17/05/2015 09:50 GMT+7

Đừng để dân “không dám đến chữa bệnh”

CHÍ QUỐC - MINH TÂM
CHÍ QUỐC - MINH TÂM

TT - Đó là khuyến cáo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận tại hội nghị sơ kết ba năm thực hiện cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực cho vùng Tây Nam bộ (2012-2014), diễn ra tại TP Cần Thơ ngày 16-5.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (thứ hai từ phải) trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị - Ảnh: Chí Quốc
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (thứ hai từ phải) trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị - Ảnh: Chí Quốc

Hội nghị do Bộ GD-ĐT cùng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức. Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, qua ba năm thực hiện cơ chế đào tạo đặc thù, hiện toàn vùng có 17 trường đại học, 25 trường cao đẳng, 30 trường trung cấp chuyên nghiệp và đã đào tạo 157.000 sinh viên.

Tuy nhiên, ông Võ Trọng Hữu - vụ trưởng Vụ văn hóa xã hội Ban chỉ đạo Tây Nam bộ - cho biết tính đến năm 2014 vùng ĐBSCL mới chỉ đạt 172 sinh viên / vạn dân, trong khi đó bình quân cả nước là 240 sinh viên / vạn dân.

Riêng về nhân lực y tế, còn 332 / 1.611 xã chưa có bác sĩ, bình quân 5,1 bác sĩ / vạn dân, trong khi đó bình quân chung cả nước là 7,5 bác sĩ / vạn dân... Nhiều ý kiến đánh giá ĐBSCL hiện vẫn là vùng trũng về giáo dục nên cần tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù trong những năm tiếp theo.

Xét tuyển cao là... không đủ nguồn!

Ông Hữu chỉ ra những nguyên nhân hạn chế như đã nêu trên là nhiều cơ sở được giao chỉ tiêu đào tạo nhân lực cho vùng nhưng thời gian thực hiện tuyển sinh quá ngắn nên các địa phương không thể triển khai kịp yêu cầu.

Việc phân bổ chỉ tiêu được tính bình quân số lượng cho địa phương dẫn đến có địa phương không có nguồn để xét tuyển vẫn được giao chỉ tiêu và ngược lại.

Đề xuất có Trường ĐH Bách khoa Cần Thơ

Cũng tại hội nghị, ông Dương Thái Công, hiệu trưởng Trường Trường ĐH Kỹ thuật - công nghệ Cần Thơ, cho rằng với vai trò, trách nhiệm của TP Cần Thơ trong việc phát triển cho cả vùng ĐBSCL, nhiệm vụ phát triển của trường này là rất quan trọng phục vụ phát triển công nghiệp cả vùng ĐBSCL.

Vì vậy nếu được đầu tư đủ mạnh cho trường này thì trường có thể trở thành ĐH Bách khoa Cần Thơ, cung cấp nguồn lực cho cả vùng. 

Ông Công nói trường này tốt nhất đặt tại TP Cần Thơ để có trọng điểm và hiệu quả trong đào tạo, thay vì hiện nay đều có các trường đào tạo về kỹ thuật ở các tỉnh.

Thêm nữa, Bộ GD-ĐT cho điểm xét tuyển vào ngành y quá cao. Cụ thể, năm 2014 điểm xét tuyển bác sĩ đa khoa của ĐH Y dược TP.HCM là 24 điểm, bình quân mỗi môn thi đạt 8 điểm; ngành dược hệ đại học lấy 23 điểm, bình quân mỗi môn 7,6 điểm. So với điểm đầu vào nhiều trường đào tạo ngành y là quá cao nên không đủ nguồn để xét tuyển..

Do đó, ông Hữu đề nghị cho phép tăng chỉ tiêu đào tạo lên 20 - 25% đối với ngành khoa học sức khỏe và 25 - 30% đối với các ngành khác cho khu vực Tây Nam bộ. Có sự thống nhất điểm xét tuyển giữa hai trường ĐH Y dược TP.HCM và ĐH Y dược Cần Thơ cho các đối tượng đào tạo theo địa chỉ sử dụng để có nguồn nhân lực y tế bổ sung các tuyến cơ sở.

Tiếp tục đào tạo hệ chính quy và đào tạo hệ liên thông theo địa chỉ sử dụng với số lượng 324 bác sĩ ở năm chuyên ngành hiếm (lao, phong, tâm thần, giải phẫu bệnh và pháp y) như  2014...

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đào tạo (Bộ GD-ĐT), cho biết hiện năm ngành hiếm này không có trong danh mục đào tạo đại học.

Ngoài ra, việc học tám năm của ngành này cũng không đáp ứng được nhu cầu thiếu thốn nhân lực.

Để đáp ứng nhu cầu trước mắt và đảm bảo về mã ngành, chương trình đào tạo, bà Phụng đề nghị ĐH Y dược Cần Thơ cần có đề án đào tạo năm ngành hiếm này để bộ xem xét.

Chất lượng đào tạo phải đặt lên hàng đầu

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết theo Luật giáo dục ĐH mới, sẽ giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường, hiệu trưởng có toàn quyền nhưng với điều kiện phải đảm bảo công bằng, không để người có điểm cao không trúng tuyển mà người có điểm thấp lại trúng gây thắc mắc trong nhân dân.

Ông Luận cho biết rất tôn trọng các quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo nhưng cũng bày tỏ lo ngại việc “thương các cháu, nhưng nếu ưu tiên cho các cháu mà dễ dãi thì hạ thấp chất lượng”.

Do đó, ông Luận “đặt hàng” các hiệu trưởng giúp  “làm sao để tuyển các cháu vào, đào tạo các cháu mà khi tốt nghiệp các cháu chữa được bệnh cho bà con. Chứ lấy điểm thấp quá các cháu không có khả năng học, tốt nghiệp về bà con không dám đến chữa bệnh thì mình không hoàn thành nhiệm vụ”.

Theo gợi ý của ông Luận: “Chúng ta có chương trình bổ túc riêng, người ta học sáu năm thì các cháu này học bảy năm, bảy năm rưỡi hoặc tám năm... Đề nghị Bộ Y tế phối hợp, Bộ GD-ĐT sẵn sàng gánh vác trách nhiệm nhưng Bộ Y tế thống nhất hướng xử lý mới giải quyết được”.

“Hướng xử lý”, theo ông Luận, là cần tăng thêm thời gian đào tạo, kinh phí đào tạo cho các đối tượng đặc thù như đã nói và mở chương trình liên thông để các y sĩ, y tá đang làm việc có cơ hội học lên cao hơn.

Ông Luận cũng đề nghị ngoài việc chú ý chất lượng đào tạo, các địa phương cần phối hợp để nắm bắt tình hình đối với sinh viên đang đi học, học xong, chuẩn bị về địa phương để quản lý, sử dụng vì “đào tạo thôi mà không chú ý sử dụng thì sẽ lãng phí nguồn lực”.

Ông Luận nói sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài cơ chế đặc thù cho vùng ĐBSCL đến khi nào vùng không cần cơ chế đặc thù nữa chứ không kết thúc năm 2016. 

Nên giao chỉ tiêu sớm

Ông Phạm Văn Lình - hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Cần Thơ - cho biết từ năm 2008 - 2014 trường đã đào tạo theo địa chỉ sử dụng cho các tỉnh thành Tây Nam bộ: 3.031 bác sĩ, 1.193 dược sĩ, 797 cử nhân.

Trường đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ để thực hiện đề án đào tạo theo địa chỉ sử dụng cho các tỉnh thành ĐBSCL nhưng hằng năm số lượng đào tạo theo địa chỉ sử dụng chỉ đáp ứng 50%.

Do đó, ông Lình kiến nghị nên giao chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng sớm hơn để trường và các tỉnh chủ động xét tuyển và cử người đi học, tiếp tục giao chỉ tiêu năm chuyên ngành hiếm để xét tuyển đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực còn thiếu ở ĐBSCL.

CHÍ QUỐC - MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên