24/12/2023 12:14 GMT+7

Đừng để lọt hố đa cấp bất chính

"Nhận diện bán hàng đa cấp bất chính và kỹ năng phòng tránh" là chuyên đề vừa được Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM cùng Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam và Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) tổ chức chiều 22-12.

Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM ký kết chương trình phối hợp hoạt động với Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam năm 2024 - Ảnh: C.TRIỆU

Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM ký kết chương trình phối hợp hoạt động với Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam năm 2024 - Ảnh: C.TRIỆU

Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM Trần Thu Hà cho biết từ khảo sát nhận diện những vấn đề tác động đến sinh viên TP thực hiện mới đây cho thấy cạnh chuyện học hành, các bạn rất quan tâm vấn đề tài chính, việc làm.

Các bạn luôn có nhu cầu tìm kiếm cơ hội việc làm để gia tăng nguồn tài chính, trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và mở rộng mối quan hệ.

Tuy vậy thực tế không phải bạn nào cũng đủ kiến thức để nhận diện và tìm được những công việc phù hợp.

Lợi dụng điều này, có những cá nhân, tổ chức đã lôi kéo sinh viên tham gia vào các hình thức kinh doanh. Trong đó, có kinh doanh đa cấp bất hợp pháp với sự biến tướng, tinh vi và biểu hiện ngày càng nguy hiểm.

Theo ông Phạm Văn Cao (Ủy ban Cạnh tranh quốc gia), bán hàng đa cấp chỉ là một phương thức bán theo hình thức nhiều cấp, phương thức phân phối bán lẻ. Nhưng bán hàng đa cấp bất chính lại là hoạt động không hợp pháp và gây hệ lụy rất lớn cho cộng đồng, xã hội.

Dấu hiệu dễ nhận biết nhất chính là phải đặt cọc, nộp tiền tham gia, bắt buộc mua hàng, tuyển dụng thành viên nhưng không bán hàng hoặc hàng không giá trị.

Cũng có thể còn vài dấu hiệu khác như nói quá nhiều về cơ hội làm giàu, công dụng sản phẩm, không cho trả lại hàng...

Dấu hiệu khiến các tổ chức bán hàng đa cấp không tin cậy có thể nhận ra kiểu hướng dẫn cách vay mượn, cầm cố tài sản, cách che giấu kế hoạch "làm giàu", không giấy tờ biên lai rõ ràng, nộp tiền qua tài khoản cá nhân...

Thông thường và hầu như kịch bản chung của mô hình bán hàng đa cấp bất hợp pháp sẽ là phô trương giới thiệu dự án, dẫn dắt nội dung để đánh vào tâm lý, "chim mồi" từ bằng chứng dàn dựng khiến khách hàng "không thể bỏ lỡ cơ hội này" và cuối cùng là chốt đơn.

"Không phải công ty nào cũng lừa đảo. Bán hàng đa cấp được pháp luật công nhận, phải đăng ký giấy phép hoạt động, chịu sự quản lý rất chặt chẽ.

Hiện Việt Nam chỉ có 20 công ty được cấp phép, hoạt động chính là bán hàng, không phải công ty tuyển dụng", ông Cao cho biết.

Ngoài một vài dấu hiệu được chuyên gia chia sẻ phần nào thêm thông tin song vấn đề còn ở sự cảnh giác của mỗi sinh viên chứ không phải làm gì cũng được và sao cũng được.

Dịp này Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam đã ký kết phối hợp hoạt động cùng Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM năm 2024. Các nội dung đã ký bao gồm các hoạt động tuyên truyền, phổ biến cách nhận diện các tổ chức bán hàng đa cấp bất chính, trao học bổng... cho sinh viên TP.

Tại chương trình này, ban tổ chức cũng tặng 50 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho các bạn sinh viên, cán bộ Hội Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích tốt trong học tập.

Treo bảng bán thịt dê, bên trong bán... hàng nghi đa cấpTreo bảng bán thịt dê, bên trong bán... hàng nghi đa cấp

Gần đây, tại quán thịt dê trên đường Lý Nam Đế (TP Nha Trang, Khánh Hòa) xuất hiện một công ty kinh doanh đa cấp thu hút nhiều người lớn tuổi đến dự. Tại đây các nhân viên phát quà rồi dùng 'chiêu' bán nhiều mặt hàng với giá rất cao.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên