT+7

Đụng dao kéo có làm ung thư nặng thêm?

Nhiều bệnh nhân khi nghe tin mình bị ung thư rất lo sợ việc đụng dao kéo có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh liền bỏ điều trị.

Thân nhân, người bệnh ung thư tham gia sinh hoạt câu lạc bộ trò chuyện cùng bác sĩ khoa ung bướu tại Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) - Ảnh: THU HIẾN

Thân nhân, người bệnh ung thư tham gia sinh hoạt câu lạc bộ trò chuyện cùng bác sĩ khoa ung bướu tại Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) - Ảnh: THU HIẾN

Bác sĩ Hồ Văn Trung - trưởng khoa xạ trị tổng quát, Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) - cho hay hiện nay đối với các loại ung thư đường tiêu hóa nói chung, điều trị chủ yếu mang lại hiệu quả khỏi bệnh cao nhất đó chính là phẫu thuật.

Tuy nhiên, trong thực tế có những bệnh nhân, người nhà khi bị ung thư các bác sĩ có chỉ định phẫu thuật lại kiên quyết không chịu mổ vì sợ đụng dao, đụng kéo khiến bệnh nặng thêm.

“Tùy theo vị trí của đường tiêu hóa mà các bác sĩ sẽ có cách phẫu thuật khác nhau, nếu không phẫu thuật người bệnh phải chấp nhận nguy cơ không khỏi bệnh.

Với giai đoạn sớm bác sĩ sẽ khuyên phẫu thuật do tỉ lệ điều trị thành công cao.

Thế nhưng, nhiều người từ chối mổ, về nhà thấy quảng cáo thuốc Nam hoặc thuốc Bắc điều trị ung thư nghe hay, bùi tai, nhẹ nhàng, lại không mổ xẻ nên mua về uống.

Một thời gian sau, trở lại bệnh viện với khối bướu to, đã di căn nhiều nơi, chảy máu… Lúc này dù thuốc mạnh bao nhiêu cũng không thể chữa trị được, các bác sĩ rất đau lòng”, bác sĩ Trung chia sẻ.

Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thắng - trưởng khoa ngoại ngực bụng, Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) - cho biết thêm khi bệnh nhân phát hiện bị ung thư, người bệnh sẽ được bác sĩ chuyên khoa thăm khám để quyết định giai đoạn ung thư đó có nên mổ hay không, và tham vấn về lợi ích của việc mổ.

Dân gian thường cho rằng việc sử dụng dao kéo sẽ khiến khối u nặng thêm là không đúng. Khi mắc ung thư nguy cơ cao người bệnh có thể mắc di căn, di căn có thể rõ ràng tại thời điểm tầm soát bệnh hoặc tại giai đoạn chẩn đoán bệnh.

Tuy nhiên, cũng có thể tế bào ung thư lẩn khuất ở đâu đó như hạt bụi, các kỹ thuật chưa chẩn đoán được, sau khi điều trị theo phác đồ đến 2-3 năm sau, những tế bào ung thư tiềm ẩn sẽ phát triển.

“Trong khối ung thư đó có những tế bào ngủ yên hoặc hoạt động, các phương pháp hóa trị, xạ trị sẽ tác động đến những tế bào hoạt động, những tế bào ngủ yên không bị tác động. Khi xử lý xong tế bào ung thư hoạt động, thì các tế bào ung thư ngủ yên sẽ bước vào chu trình hoạt động, khi đó chúng sẽ phát tán”, bác sĩ Thắng cho hay.

Cũng theo bác sĩ Thắng, nếu mổ không đúng cũng có thể làm ung thư nặng thêm. Tức mổ không theo đúng nguyên tắc về an toàn trong ung thư có thể làm cho các tế bào bướu vỡ ra, gieo rắc nhiều nơi.

Do đó, bác sĩ Thắng khuyến cáo điều quan trọng nhất là người bệnh cần khám đúng các cơ sở chuyên khoa về bệnh lý ung thư vì trong điều trị ung thư sẽ có nguyên tắc riêng, phối hợp nhiều thứ phẫu thuật, xạ trị, hóa trị…

Sống vui khỏe dù mắc bệnh ung thưSống vui khỏe dù mắc bệnh ung thư

Ung thư vẫn luôn là mối quan tâm trên toàn cầu. Vậy câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để người bệnh điều trị đủ các phác đồ đã định mà vẫn giữ được sức khỏe một cách tối ưu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên